Ngành vận tải biển và các quốc gia châu Á phản đối kế hoạch giảm ô nhiễm không khí của Liên minh châu Âu

07/12/2020

Các kế hoạch mở rộng thị trường cácbon lớn nhất thế giới sang vận tải biển đã thu hút sự chỉ trích từ ngành công nghiệp này và các quốc gia châu Á, làm nổi lên xung đột ngày càng tăng về các động thái chưa từng có của châu Âu liên quan đến bảo vệ môi trường.


27 quốc gia trong Liên minh châu Âu đang soạn thảo các biện pháp để bao gồm vấn đề ô nhiễm từ giao thông hàng hải từ tối thiểu các tuyến đường nội khối của Liên minh châu Âu (EU) vào Hệ thống giao dịch phát thải (Emissions Trading System - ETS) của khối. Đây là một phần của Thỏa thuận Xanh - một cuộc đại tu toàn diện nền kinh tế nhằm đưa châu Âu đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia Hội đồng Vận tải biển thế giới bày tỏ quan ngại về động thái này. Các nước này cho rằng lượng phát thải toàn cầu từ  tàu biển nên được Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) quy định và các nỗ lực trong khu vực sẽ chỉ cản trở sự tiến bộ. Mặc dù IMO đã cam kết cắt giảm một nửa lượng phát thải của vận tải biển vào năm 2050, nhưng yêu cầu cải tiến hiệu quả hoạt động của các tàu trước đó đã vấp phải sự chỉ trích từ các nhóm môi trường do đã không đi đủ xa để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

"Nhật Bản tin rằng việc mở rộng EU ETS đối với vận tải biểm quốc tế không phải là cách được đề xuất trong tương lai, cho dù phạm vi chỉ giới hạn trong vận chuyển nội khối EU hay không", văn bản của Tokyo gửi EU ngày 24/11/2020 viết, "EU ETS trong vận tải biển quốc tế sẽ không mang lại hiệu quả giảm phát thải như kỳ vọng, trong khi tạo ra rủi ro rò rỉ cácbon, làm biến dạng đáng kể trong vận tải biển và thương mại toàn cầu liên quan đến các nước thứ ba ngoài EU, bao gồm cả Nhật Bản."

Khoảng 90% hoạt động thương mại vật chất của thế giới được di chuyển bằng tàu biển và lĩnh vực này thải lượng CO2 vào khí quyển tương đương với Đức và Pháp cộng lại.


Vận tải biển là lĩnh vực vận tải toàn cầu thứ hai mà EU đang nhắm tới trong chiến dịch chống biến đổi khí hậu sau nỗ lực tăng giá cácbon trên các chuyến bay quốc tế. Kế hoạch đó đã phải được thu hẹp lại vào năm 2012 trong bối cảnh các nước bao gồm Trung Quốc, Nga và Mỹ đe dọa chiến tranh thương mại.

Ước tính, việc thêm các tuyến vận tải biển nội khối vào EU ETS có thể tăng ngưỡng hàng năm thêm 48 triệu tấn CO2. Nếu các tuyến quốc tế cũng được xem xét, thì ngưỡng này có thể tăng thêm 97 triệu tấn. Điều đó sẽ định giá lượng khí thải bổ sung là 2,7 tỷ euro (3,2 tỷ đô la) dựa trên giá cácbon vào ngày 16/11/2020 là khoảng 28 euro một tấn.

Ủy ban châu Âu có kế hoạch công bố luật sửa đổi về chương trình giới hạn và thương mại cácbon. Nó sẽ bao gồm các yêu cầu khắt khe hơn đối với 12.000 công ty đã được bao trùm bởi hệ thống và quy tắc bao gồm vận tải biển. Ủy ban này cũng đang xem xét mở rộng thị trường cácbon cho  lĩnh vực vận tải đường bộ và xây dựng.

"Việc áp dụng EU-ETS vào vận tải biển quốc tế sẽ có tác động tiêu cực đến cả tính toàn vẹn môi trường và tính bền vững của vận tải biển và thương mại toàn cầu", Hàn Quốc cho biết trong một tài liệu được đệ trình trong khuôn khổ tham vấn của EU về biện pháp đã được lên kế hoạch./.

Tác giả: Nguyễn Hải