Dự án xây dựng nhánh "Thập Long " của sông Mê Công

08/01/2010

Dự án xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đã chính thức được khởi công tại xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Người ta gọi đây là nhánh sông thứ mười của dòng sông Mê công chảy qua đất Việt Nam do con người tạo nên.

Đến dự lễ khởi công có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, đại diện lãnh đạo Đảng, nhà nước, lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và đông đảo nhân dân địa phương.
Dự án Xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đi qua địa phận hai huyện Duyên Hải và Trà Cú, bao gồm các hạng mục: luồng tàu một chiều có chiều dài 40 km, khu tránh tàu, đê biển, kè bảo vệ… Trong đó, luồng sông dài 6 km, đoạn kênh Quan Chánh Bố dài 19 km, đoạn kênh tắt qua đất liền dài 9 km và đoạn luồng biển dài 6 km.
Để bảo đảm tính ổn định khi đưa vào khai thác, dự án còn xây dựng 36 km kè bảo vệ hai bên bờ kênh, tại cửa biển nơi kênh tắt đổ ra biển có hai đê chắn sóng chống bồi lắng với tổng chiều dài 5 km. Tổng khối lượng nạo vét để đào kênh mới và cải tạo các đoạn kênh hiện hữu (cao độ -6.5) khoảng 28 triệu m3…
Dự kiến cuối năm 2011 luồng tàu này sẽ được đưa vào khai thác đảm bảo cho tàu 10.000 DWT-20.000 DWT (giảm tải) ra vào sông Hậu, đáp ứng năng lực thông qua khoảng 22 triệu tấn/năm cho khu vực ĐBSCL. Tổng mức đầu tư của dự án trên 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Một người dân địa phương bị thu hồi đất, nhưng rất phấn khởi cho biết ông đã được đền bủ thỏa đáng. Ông nói “Tui mất 5.000 m2 đất nông nghiệp nhưng rất vui vì công trình này được khởi công sớm, vả lại công trình còn phục vụ buôn bán cho cả vùng nên không cảm thấy thiệt thòi”.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là một sự kiện rất quan trọng, đánh dấu việc tìm đường ra biển cho hàng hóa xuất nhập khẩu của cả vùng Tây Nam Bộ. Việc phát triển luồng tàu biển này nói riêng và mạng lưới cơ sở hạ tầng của vùng ĐBSCL nói chung không chỉ có ý nghĩa về phát triển kinh tế, quốc phòng, mà còn có ý nghĩa đặc biệt về chính trị - xã hội trong việc nâng cao đời sống của đồng bào 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GT-VT, Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung nguồn lực, hỗ trợ, chỉ đạo nhà thầu thực hiện dự án đúng tiến độ, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Đảm bảo việc xây dựng đạt chất lượng cao nhất, an toàn nhất hiệu quả nhất và hoàn thành đúng tiến độ.
Hiện nay, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL khoảng 15 triệu tấn/năm, trong đó có khoảng 80% phải trung chuyển lên các cảng ở TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu bằng đường bộ chi phí vận chuyển, lưu kho tăng thêm 7-10 USD/tấn. Đối với khu vực ĐBSCL khi dự án đưa vào khai thác sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh… cho doanh nghiệp.
Đối với tỉnh Trà Vinh dự án còn góp phần khắc phục được vị trí địa lý không thuận lợi cho đầu tư phát triển như hiện nay, tạo điều kiện mở đường giao thông thủy thông thương với quốc tế.

Tác giả: Phòng Hợp tác Quốc tế, Vr