Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), ngài Koji Sekimizu, đã có bài phát biểu quan trọng chào mừng sự kiện quan trọng này. Ông nói: "Việc có hiệu lực của Công ước MLC đánh dấu sự tiến bộ quan trọng trong việc thừa nhận vai trò của những người đi biển và sự cần thiết phải bảo vệ sức khỏe cũng như điều kiện lao động cho họ. Đây thực sự là một dấu mốc quan trọng đối với người đi biển, những người mà nền kinh tế toàn cầu đang dựa vào họ."
Hiện tại, Công ước MLC đã nhận được sự phê chuẩn của 48 quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhằm mục đích đạt được điều kiện lao động hàng hải thỏa đáng cho những người đi biển, đồng thời đảm bảo lợi ích kinh tế trong sự cạnh tranh công bằng của các chủ tàu có chất lượng.
Công ước MLC được xem là "trụ cột thứ tư" của các quy định hàng hải quan trọng nhất điều chỉnh ngành vận tải biển thế giới, bổ sung cho ba công ước chủ chốt khác của IMO, đó là: Công ước Quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS); Công ước Quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (MARPOL); và Công ước Quốc tế về tiêu chuẩn đào tạo, cấp chứng chỉ và trực ca của thuyền viên (STCW). Ba công ước này của IMO đã được thông qua lần đầu tiên trong thập kỷ 70 của thế kỷ XX, và đã được hơn 150 quốc gia với tổng dung tích đội tàu chiếm trên 99 phần trăm đội tàu thương mại thế giới phê chuẩn.
IMO và ILO đã có lịch sử hợp tác lâu dài trong các vấn đề thuộc chức năng của cả hai tổ chức. Liên quan đến vấn đề thuyền viên, hai tổ chức đã thành lập nhóm công tác đặc biệt gồm các chuyên gia để nghiên cứu các nội dung như: thời gian làm việc và nghỉ ngơi, chăm sóc y tế, kiểm tra sức khỏe, đối xử với thuyền viên trong trường hợp tai nạn tàu biển, trách nhiệm và bồi thường cho thuyền viên bị tai nạn hoặc buộc phải rời bỏ tàu, …
Công ước STCW được IMO sửa đổi, bổ sung lớn trong năm 2010 đã phản ánh các quy định liên quan của Công ước MLC về vấn đề thời gian làm việc, nghỉ ngơi và kiểm tra sức khỏe đối với thuyền viện.
Tổng Thư ký Koji Sekimizu nhấn mạnh: "IMO luôn sẵn sàng ủng hộ việc thực hiện Công ước MLC và mong muốn hợp tác với các quốc gia thành viên trong các vấn đề mà cả hai tổ chức cùng quan tâm, tương tự như những việc mà chúng ta đã làm thành công trong quá khứ."