Vì sao tàu biển nội địa “lép vế” tàu pha sông biển?

14/12/2020

Nhiều tàu pha sông biển (VR-SB) chạy vượt phạm vi 12 hải lý, hành trình như tàu biển khiến tàu biển “thua ngay trên sân nhà”.


vì sao tàu biển nội địa “lép vế” tàu pha sông biển?

Phương tiện VR-SB dù có quy chuẩn thấp hơn nhưng hiện tại vẫn được chạy thông tuyến Bắc - Nam khiến các doanh nghiệp khai thác đội tàu biển hạn chế 3 “dở khóc dở cười”

Để tiết kiệm nhiên liệu, giảm giá thành vận tải, bất chấp nguy cơ tai nạn, nhiều tàu pha sông biển (VR-SB) chạy vượt phạm vi 12 hải lý, hành trình như tàu biển khiến tàu biển “thua ngay trên sân nhà”.

Quá nhiều lợi thế cho tàu VR-SB

Đầu tháng 12/2020, chia sẻ với Báo Giao thông, một kỹ sư đóng tàu ở Hải Phòng cho biết, một DN mới đây đã cực kỳ bối rối khi lựa chọn đóng tàu biển hay tàu VR-SB trọng tải hơn 23.000 tấn chạy tuyến Bắc - Nam.

Nếu đóng tàu VR-SB, vốn đầu tư 160 tỷ đồng, trong khi tàu biển sẽ tốn thêm 50 tỷ đồng, chưa kể thêm 800 tấn tôn. Thực tế, tàu VR-SB khai thác vận tải Bắc - Nam chạy thẳng như tàu biển.

“Nếu xu hướng đóng tàu VR-SB thay vì tàu biển diễn ra mạnh mẽ sẽ gây hệ lụy là kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp tàu biển, hàng hải nói chung”, kỹ sư này nói.

Ông Vũ Đức Then, Giám đốc Công ty CP Vận tải biển Trường Xuân (Thái Bình) cho rằng, hiện tại, việc đầu tư tàu VR-SB có quá nhiều lợi thế so với tàu biển. Bởi theo tính toán, chi phí đóng mới một tàu biển dao động từ 10 - 13 triệu đồng/tấn, trong khi với tàu VR-SB chỉ bằng 60%.

Tàu VR-SB cũng được phép lắp, thay thế thiết bị cũ, không phải đầu tư trang thiết bị, máy móc mới, yêu cầu có chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ như tàu biển.

“Ngoài ra, trong khi tàu biển phải trang bị phao tự thổi (có pháo sáng, pháo dù, nước, thuốc, lương khô) phòng sự cố thì tàu VR-SB chỉ phải trang bị bè cứu sinh, chi phí rẻ hơn 10 lần. Còn xét trên cùng tấn phương tiện, tàu VR-SB cũng chở được nhiều hàng hơn. Đơn cử, tàu biển trọng tải 2.000 tấn, mớn nước quy định là 1m nhưng cùng trọng tải đó, tàu VR-SB chỉ là 0,65m”, ông Then lấy ví dụ.

Theo đại diện Hiệp hội Vận tải biển Diêm Điền (Thái Bình), điều khiến các DN đang khai thác đội tàu biển cấp hạn chế 3 bức xúc nhất là đa số tàu VR-SB chạy hành trình như tàu biển từ Bắc vào Nam.

Trên cùng một chặng đường lại tồn tại hai loại phương tiện với hai tiêu chuẩn khác biệt; tàu VR-SB chi phí đầu tư thấp, lộ trình hoạt động như tàu biển nên số lượng gia tăng nhanh, dẫn đến nguồn cung trên tuyến vận tải Bắc - Nam dư thừa, “lấn át” tàu biển. Việc cạnh tranh xuất hiện, giá cước vận chuyển “tụt dốc không phanh”.

“Nếu trước thời điểm loại hình VR-SB ra đời (7/2014), cước vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam và ngược lại là 474.000 đồng/tấn thì tính đến thời điểm hiện tại, giá cước chỉ ở mức 190.000 - 200.000 đồng/tấn. Đối với một tàu vận tải, doanh thu 1 ngày/tấn phương tiện hiện chỉ khoảng 7.000 đồng trong khi chi phí phải bỏ ra lên tới hơn 13.000 đồng/ngày/tấn phương tiện. Tàu VR-SB chi phí đầu tư thấp, thuyền viên ít hơn, chi phí vận hành ít hơn thì có lãi, tàu biển thì ngược lại. 8 năm trước, đội tàu biển của hiệp hội khoảng 220 chiếc thì nay chỉ còn 150 chiếc”, đại diện Hiệp hội Vận tải biển Diêm Điền cho hay.

