Ảnh: Dự án tàu thủy tự động chở người và hàng hóa trên các con kênh quanh thành phố Amsterdam của Hà Lan.
Dự án ROBOAT sẽ kéo dài 5 năm và nếu có được kết quả khả quan, dự án có thể sẽ thay đổi phương tiện chở người và hàng hóa trong thành phố Amsterdam.
Dự án do MIT phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển đô thị Amsterdam (AMS) thực hiện với mục đích giải quyết các vấn đề khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt của người dân Amsterdam như sử dụng nguồn nước, vấn đề năng lượng, rác thải và vận chuyển.
Ông Carlo Ratti, Giáo sư về ứng dụng công nghệ thuộc Viện Công nghệ Boston (Mỹ) cho biết dự án này có thể thực hiện kết hợp với việc xây dựng hạ tầng nổi tạm thời, điển hình như xây cầu có thể lắp ráp và tháo rời trong vài giờ.
Ngoài nhiệm vụ vận chuyển và xây dựng cơ sở hạ tầng nổi tạm thời, ROBOAT sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng nguồn nước quanh Amsterdam thông qua các hệ thống cảm biến, qua đó sẽ đánh giá và dự báo được các vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng và môi trường.
GS. Arjan van Timmeren, Giám đốc Khoa học Viện AMS cho biết: “Thông qua việc tận dụng hệ thống đường thủy trong thành phố, ROBOAT có thể góp phần đưa ra các giải pháp mới nhằm cải thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, ROBOAT cũng có thể sẽ triển khai các hoạt động làm sạch nguồn nước bị ô nhiễm do rác thải nổi quanh Amsterdam”.