Kết quả Hội nghị lần thứ 37 Nhóm công tác giao thông vận tải APEC tổ chức tại TP Hồ Chí Minh từ 8 -12/4/2013

15/04/2013

Hội nghị Nhóm công tác giao thông vận tải APEC lần thứ 37 diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 8-12/4/2013 với sự tham gia của gần 300 đại biểu đến từ 16/21 nền kinh tế thành viên, khách mời của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) và BanThư ký của APEC.

Nội dung chính của Hội nghị lần này là kiểm điểm các nội dung, chương trình hành động thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao và của các Bộ trưởng Giao thông vận tải APEC “Tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, xây dựng một hệ thống giao thông hiệu quả, an toàn, an ninh, kết nối chặt chẽ, thông suốt, thân thiện với môi trường và hoạt động trong một thị trường mở và tự do”. Sau phiên họp toàn thể, Hội nghị chia ra làm việc theo 4 nhóm chuyên gia: Nhóm chuyên gia về Vận tải đa phương thức và Giao thông thông minh, Nhóm chuyên gia về vận tải mặt đất, Nhóm chuyên gia về Hàng không và Nhóm chuyên gia về Hàng hải.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thay mặt nước chủ nhà Việt Nam đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc và phiên bế mạc, khẳng định chính sách phát triển giao thông vận tải của Việt Nam phù hợp với ưu tiên của các nhà lãnh đạo APEC, như chúng ta đang thực hiện các cam kết quốc tế, ưu tiên phát triển vận tải đường thủy nội địa, vận tải đường sắt và vận tải ven biển là các phương thức vận tải sử dụng năng lượng hiệu quả thân thiện với môi trường. Việt Nam cũng rất chú ý tới vấn đề an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường và tạo thuận lợi cho vận tải của người và hàng hóa.

Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cử 04 chuyên gia tham dự và đóng góp ý kiến cho nội dung của các Nhóm liên quan. Dưới đây là nội dung họp của các Nhóm chuyên gia.

a. Nhóm chuyên gia về Vận tải đa phương thức và Giao thông thông minh

Tại Hội nghị Nhóm đã kiểm điểm nội dung 10 dự án đang triển khai và nghe báo cáo về kết quả của 5 dự án đã hoàn thành. Các dự án chủ yếu tập trung vào các nội dung sau:

  • Thúc đẩy hệ thống giao thông vận tải thông suốt, an toàn, xanh và tin cậy thông qua kết nối đa phương thức và các sáng kiến;
  • Tập trung vào một số điểm nghẽn đã được xác định trong khuôn khổ kết nối chuỗi cung ứng APEC;
  • Tiếp tục hợp tác với Nhóm công tác về Năng lượng phát triển và phổ biến công nghệ thân thiện với môi trường, khí hậu, các chính sách và thông lệ trong giao thông vận tải;
  • Tiếp tục thúc đẩy công nghệ hệ thống dẫn đường vệ tinh toàn cầu;
  • Tăng cường các phương thức vận tải sử dụng năng lượng hiệu quả như vận tải thủy nội địa, vận tải đường sắt và vận tải ven biển;
  • Xây dựng năng lực trong lĩnh vực sẵn sàng đối phó với các thảm họa và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu; và
  • - Giới thiệu và chia sẻ thông tin về hệ thống logistics và công nghệ ITS, cũng như các thông lệ về hệ thống vận tải đa phương thức và chuỗi cung ứng.

b. Nhóm chuyên gia Vận tải mặt đất

Tại Hội nghị Nhóm đã kiểm điểm 6 dự án và đề ra một số dự án cho hoạt động sắp tới, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực an toàn đường bộ, đường sắt và hài hòa hóa tiêu chuẩn phương tiện nhằm tăng cường tính an toàn và giảm thiểu khí thải nhà kính. Hội nghị đã tập trung trao đổi về các nội dung cụ thể:

  • Các nền kinh tế APEC tiếp tục trao đổi thông tin về chiến lược an toàn đường bộ và đường sắt;
  • Nhóm tiếp tục trao đổi và cung cấp thông tin về các chiến lược an toàn đường bộ của từng nền kinh tế thành viên theo chỉ thị của Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải lần thứ 5;
  • Nhóm nhất trí sẽ chia sẻ thông tin trong quá trình thực hiện hài hòa hóa các quy định về phương tiện của mình với các quy định của Liên hợp quốc và quy định của Hiệp hội kỹ thuật quốc tế.
  • - Đặc biệt, Hội nghị cũng thống nhất rằng an toàn cho người đi xe máy là vấn đề rất quan trọng và nhất trí sẽ tổ chức một Hội thảo về an toàn cho người đi xe máy do Australia chủ trì, Việt Nam, Thái Lan và Philippines là các nước đồng bảo trợ. Trưởng đoàn Australia đã gửi thư cho Trưởng đoàn ta tại Hội nghị đề nghị Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo này trong năm 2014.

