Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì Hội nghị
Phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2021
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá công tác giải ngân năm 2020 của Bộ GTVT đã đạt kết quả tốt, tuy nhiên công tác giải ngân của năm 2021 đến nay chưa đạt kết quả như mong muốn, Bộ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt Chủ đầu tư, Ban QLDA nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các địa phương tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu thanh toán để thúc đẩy tiến độ giải ngân.
“Các Ban QLDA rà soát, kiểm tra lại tiến độ các dự án, nếu không kiểm tra tại hiện trường các dự án được, thì phải tổ chức họp trực tuyến để kịp thời chỉ đạo, có giải pháp tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là các dự án trọng điểm như: Dự án nâng cấp, cải tạo đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng HKQT Nội Bài, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ... các giám đốc Ban QLDA phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, hết sức nỗ lực, phải hoàn thành kế hoạch giải ngân của năm 2021” - Bộ trưởng chỉ đạo.
Cùng với công tác giải ngân, Bộ trưởng nhấn mạnh công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Bộ, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tập trung xây dựng và hoàn thiện các văn bản, nhất là thông tư, nghị định, luật; đồng thời khẩn trương rà soát những quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung.
Đối với Đề án quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2020 - 2030 tầm nhìn đến 2050, Bộ trưởng đề nghị sớm họp Hội đồng thẩm định quy hoạch để cho ý kiến hoàn thiện đề án. Đối với Đề án về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư và Đề án về cải thiện hạ tầng, chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ du lịch, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan của Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan của Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan hoàn thiện đề án để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Về công tác quản lý hoạt động vận tải, Bộ trưởng đánh giá: “Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Bộ GTVT tổ chức họp giao ban hàng ngày với các địa phương để kịp thời chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hoạt động vận tải thông suốt, an toàn. Bộ GTVT là thành viên tích cực trong công tác phòng, chống dịch Coivd-19. Các cơ quan cần tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Coivd-19, nhất là thực hiện thật tốt Thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) và cùng các cơ sở y tế triển khai tiêm vắc xin ”.
Bộ trưởng cũng đánh giá tình hình tai nạn giao thông tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021 chuyển biến tích cực. So với 7 tháng đầu năm 2020, TNGT tiếp tục giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết giảm và số người bị thương. Tuy nhiên Bộ trưởng lưu ý tình hình trật tự ATGT vẫn diễn biến phức tạp, cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo để kiềm chế TNGT.
Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; xử lý ngay những tồn tại, vướng mắc; trong đó có dự án đường sắt. Bộ trưởng yêu cầu Giám đốc Ban QLDA đường sắt khẩn trương chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý tồn tại, vướng mắc để sớm đưa Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào vận hành, khai thác.
Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Ảnh minh họa
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng đánh giá công tác xây dựng và hoàn thiện một số văn bản còn chậm, Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ khẩn trương rà soát để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung.
Thứ trưởng yêu cầu tổ chức tốt hoạt động vận tải gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo hoạt động vận tải thông suốt, kịp thời; giải pháp lưu thông nhanh nhất cho các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu; các tuyến “Luồng xanh” trong vận tải hàng hóa…
Thứ trưởng yêu cầu khẩn trương xây dựng các đề án về phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực GTVT, bảo đảm trật tự ATGT; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ là chủ đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án có kế hoạch hoàn thành trong tháng 8/2021;
Thứ trưởng chỉ đạo tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại ở một số dự án BOT; công tác đổi mới doanh nghiệp; chủ động xây dựng phương án phòng, chống lụt bão; tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ về cải cách hành chính năm 2021, xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, hệ thống thông tin chỉ đạo, giao thông thông minh (ITS)...
Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến, điểm cầu chính tại Hội trường 2D Bộ GTVT.
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hoạt động vận tải thông suốt, an toàn
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Trí Đức, Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo, hoàn thành cơ bản các mặt công tác của Bộ. Bộ trưởng đã tổ chức họp định kỳ, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ khẩn trương rà soát những quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung trong quý III năm 2021 theo chỉ đạo của Chính phủ.
“Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn các địa phương tổ chức hoạt động vận tải gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ GTVT đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác đặc biệt của Bộ về bảo đảm các hoạt động vận tải gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19 do một đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT làm Tổ trưởng, thành lập 04 Tổ kiểm tra công tác vận tải tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam... Bộ trưởng tổ chức họp giao ban hàng ngày với các địa phương để kịp thời chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hoạt động vận tải thông suốt, an toàn” - ông Nguyễn Trí Đức cho biết.
Theo ông Nguyễn Trí Đức, Bộ GTVT đã cơ bản hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 06 dự án quan trọng quốc gia để trình Chính phủ xem xét báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; 03 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP, Bộ đã hoàn thành ký kết và triển khai một số dự án thành phần; Bộ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các dự án đang triển khai thi công; hoàn thành phê duyệt 05 dự án. Tháng 7/2021, Bộ dự kiến giải ngân 2.078 tỷ đồng, đạt gần 55% kế hoạch; dự kiến hết tháng 7/2021, Bộ GTVT là đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn so với mức bình quân chung cả nước.
Về nhiệm vụ trọng tâm tháng 8/2021, ông Nguyễn Trí Đức cho biết, Bộ sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 05 đề án quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực GTVT; hoàn thành 04 đề án phân cấp, ủy quyền, giao quyền trong lĩnh vực GTVT; hoàn thiện trình Thủ tướng xem xét phê duyệt 02 đề án về đường sắt; hoàn thiện trình Thủ tướng đề án xây dựng đường bộ cao tốc; hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 06 dự án quan trọng quốc gia; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo hoạt động vận tải thông suốt, kịp thời; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư; tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ về cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của Bộ GTVT...
Từ đầu năm đến nay, Bộ GTVT đã duyệt 21/26 dự án, giá trị 8.679 tỷ đồng, đạt 81% kế hoạch. Tháng 7/2021, Bộ dự kiến giải ngân 2.078 tỷ đồng và lũy kế hết tháng 7/2021, dự kiến giải ngân 19.093 tỷ đồng, đạt 44,6% kế hoạch đã phân bổ và đạt 44,4% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao (trong đó: 17.830 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 46,8% và 1.263 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 26,6%). Do đó, dự kiến hết tháng 7/2021, Bộ GTVT là đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn so với mức bình quân chung cả nước (Theo ước tính của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân bình quân chung khối các bộ, ngành Trung ương đến hết tháng 7/2021 là 28,6%).