Tại khóa họp, MSC đã thảo luận và thống nhất nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến an toàn hàng hải và an ninh hàng hải được trình bày tóm tắt dưới đây.
Thông qua sửa đổi, bổ sung đối với Công ước SOLAS về thực tập an toàn trên tàu chở khách
MSC đã thông qua sửa đổi, bổ sung đối với quy định III/19 của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS) liên quan đến thực tập an toàn trên tàu chở khách, yêu cầu việc tập trung thực tập an toàn đối với hành khách mới lên tàu phải được thực hiện trước hoặc ngay khi tàu rời bến, thay vì trong thời gian 24 giờ của quy định hiện tại. Sửa đổi, bổ sung này dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng giêng năm 2015.
Phê chuẩn các biện pháp tạm thời nhằm tăng cường an toàn tàu chở khách sau tai nạn tàu Costa Concordia
Sau khi thảo luận kết quả làm việc của nhóm công tác về an toàn tàu khách do MSC thành lập, Ủy ban đã phê chuẩn Thông tư MSC.1/Circ.1446/Rev.2 về các biện pháp an toàn tạm thời đối với các công ty quản lý tàu chở khách nhằm tăng cường an toàn đối với loại tàu này. Các biện pháp liên quan bao gồm: hài hòa hóa các quy trình vận hành trên buồng lái của đội tàu khách; việc cố định chắc chắn các vật thể nặng trên tàu (các quy trình nhằm đảm bảo việc cố định các vật thể nặng phải được hợp nhất vào hệ thống quản lý an toàn); việc cất giữ các phao áo (bao gồm cả việc cất giữ các phao áo bổ sung ở gần vị trí tập trung hành khách và thuyền viên); mở rộng việc sử dụng phương tiện video để thông báo các hướng dẫn khẩn cấp cho hành khách; việc tuân thủ hướng dẫn lập kế hoạch chuyến đi trong trường hợp phải thay đổi hành trình tàu.
Về các biện pháp cụ thể liên quan đến các khuyến nghị đưa ra từ kết quả điều tra tai nạn tàu chở khách Costa Concordia xảy ra ngày 13 tháng giêng năm 2012 làm cho 32 hành khách bị chết và mất tích, MSC đã đề nghị đoàn đại biểu Italia cung cấp thêm thông tin đối với khuyến nghị cấu trúc hai vỏ để bảo vệ các khoang kín nước có thiết bị bên trong, thống nhất quan điểm hệ thống quản lý trên bờ có vai trò sống còn đối với việc thiết lập thực hiện hệ thống quản lý an toàn hiệu quả. Cũng về vấn đề này, MSC đề nghị các quốc gia thành viên xem xét việc bắt buộc áp dụng hệ thống phân tích sơ tán đối với tàu chở khách không phải là tàu khách ro-ro. Đồng thời, MSC yêu cầu Tiểu ban Thực thi nghĩa vụ quốc gia thành viên (FSI) tiếp tục phân tích báo cáo điều tra tai nạn tàu Costa Concordia, từ đó đưa ra các nhận xét và đề xuất để thảo luận tại các khóa họp tiếp theo của Ủy ban.
Tại khóa họp, MSC đã nhất trí việc sửa đổi và cập nhật kế hoạch hành động dài hạn về an toàn tàu chở khách.
Thông qua một số sửa đổi, bổ sung đối với các công ước và bộ luật liên quan
MSC đã thông qua một số sửa đổi, bổ sung đối với các công ước và bộ luật liên quan như sau:
- Sửa đổi, bổ sung đối với quy định III/19 của Công ước SOLAS về huấn luyện và thực tập khẩn nguy, đưa ra quy định bắt buộc về huấn luyện cứu nạn và đi vào không gian kín của tàu. Theo sửa đổi, bổ sung này, thuyền viên chịu trách nhiệm cứu nạn và đi vào không gian kín của tàu bắt buộc phải tham dự các đợt huấn luyện liên quan đến kỹ năng cần thiết ít nhất hai tháng một lần. Sửa đổi, bổ sung liên quan đến vấn đề này cũng đã được thông qua đối với Bộ luật quốc tế về an toàn tàu cao tốc (HSC), Bộ luật về kết cấu và trang thiết bị của phương tiện khoan di động ngoài khơi (MODU), và Bộ luật về an toàn tàu được hỗ trợ động lực (DSC). Các sửa đổi bổ sung này dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng giêng năm 2015.
- Sửa đổi, bổ sung đối với quy định XI-1/1 của Công ước SOLAS về áp dụng bắt buộc Bộ luật đối với tổ chức được công nhận (RO), dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng giêng năm 2015.
Bộ luật RO bao gồm các văn bản hợp nhất, đưa ra các tiêu chí, mà dựa vào đó, các chính quyền hàng hải có thể tiến hành việc đánh giá và ủy quyền cho các tổ chức được công nhận thực hiện việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận theo quy định của các công ước quốc tế cho các tàu mang cờ quốc tịch quốc gia. Trong bộ luật cũng bao gồm các hướng dẫn phục vụ cho việc giám sát các tổ chức được công nhận của các chính quyền hàng hải.
