Dậy sóng vì hải tặc
IMB cho biết số vụ cướp biển 6 tháng đầu năm 2011 là 266 vụ, tăng 196 vụ so với cùng kỳ năm 2010. Đáng chú ý là 60% trong số đó do hải tặc Somalia gây ra.
Theo thông tin từ MaritimeSecurity.Asia (trang web về an ninh hàng hải châu Á của Singapore), từ đầu năm 2011 đến nay, khu vực Đông Nam Á đã có 41 vụ, tăng 11 vụ so với năm 2010 và 28 vụ so với năm 2009. Đặc biệt là trong tháng 5/2011, số vụ tăng gần gấp đôi với 15 vụ.
Ảnh minh hoạ
Sở dĩ, Đông Nam Á trở thành khu vực cướp biển "nhòm ngó" là do thương mại biển của nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đi qua vùng biển này. Ngành hàng hải vốn đã bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính nay còn phải đối mặt với nạn hải tặc. Nhiều tàu thuyền ở ngoài khơi Jahore (Malaysia) hay Vũng Tàu (Việt Nam) bị cướp.
Một số người cho rằng, cướp biển Đông Nam Á hoạt động giống như cướp biển Somalia nhưng điều này không có cơ sở. Cướp biển Somalia hoạt động trong vùng đất không có luật lệ, nơi mà tàu có thể được giữ an toàn để đòi tiền chuộc. Còn cướp biển ở Đông Nam Á không có kho vũ khí cũng chẳng có khả năng điều phối các đối tác khác và khu vực hậu thuẫn sau khi bắt giữ tàu đòi tiền chuộc.
Không những tăng về số lượng, cướp biển tỏ ra ngày càng hung hãn và sử dụng vũ khí nhiều hơn. Thuyền trưởng Pottengal Mukundan, Giám đốc Cơ quan Hàng hải Quốc tế cho biết, cướp biển thừa sức sắm vũ khí hiện đại sau mỗi phi vụ thành công.
Ông nhận định, cướp biển đang mở rộng phạm vi hoạt động ở Ấn Độ Dương, khu vực ngoài khơi Somalia vì đây là nơi có khá nhiều tàu chở hàng, đặc biệt là dầu mỏ nhưng có rất ít tàu hải quân tuần tra, tạo điều kiện cho những vụ tấn công liều lĩnh của hải tặc. Đồng thời, hải tặc sử dụng các tàu lớn làm "tàu mẹ" để đánh cướp vừa làm "căn cứ", vừa là lá chắn khi bị hải quân tấn công.
Không chỉ cướp bóc, giam giữ tàu hàng để đòi tiền chuộc, chúng còn giết người. “Tính từ đầu năm 2011 đến nay, đã có 17 người bị giết. Trong 7 tháng qua, khi chuộc lại tàu bị cướp, người ta thấy các thủy thủ hay ngư dân trên tàu đã bị hành hung dã man”, ông Mukundan cho biết.
Trên thực tế, chủ tàu bị thiệt hại do hải tặc nhưng các nạn nhân chính là những người đi biển. Họ bị đánh đập, cưỡng đoạt những tài sản có giá trị, bị bắt làm con tin trong nhiều tháng.Trong một vụ gần đây, thủy quân lục chiến Hàn Quốc đã giết chết 8 tên cướp biển để cứu tàu thương gia Hàn Quốc khỏi cướp biển Somalia. Theo các nhà phân tích, điều này có thể làm những tên cướp biển táo tợn hơn.
Cần tăng cường hợp tác
Hiện nay, IMB, Liên hợp quốc và lực lượng Chống cướp biển của Liên minh châu Âu (EU Navfor) đang tăng cường phối hợp với hải quân các nước như Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Singapore... nhằm đối phó với nạn cướp biển.
Tại châu Á, Nhật Bản hiện là nước đi đầu trong chống chiến dịch chống cướp biển. Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đã triển khai tàu chiến tới vùng biển ngoài khơi Somalia. Các quốc gia khác như Philippines, Malaysia, Indonesia... tích cực sử dụng Cảnh sát biển nhằm tăng cường khả năng đối phó với nạn cướp biển trong vùng biển Đông Nam Á.
Để đạt được hiệu quả, Đông Nam Á vẫn cần sự hợp tác và trợ giúp từ cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, thuyền trưởng và các thuyền viên khi hành hải cần đề cao cảnh giác và phải áp dụng một số biện pháp đề phòng cướp biển.
Một tổ chức ASEAN đoàn kết sẽ là giải pháp hiệu quả nhất chống nạn cướp biển. Các nước Đông Nam Á cần đoàn kết để giải quyết những mâu thuẫn về chủ quyền biển đảo cũng như chống lại nạn cướp biển có xu hướng ngày càng tăng.