Cơ quan điều hành của ILO đã có hành động đặc biệt khi thông qua nghị quyết nhằm giải quyết tình trạng thảm khốc của những thuyền viên bị mắc kẹt trên biển vì đại dịch COVID-19 vào ngày 08/12/2020 (truy cập tại: https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---ed_norm/---relconf/documents/meetingdocument/wcms_760649.pdf)
"Những vấn đề mà người đi biển phải đối mặt do nỗ lực ngăn chặn vi rút đã kéo dài không thể chấp nhận được", Ông Guy Ryder - Tổng Giám đốc ILO cho biết, "Những người lao động chủ chốt này tiếp tục vận chuyển thực phẩm, thuốc men và hàng hóa mà chúng ta cần, nhưng thời gian làm việc dài trên biển và việc họ không có khả năng vào bờ để thay đổi thuyền viên thực sự là không bền vững. Nghị quyết đề ra các hành động cần thực hiện khẩn cấp."
Nghị quyết liên quan đến "Lao động hàng hải và đại dịch COVID-19" ghi nhận cuộc đối thoại xã hội lớn lao đã diễn ra và các hành động đã được thực hiện bởi các tổ chức của chủ tàu, tổ chức của thuyền viên và một số chính phủ để giải quyết cuộc khủng hoảng. Nghị quyết lưu ý, mặc dù có nhiều lời kêu gọi và hành động thông qua hệ thống của Liên hợp quốc, hàng trăm nghìn thuyền viên vẫn tiếp tục làm việc dài hơn thời gian phục vụ trên biển thông thường, với một số người hiện đã ở trên tàu trong 17 tháng và lâu hơn.
Nghị quyết đề cập "rủi ro to lớn liên quan đến sự mệt mỏi của thuyền viên đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của từng người đi biển và cho an toàn, an ninh hành hải và bảo vệ môi trường biển."
Nghị quyết cũng nhắc lại, các quyền của thuyền viên được quy định trong Công ước Lao động hàng hải năm 2006 (MLC, 2006), bao gồm quyền được hồi hương và được chăm sóc y tế trên bờ. Các quốc gia đã phê chuẩn Công ước phải quy định thời hạn phục vụ tối đa trên tàu của thuyền viên là dưới 12 tháng.
Ngành đánh khai thác hải sản cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự. Nghị quyết nhắc lại, Công ước về nghề khai thác hải sản năm 2007 (số 188) có các điều khoản về hồi hương và chăm sóc y tế đối với thuyền viên tàu cá. Nghị quyết kêu gọi các Quốc gia Thành viên ILO:
• Xác định những trở ngại đối với việc thay đổi của thuyền viên, và để thiết lập và thực hiện các kế hoạch có thể đo lường được, có thời hạn nhằm đảm bảo việc thay đổi thuyền viên và việc đi lại của thuyền viên được an toàn, lưu ý đến Khuyến nghị khung hiện có về thủ tục thay đổi thuyền viên (Thông tư số 4204/Add.14/Rev.1 ngày 05/10/2020 của Tổ chức Hàng hải quốc tế);
• Công nhận thuyền viên là "người lao động chủ chốt", nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển an toàn, không bị cản trở để họ lên hoặc xuống tàu và nghỉ ngơi trên bờ;
• Xem xét việc chấp nhận các tài liệu được quốc tế công nhận do thuyền viên mang theo;
• Đảm bảo các thuyền viên đang cần được chăm sóc y tế ngay lập tức được tiếp cận các cơ sở y tế trên bờ, điều trị y tế khẩn cấp, bất kể quốc tịch của họ, và được hồi hương khẩn cấp khi cần thiết;
• Xem xét các biện pháp tạm thời bao gồm miễn trừ, miễn giảm hoặc các thay đổi khác đối với các yêu cầu về thị thực hoặc giấy tờ.
Các Quốc gia thành viên ILO đã phê chuẩn Công ước MLC, 2006, được kêu gọi áp dụng các biện pháp để thực hiện đầy đủ Công ước này trong thời kỳ đại dịch, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan, hợp tác với các Quốc gia thành viên đã phê chuẩn khác và tham vấn với các đối tác xã hội.
Các doanh nghiệp được kêu gọi thực hiện trách nhiệm giải trình phù hợp với Nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về kinh doanh và nhân quyền, để xác định, ngăn ngừa, giảm thiểu và giải trình cách họ giải quyết tác động thực tế và tiềm ẩn đối với nhân quyền của thuyền viên do đại dịch COVID- 19 .
Nghị quyết cũng kêu gọi Ban thư ký ILO báo cáo về hành động phối hợp của các tổ chức Liên hợp quốc và các đối tác xã hội để theo dõi Nghị quyết.
Nghị quyết của Cơ quan điều hành ILO được ban hành chỉ vài ngày sau khi Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết bổ sung về "Hợp tác quốc tế nhằm giải quyết những thách thức mà người đi biển phải đối mặt do hậu quả của đại dịch COVID-19 để hỗ trợ chuỗi cung ứng toàn cầu".