Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải thủy tuyến Việt Nam - Campuchia

14/12/2020

Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải thủy.


Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải thủy tuyến Việt Nam - Campuchia 1

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Ngày 11/12, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải thuỷ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đánh giá, Hiệp định có ý nghĩa quan trọng, là sợi dây thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa đôi bên.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, sau khi Hiệp định được ký kết đã tạo điều kiện hàng hóa của Campuchia qua cảng biển Cái Mép - Thị Vải được vận chuyển bằng đường thủy qua tuyến sông Tiền và sông Hậu của Việt Nam, mở ra tuyến vận tải thủy lớn.

“Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng phát sinh bất cập cần được các ngành cùng tháo gỡ. Đây là tuyến vận tải thủy quan trọng, các ngành, lực lượng chức năng, địa phương cần xem đây là nhiệm vụ chính trị, cần phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi và phát triển vận tải hơn nữa.

Tại Hội nghị ngày hôm nay, Bộ GTVT một lần nữa rất muốn lắng nghe ý kiến các cơ quan hữu quan, đại diện UBND các tỉnh và doanh nghiệp tham dự Hội nghị đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp để Hiệp định vận tải thủy giữa hai nước ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội giữa hai nước nói chung và các tỉnh miền Nam nói riêng”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.


Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải thủy tuyến Việt Nam - Campuchia 2

Ông Phan Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trình bày 13 kiến nghị, đề xuất của các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia Hội nghị.

Tại hội nghị, ông Phan Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trình bày 13 kiến nghị, đề xuất của các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia hội nghị.

Cụ thể, các đơn vị đề nghị cơ quan chức năng áp dụng mức phí, lệ phí đối với phương tiện vận tải thuỷ Việt Nam - Campuchia là mức phí thấp nhất theo đúng quy định tại Hiệp định; Tổng Cục Hải quan xem xét việc thực thi của cơ quan hải quan về việc thực hiện các thủ tục đối với hàng hoá quá cảnh tuyến vận tải thuỷ Việt Nam - Campuchia như thủ tục đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.

Đồng thời, các đơn vị đề nghị xem xét việc kiểm tra thực tế hàng hoá quá cảnh trên tuyến vận tải thuỷ Việt Nam - Campuchia do hiện nay khoảng 80% hàng hoá quá cảnh bị cơ quan hải quan kiểm tra thực tế, dẫn đến mất thời gian, chi phí của doanh nghiệp; Cơ quan chức năng tại cửa khẩu Vĩnh Xương, Thường Phước và cửa khẩu bên phía Campuchia làm thủ tục đến 22h tiến tới làm thủ tục 24/24; Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo để đảm bảo phương tiện hoạt động được an toàn, hiệu quả và một số kiến nghị khác liên quan đến việc cấp thị thực, thay đổi thủy thủ tại khu vực biên giới do ảnh hưởng dịch Covid-19.


Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải thủy tuyến Việt Nam - Campuchia 3

Bộ đội Biên phòng An Giang tuần tra tại khu vực biên giới

Đại diện tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Hoàng Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh cho biết, trong công tác triển khai và thực hiện về quản lý cũng gặp nhiều vướng mắc liên quan đến chi phí, thời gian làm thủ tục, bến bãi trong quá trình làm thủ tục cho các phương tiện. Từ đó, địa phương này đề nghị phân cấp Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền cấp giấy phép vận tải thủy qua biên giới cho các phương tiện thuộc nhóm 1; Quy định thời gian làm việc cụ thể của các ngành tại cửa khẩu; Ban hành quy chế đặc thù phát triển trung tâm dịch vụ Logistics tại khu vực cửa khẩu quốc tế Thường Phước…

Còn theo Đại tá Trần Ngọc Hữu, Phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Biên phòng Việt Nam, quá trình thực hiện Hiệp định cũng đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập trong công tác kiểm soát xuất nhập cảnh như công tác trao đổi, phối hợp xử lý giữa lực lượng chức năng Việt Nam và Campuchia chưa thường xuyên; Cơ quan chức năng Việt Nam triển khai làm thủ tục điện tử đối với tàu thuyền xuất nhập cảnh, quá cảnh nhưng phía Campuchia vẫn yêu cầu xuất trình hồ sơ giấy,...


Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải thủy tuyến Việt Nam - Campuchia 4

Hiệp định đã tạo điều kiện cho sự phát triển của các tuyến vận tải thủy lớn.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Nhật chỉ đạo Cục đường thủy nội địa Việt Nam tổng hợp ý kiến đề xuất của các địa phương, doanh nghiệp, có tờ trình Thủ tướng Chính phủ, nội dung đánh giá 10 năm thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải thuỷ. Trong trường hợp cần thiết thì đề xuất Thủ tướng tổ chức cuộc họp cùng các bộ ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

“Đối với các đề xuất thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT, Bộ sẽ xem xét, xử lý giải quyết ngay trong tuần tới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, sản xuất kinh doanh hiệu quả”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.

Ngày 11/12, tại Cần Thơ, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa VN ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Hội Vận tải thủy nội địa VN, Hiệp hội Đại lý và môi giới Hàng hải VN về tăng cường cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường thủy và doanh nghiệp thông qua Hội, Hiệp hội nghề. Sáng kiến nhằm thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển bằng phương tiện thủy, vận tải thủy xuyên biên giới Việt Nam - Campuchia.

Nội dung hợp tác chủ yếu: cung cấp và trao đổi thường xuyên thông tin về chủ trương, chính sách, quy định pháp luật, chi phí vận tải, số liệu thống kê trong lĩnh vực hàng hóa được vận chuyển về đường thủy. Kết nối thông tin điện tử giữa hai bên, tạo điều kiện thuận lợi, phản ánh kịp thời khó khăn, vướng mắc trong hoạt động vận tải thủy.


Tác giả: LA-HL