- Sửa đổi, bổ sung đối với Nghị định thư 1988 của Công ước quốc tế về mạn khô tàu biển 1966 (LOADLINE), quy định về áp dụng bắt buộc Bộ luật đối với tổ chức được công nhận (RO), dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng giêng năm 2015.
- Sửa đổi, bổ sung đối với Công ước quốc tế về container an toàn 1972 (CSC) nhằm hợp nhất sửa đổi, bổ sung được thông qua năm 1993 của công ước này (theo Nghị quyết A.737(18), hiện thời chưa có hiệu lực). Sửa đổi, bổ sung liên quan bao gồm các vấn đề về bảng phê chuẩn an toàn, và việc phê chuẩn an toàn đối với container mới và hiện có. Dự kiến, sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng giêng năm 2015.
- Sửa đổi, bổ sung đối với Bộ luật quản lý an toàn quốc tế (ISM), bao gồm yêu cầu công ty phải đảm bảo tàu được định biên thích hợp.
- Sửa đổi, bổ sung đối với Bộ luật quốc tế về vận chuyển hàng rời rắn bằng đường biển (IMSBC) (sửa đổi, bổ sung 02-13), bao gồm bảng kê đối với quặng niken. Liên quan đến vấn đề này, MSC cũng phê chuẩn các thông tư về thực hiện sớm sửa đổi, bổ sung 02-13 của Bộ luật IMSBC; hướng dẫn việc cung cấp các thông tin và hoàn thành mẫu đặc tính hàng không được liệt kê trong Bộ luật IMSBC và các điều kiện vận chuyển; hướng dẫn việc xây dựng và phê chuẩn quy trình lấy mẫu, thử và kiểm soát độ ẩm đối với các loại hàng rời rắn có thể hóa lỏng; và danh mục sửa đổi các loại hàng rời rắn có thể được miễn trừ hệ thống dập cháy cố định hoặc hệ thống dập cháy cố định không có tác dụng đối với loại hàng này.
Sự quan ngại về cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu ở ngoài khơi Tây và Trung Phi
MSC đã bày tỏ sự quan ngại về tình trạng cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu ở ngoài khơi Tây và Trung Phi, và ghi nhận các hành động của Ban Thư ký IMO trong những năm gần đây liên quan đến vấn đề này. Một số đoàn đại biểu từ khu vực vịnh Guinea đã báo cáo tiến độ của các hoạt động liên quan, trong đó có một số hoạt động được tài trợ bởi Quỹ International Maritime Security Trust.
Một vấn đề cần phải lưu ý là các thách thức đối với an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và thực thi pháp luật trong khu vực, tất cả đều có các giải pháp giống nhau rộng lớn, bao gồm: khuôn khổ pháp luật toàn diện; nhận thức về tình hình hàng hải; năng lực thực thi pháp luật hàng hải; và sự hợp tác giữa các tổ chức ở cả cấp độ quốc gia và khu vực. Từ đó, MSC hoan nghênh việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử mới liên quan đến việc phòng ngừa cướp biển, cướp có vũ trang nhằm vào tàu và hoạt động hàng hải bất hợp pháp ở Tây và Trung Phi, mới được thông qua tại hội nghị các bộ trưởng tổ chức tại Benin, và hy vọng sẽ được ký tại hội nghị sắp tới của những người đứng đầu quốc gia do Cameroon tổ chức.
Tổng Thư ký IMO tuyên bố việc thành lập một quỹ mới để hỗ trợ chương trình mở rộng liên quan đến các hoạt động xây dựng năng lực tại Tây và Trung Phi. Điều này làm cho IMO có thể làm việc một cách tốt hơn đối với các quốc gia thành viên, các tổ chức thuộc Liên hợp quốc, và các đối tác phát triển khu vực và quốc tế khác với lợi ích phát triển một cách an toàn, an ninh và bền vững trong lĩnh vực hàng hải tại châu Phi. Tổng thứ ký IMO kêu gọi các quốc gia thành viên và các tổ chức công nghiệp liên quan tích cực đóng góp cho quỹ.
Tái cấu trúc các tiểu ban trực thuộc IMO
MSC xác nhận việc tái cấu trúc toàn diện các tiểu ban trực thuộc IMO, từ chín tiểu ban giảm xuống còn bảy, đồng thời thay đổi tên gọi của các tiểu ban để phản ánh lĩnh vực hoạt động, đó là:
- Tiểu ban yếu tố con người, huấn luyện và trực ca (HTW);
- Tiểu ban thực thi các văn kiện của IMO (III);
- Tiểu ban hành hải, thông tin liên lạc và tìm kiếm cứu nạn (NCSR);
- Tiểu ban phòng ngừa và ứng phó ô nhiễm (PPR);
- Tiểu ban thiết kế và kết cấu tàu (SDC);
- Tiểu ban hệ thống và trang thiết bị tàu (SSE);
- Tiểu ban vận chuyển hàng và container (CCC).