c. Nhóm chuyên gia về vận tải Hàng hải

Tại Hội nghị Nhóm chuyên gia đã kiểm điểm 3 dự án đang trong quá trình triển khai và bàn về 2 đề xuất dự án mới để xin vốn tài trợ của APEC, những dự án này tập trung vào các lĩnh vực cảng xanh, công nghệ cảng xanh, giảm thiểu khí thải ảnh hưởng tới môi trường, tăng cường giám sát vận chuyển công-ten-nơ. Hội nghị cũng tập trung trao đổi về các nội dung:

  • Những nguyên tắc chung trong xây dựng chính sách vận tải biển;
  • Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong thực thi Công ước quốc tế về phòng chống ô nhiễm tầu biển (MARPOL);
  • Áp dụng các biện pháp ưu tiên và hạn chế đối với hàng hóa trong thương mại quốc tế;
  • Sở hữu của Chính phủ đối với đội tầu biển quốc gia

d. Nhóm chuyên gia về vận tải Hàng không

Tại Hội nghị Nhóm chuyên gia đã thảo luận về các nội dung:

  • Sáng kiến hoạt động hàng không tư nhân theo chỉ đạo của Hội nghị các Bộ trưởng giao thông vận tải lần thứ 7, “các nguyên tắc cốt lõi” cho việc điều tiết hoạt động này. Mục đích của các nguyên tắc chung này nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động hàng không tư nhân tại các nền kinh tế APEC.
  • Tự do hóa vận tải hàng không trong khu vực, bao gồm cả các vấn đề về phân bổ giờ cất hạ cánh,
  • Chương trình rà soát công tác điều tiết và đánh giá việc thực hiện dẫn đường theo tính năng (PBN) do APEC tài trợ đã được thực hiện tại Ma-lai-xia và Phi-líp-pin trong năm 2012;
  • Tiến độ thực hiện dự án giảm thiểu khí thải trong quản lý hoạt động bay - chương trình đánh giá hiệu quả của công tác Quản lý luồng không lưu (ATFM) và Hợp tác cùng ra quyết định (CDM) đối với hành lang bay giữa Băng Cốc và Kua-la Lăm-pơ.
  • Trao đổi thông tin về tình hình thực hiện các Yêu cầu về thông thạo ngôn ngữ của ICAO;
  • Chương trình Nâng cấp các khối hệ thống hàng không (Aviation System Block Upprades - ASBU) được xây dựng bởi các nhóm xây dựng kế hoạch Không vận các khu vực trên toàn cầu. Đây là Chương trình nối tiếp và hiện thực hóa chương trình CNS/ATM của ICAO trên phạm vi toàn cầu.

Các hội nghị tiếp theo

Tại Hội nghị In-đô-nê-sia thông báo sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Nhóm công tác giao thông vận tải APEC lần thứ 38 (TPT-WG 38) tại Ba-li In-đô-nê-sia vào thời gian từ 1-5/7/2013; Nhật Bản thông báo sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải APEC lần thứ 8 (TMM 8) tại Tô-ky-ô vào tháng 9 năm 2013.

Đánh giá kết quả

Là nước đăng cai tổ chức Hội nghị, Việt Nam đã tích cực tham gia, cử đại biểu tham dự tất cả các nhóm và tiểu nhóm.Tại các nhóm và tiểu nhóm ta đã có báo cáo và tham gia đóng góp ý kiến tại các phiên họp về chính sách phát triển giao thông vận tải phù hợp với các ưu tiên và hoạt động của APEC. Đặc biệt, tại Nhóm chuyên gia về vận tải đa phương thức ta đã chủ động đề xuất đảm nhận vai trò Giám sát (Project Overseer) cho dự án “Tối ưu hóa sử dụng năng lượng hiệu quả trong kết nối chuỗi cung ứng thông qua vận tải đa phương thức kết hợp vận tải thủy nội địa-vận tải đường sắt trong các nền kinh tế APEC”. Dự án này có vốn tài trợ của APEC và do Trung Quốc chủ trì nghiên cứu thực hiện.

Về công tác tổ chức: Ban tổ chức hội nghị do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường làm Trưởng ban đã chỉ đạo các cơ quan liên quan của Bộ chuẩn bị chu đáo, thực hiện tốt công tác tổ chức góp phần quan trọng cho thành công của Hội nghị. Trưởng Nhóm công tác Giao thông vận tải APEC và các đại biểu tham dự Hội nghị đã đánh giá cao công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam. Thông qua việc đăng cai tổ chức Hội nghị thành công vai trò và uy tín của ta trong Nhóm Công tác Giao thông vận tải nói chung và trong diễn đàn APEC nói riêng đã được nâng lên rõ rệt.

Tác giả: Trang điện tử Bộ GTVT