Các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương chuẩn bị phê chuẩn Công ước Lao động hàng hải năm 2006

30/05/2011

Ngày 5/5/2011 tại Caims, Austalia, đã diễn ra lễ ký hiệp định giữa đại diện Bộ Giao thông vận tải và hạ tầng Australia với đại diện của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), theo đó Australia sẽ sớm phê chuẩn Công ước Lao động hàng hải năm 2006 (MLC 2006).

Lễ ký hiệp định diễn ra với sự chứng kiến của các đại biểu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong khuôn khổ “Đối thoại khu vực về Công ước Lao động hàng hải” do Cơ quan An toàn Hàng hải Autralia (AMSA) tổ chức, nhằm mục đích tăng cường sự hợp tác khu vực trong việc thông qua, thực hiện, áp dụng và thi hành nhất quán Công ước MLC 2006.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cung cấp trên 60% trong tổng số 1,2 triệu thuyền viên đang làm việc trên đội tàu hoạt động tuyến quốc tế của toàn thế giới, và là quốc gia đăng ký cờ của 40% đội tàu thương mại toàn cầu. Sự phát triển kinh tế, thương mại và vận tải biển trong khu vực có sự gắn kết chặt chẽ không thể tách rời. Hiệp định Caims vừa được ký giữ Chính phủ Austraulia và đại diện ILO, IMO có tác dụng rất to lớn trong việc khuyến khích tất cả các quốc gia trong khu vực phối hợp với nhau để cùng phê chuẩn Công ước MLC 2006. Theo đánh giá của ILO, châu Á - Thái Bình Dương giữ vai trò then chốt trong việc đạt được mục tiêu của công ước này.

Hợp tác khu vực, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến hàng hải, là truyền thống mang tính lịch sử của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khu vực này cũng phản ánh toàn bộ các bên có lợi ích liên quan của ngành hàng hải, bao gồm các quốc gia đăng ký tàu quan trọng, các quốc gia cung cấp thuyền viên chủ chốt, các quốc gia có lợi ích kích tế gắn liền với biển, các quốc đảo, các quốc gia ven bờ và các quốc gia cảng biển trọng yếu.

Điều kiện để Công ước MLC 2006 có hiệu lực là phải được ít nhất 30 quốc gia với tổng dung tích đội tàu buôn không nhỏ hơn 33% tổng dung tích đội tàu thế giới phê chuẩn. Đến nay Công ước đã nhận được phê chuẩn của 12 quốc gia với tổng dung tích đội tàu chiếm khoảng 48% đội tàu thế giới. Một số quốc gia khác đã thông báo việc sẵn sàng phê chuẩn Công ước MLC 2006, bao gồm Antigua, Latvia và Ba Lan. Ấn Độ cũng đã công bố sẽ phê chuẩn Công ước trong nửa cuối năm 2011. Ý kiến phát biểu tại “Đối thoại khu vực về Công ước Lao động hàng hải” cho thấy dấu hiệu ít nhất là 9 quốc gia khác thuộc châu Á - Thái Bình Dương có thể sẽ phê chuẩn Công ước trước cuối năm 2011. Như vậy, rất có thể Công ước MLC 2006 sẽ hội tụ đủ các điều kiện để có hiệu lực vào cuối năm 2011 và sẽ chính thức có hiệu lực vào cuối năm 2012.

Tác giả: Phòng TB - VR