Chung cảnh ngộ “lép vế” trước sức ép của tàu VR-SB, ông Vũ Đức Năm, Thư ký Hiệp hội Vận tải biển Đoàn kết An Lư (Hải Phòng) cho biết, nhiều DN trong tổ chức này cũng đang “sống dở, chết dở” bởi hàng hóa vốn khan hiếm trong “thời Covid-19” lại phải chịu sự canh tranh quá lớn từ đội tàu VR-SB.

“Thời điểm chưa có tàu VR-SB, mỗi con tàu hạn chế 3 có thể chạy 10 vòng hàng/ tháng, song hiện con số này giảm chỉ còn 5 vòng/tháng, thậm chí có tàu nằm chờ hai tháng không có hàng để chở”, ông Năm nói.

Cũng theo ông Năm, ở giai đoạn đỉnh cao (2006 - 2007), đội tàu của Hiệp hội Đoàn Kết An Lư có khoảng 150 chiếc thì nay chỉ còn 50 chiếc. “Thực tế đó đòi hỏi cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp hoặc hạ tiêu chuẩn kỹ thuật để giảm chi phí đầu tư, hoặc có cơ chế ưu đãi để gỡ khó cho đội tàu biển”, ông Năm nói.

Việc quản lý chặt vận tải tàu VR-SB tuyến Bắc - Nam sẽ tạo sự công bằng trong hoạt động vận tải bằng tàu biển

Không thể để tàu sông pha biển chạy như tàu biển

Trả lời câu hỏi có nên giảm bớt tiêu chuẩn kỹ thuật của tàu biển nội địa để không “lép vế” trước tàu VR-SB, ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho rằng, quy chuẩn kỹ thuật của tàu đã được nghiên cứu, tính toán để đảm bảo an toàn với điều kiện thời tiết và vùng hoạt động của từng cấp tàu.

Tàu biển và tàu VR-SB được phân định rõ khu vực hoạt động và có quy chuẩn kỹ thuật phù hợp cho từng loại để đảm bảo an toàn. Nếu tàu biển giảm bớt kỹ thuật sẽ trở thành tàu VR-SB, chứ không còn là tàu biển, ngược lại tàu VR-SB nâng tiêu chuẩn lên lại trở thành... tàu biển.

“Khó khăn của tàu biển nội địa là nhiều tàu có tuổi cao, chi phí khai thác lớn, trong khi muốn đóng mới lại khó vay vốn và không có cơ chế ưu đãi lãi suất. Mặt khác, tàu biển chạy tuyến Bắc - Nam bị tàu VR-SB cạnh tranh không lành mạnh, thể hiện qua việc tàu VR-SB chạy vượt phạm vi 12 hải lý, hành trình như tàu biển để tiết kiệm nhiên liệu, giảm giá thành vận tải. Việc quản lý chặt vận tải tàu VR-SB tuyến Bắc - Nam sẽ tạo sự công bằng trong hoạt động vận tải bằng tàu biển, quan trọng hơn nữa là để đảm bảo an toàn”, ông Hải cho biết.

Đại diện Cục Hàng hải VN khẳng định, các loại hình bắt buộc phải hoạt động đúng với thiết kế. Tàu VR-SB phải được quy định hoạt động theo chặng thay vì thông tuyến như hiện nay.

Khi đó, doanh nghiệp nào muốn khai thác chặng ngắn thì chọn phương tiện VR-SB, muốn chọn chặng dài hơn thì chọn tàu được xây dựng trên gam tiêu chuẩn mới, muốn chạy Bắc - Nam dài ngày trên biển thì chọn đóng tàu hạn chế 3.

Thống kê cho thấy, từ năm 2014 đến nay, đội tàu SB hiện có 1.096 chiếc (tăng gần 10 lần so với năm đầu tiên), tương ứng hơn 2,4 triệu tấn trọng tải. Trong đó, số phương tiện đóng mới là 502 chiếc, còn lại được chuyển đổi từ tàu biển và tàu sông cấp I, II.

Theo Cục Đường thủy nội địa VN, từ năm 2014 đến nay, đội tàu SB vận chuyển được hơn 144 triệu tấn hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân 204%/năm (giai đoạn 2014-2019).


Tác giả: H. Lộc