Hàn Quốc tham vọng bán hơn 3 triệu xe điện vào năm 2030

07/03/2022

Mới đây, Hyundai Motor và Kia công bố chiến lược trung và dài hạn để bán tổng cộng 3,07 triệu xe điện (EV) đến 2030.

070322.7.jpg

Biểu tượng của Hyundai Motor Group.

Sau khi Hyundai Motor và Kia công bố chiến lược trung và dài hạn để bán tổng cộng 3,07 triệu xe điện (EV) đến 2030, dư luận Hàn Quốc giờ đây đang quan tâm đến việc làm thế nào để các tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu của nước này đảm bảo nguồn cung cho một kế hoạch quy mô lớn như vậy.

Chủ trì Hội nghị xúc tiến ba ngành công nghiệp tăng trưởng đổi mới BIG 3 (xe ô tô tương lai, y sinh học và chip bán dẫn hệ thống) ngày 24/2 vừa qua, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cho biết chính phủ nước này sẽ sửa đổi các quy định về tiền trợ cấp và hỗ trợ thuế khi mua xe ô tô, theo hướng tập trung hỗ trợ cho các loại xe điện và xe hydro.

Theo đó, các xe chạy bằng khí hóa lỏng (LPG) hoặc khí nén thiên nhiên (CNG) sẽ bị loại khỏi nhóm xe ít gây ô nhiễm môi trường từ năm 2024, xe hybrid (xe lai chạy bằng cả xăng điện) bị loại từ năm 2025 đến năm 2026. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng quyết định xem xét gia hạn hỗ trợ thuế thêm từ 2 năm đến 3 năm, bao gồm giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với các xe hybrid, xe điện, xe hydro. Những biện pháp hỗ trợ này dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm nay.

Chính phủ cũng sẽ tích cực hỗ trợ để kế hoạch đầu tư 66.000 tỷ won (54,9 tỷ USD) cho thiết bị của khối tư nhân được triển khai thuận lợi trong năm nay, trong đó có 7.700 tỷ won (6,4 tỷ USD) đầu tư vào lĩnh vực ô tô. Theo nhận định của hai công ty trên được tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times) số ra ngày 7/3 trích dẫn, nhu cầu hàng năm đối với pin EV sẽ đạt tổng cộng 289 gigawatt-giờ (GWh) vào năm 2030.

Con số này cao hơn nhiều so với công suất sản xuất pin hàng năm của ba nhà sản xuất pin hàng đầu trong nước gộp lại là LG Energy Solution (155 GWh), SK On (40 GWh) và Samsung SDI (42 GWh). Tuy nhiên, ba công ty này hiện cũng đang đầu tư mạnh vào việc mở rộng sản xuất. LG Energy Solution (LGES) có kế hoạch mở rộng công suất đến năm 2025 là 400 GWh, SK On lên 220 GWh và Samsung SDI lên 110 GWh.

Bên cạnh đó, Hyundai Motor và Kia cũng dự kiến sẽ thành lập các nhà máy sản xuất pin chung (với LG, SK và Samsung) gần cơ sở sản xuất ở nước ngoài của họ hoặc hình thành quan hệ đối tác bổ sung với các công ty pin nước ngoài để đáp ứng nhu cầu xe điện ngày càng tăng. Ngoài ra, hai công ty này cũng sẽ cần tìm biện pháp để hạ giá thành pin (vốn chiếm một phần đáng kể trong tổng chi phí EV) để tăng lợi nhuận.

Các chuyên gia cho rằng cả Hyundai và Kia sẽ cần tăng cường quan hệ đối tác với ba công ty sản xuất pin trong nước và các nhà sản xuất pin hàng đầu toàn cầu, chẳng hạn như CATL ở Trung Quốc, để đảm bảo nguồn cung ổn định và hình thành một cụm sản xuất xe điện ở trong nước.

Một ví dụ hàng đầu là nhà máy pin 10 GWh mà Tập đoàn Hyundai Motor dự kiến thành lập tại Indonesia (In-đô-nê-xi-a) với tư cách là một liên doanh với LGES. Nhà máy này dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2024, có thể cung cấp pin lithium-ion cho 150.000 EV mỗi năm, góp phần hình thành một hệ thống sản xuất hoàn chỉnh tại quốc gia Đông Nam Á này.