Đề xuất tái cấu trúc các tiểu ban nói trên đã được Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) xem xét và phê chuẩn tại khóa họp thứ 65 (tháng 5 năm 2013). Tiếp theo, đề xuất tái cấu trúc sẽ được trình lên khóa họp thứ 110 của Hội đồng IMO (tổ chức trong tháng 7 năm 2013), và Khóa họp thứ 28 Đại hội đồng IMO (cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 2013) để xác nhận.
Các vấn đề khác
Liên quan đến các vấn đề khác phát sinh từ các báo cáo của các tiểu ban của IMO và các tổ chức khác, MSC đã:
- Phê chuẩn, nhằm mục đích thông qua trong tương lai, dự thảo sửa đổi, bổ sung đối với Công ước SOLAS, quy định trang bị hệ thống khí trơ cho các tàu chở dầu và tàu chở hóa chất mới, có tổng trọng tải từ 8.000 tấn trở lên, chở hàng có điểm chớp cháy dưới 60 độ C.
- Phê chuẩn, nhằm mục đích thông qua trong tương lai, dự thảo quy định mới II-2/20-1 đối với Công ước SOLAS, quy định tàu chở ô tô vận chuyển các loại xe có khí tự nhiên hoặc khí hyđrô nén dùng làm nhiên liệu của xe.
- Phê chuẩn, nhằm mục đích thông qua trong tương lai, dự thảo sửa đổi, bổ sung đối với quy định II-1/29 của Công ước SOLAS, quy định việc thử máy lái của tàu.
- Phê chuẩn, nhằm mục đích thông qua trong tương lai, dự thảo sửa đổi, bổ sung đối với Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên (STCW) và Bộ luật về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên, quy định việc bắt buộc áp dụng Bộ luật về thực hiện các văn kiện của IMO (III Code) và Chương trình đánh giá các quốc gia thành viên IMO.
- Phê chuẩn, nhằm mục đích thông qua tại khóa họp thứ 93 của MSC, dự thảo nghị quyết của MSC về yêu cầu đối với việc bảo dưỡng và bảo quản định kỳ xuồng cứu sinh và xuồng cấp cứu, cùng với dự thảo sửa đổi, bổ sung liên quan của Công ước SOLAS về bắt buộc áp dụng nghị quyết này. Đồng thời, MSC phê chuẩn về nguyên tắc dự thảo thông tư hướng dẫn về an toàn trong quá trình thực tập bỏ tàu có sử dụng xuồng cứu sinh, phản ánh các điều khoản mang tính khuyến nghị.
- Phê chuẩn, nhằm mục đích thông qua trong tương lai, dự thảo sửa đổi, bổ sung đối với các quy định sau đây của Công ước SOLAS: quy định II-2/13.4 về phương tiện thoát nạn bổ sung từ buồng máy; quy định II-2/3 và II-2/9.7 về tính chịu lửa của kênh thông gió; và quy định II-2/10 về bảo vệ chống cháy đối với hàng xếp trên boong của tàu mới.
- Phê chuẩn, nhằm mục đích thông qua trong tương lai, dự thảo sửa đổi, bổ sung đối với Bộ luật quốc tế về kết cấu và trang thiết bị của tàu chở xô khí hóa lỏng (IGC).
- Phê chuẩn hướng dẫn liên quan đến việc thiết lập và thử cơ sở dữ liệu của hệ thống nhận dạng và truy theo tầm xa (LRIT), và hoạt động của hệ thống LRIT.
- Xem xét báo cáo của nhóm công tác về tiêu chuẩn đóng tàu dựa trên mục tiêu, và phê chuẩn hướng dẫn đối với việc phê chuẩn các biện pháp thay thế và tương đương quy định trong một số văn kiện của IMO.
- Phê chuẩn danh mục các giấy chứng nhận và tài liệu quy định phải có trên tàu.
- Phê chuẩn hướng dẫn sử dụng bản in của các giấy chứng nhận điện tử của tàu.
- Phê chuẩn thông tư đối với Công ước CSC về hướng dẫn xây dựng Chương trình kiểm tra liên tục được phê duyệt (ACEP) áp dụng cho container.
- Phê chuẩn sửa đổi, bổ sung đối với khuyến nghị về giải thích và thực hiện hài hòa Công ước CSC (Thông tư CSC.1/Circ.138).
An toàn tàu trong tương lai
Trong thời gian diễn ra khóa họp thứ 92 của MSC, IMO đã tổ chức Hội nghị về an toàn tàu trong tương lai (ngày 10 và 11 tháng 6 năm 2012). Hội nghị này đã nhất trí tuyên bố về khuyến nghị việc xem xét các biện pháp an toàn tàu biển. MSC thống nhất việc sẽ cân nhắc các khuyết nghị đưa ra tại hội nghị trong các khóa họp tương lai của Ủy ban.