Bên cạnh đó, Hyundai Motor hiện cũng đang theo đuổi liên minh chiến lược với các nhà sản xuất pin ở các thị trường lớn khác, bao gồm cả Mỹ. Hyundai Motor có kế hoạch mua 50% pin lithium-ion thế hệ tiếp theo sau năm 2025 theo cách này.

Một quan chức ngành ô tô của Hàn Quốc cho biết: "Khi thị trường xe điện (EV) phát triển nhanh hơn dự kiến, thị trường pin cũng đang hình thành lợi thế về nhà cung cấp. Để tăng doanh số bán EV, các nhà sản xuất ô tô sẽ cần tập trung vào cả lĩnh vực (cung và cầu) pin cũng như việc phát triển các mẫu EV mới". Hyundai và Kia cũng đã công bố kế hoạch đa dạng hóa các nhà cung cấp pin cho EV. Hiện tại, ngoài 3 công ty sản xuất pin trong nước, họ cũng mua pin từ CATL (nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới) đồng thời cũng đang có kế hoạch mở rộng nguồn cung từ các công ty khác.

Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng nỗ lực cải thiện hiệu suất pin và hạ giá thành cũng là những yếu tố rất cần thiết để đảm bảo khả năng cạnh tranh về giá và lợi nhuận trên thị trường EV trong tương lai gần.

Volkswagen đầu tư 2 tỷ euro xây dựng nhà máy sản xuất ôtô điện

070322.8.jpg

Đây là kế hoạch nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh trước sự cạnh tranh gay gắt từ đối thủ Tesla của Mỹ.

Khoản đầu tư 2 tỷ euro được công bố đúng thời điểm Tesla chính thức nhận được thủ tục chấp nhận cuối cùng của Đức, cho phép vận hành siêu nhà máy sản xuất ôtô điện Gigafactory ở bang Brandenburg. Tập đoàn chế tạo ôtô khổng lồ của Đức-Volkswagen ngày 5/3 tuyên bố đã thông qua khoản đầu tư trị giá 2 tỷ euro (2,2 tỷ USD) để xây dựng một nhà máy sản xuất ôtô điện mới.

Dẫn tuyên bố của Volkswagen cho biết việc xây dựng nhà máy mới sẽ được khởi công sớm nhất là mùa Xuân năm 2023 và bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 2026. Theo Giám đốc thương hiệu Volkswagen Ralf Brandstaetter, quyết định này là một “dấu mốc quan trọng” đối với gã không lồ công nghiệp trong bối cảnh họ có kế hoạch chuyển hướng khỏi động cơ đốt trong truyền thống.

Tập đoàn Volkswagen có 12 thương hiệu, trong đó có cả Audi, Porsche và Skoda, đang bơm 35 tỷ euro cho kế hoạch chuyển đổi sang xe điện cũng như đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới vào năm 2025.

Khoản đầu tư 2 tỷ euro được công bố đúng thời điểm đối thủ của Volkswagen, hãng xe điện tiên phong Tesla của Mỹ chính thức nhận được thủ tục chấp nhận cuối cùng của Đức, cho phép vận hành siêu nhà máy sản xuất ôtô điện Gigafactory ở Gruenheide, bang Brandenburg.

Nhà máy Gigafactory được coi là chìa khóa cho tham vọng của Giám đốc điều hành (CEO) Tesla Elon Musk chinh phục thị trường châu Âu, mà ở đó Volkswagen của Đức đang chiếm thế thượng phong với 25% thị phần xe điện so với 13% của Tesla.

Trước tham vọng của Tesla, CEO Herbert Diess của tập đoàn Wolkswagen tuyên bố nhà máy mới được xây dựng của hãng sẽ theo đuổi mục tiêu sản xuất một xe ôtô điện trong khoảng thời gian 10 giờ, thay vì khoảng 30 giờ như hiện nay./.

Tác giả: Anh Nguyên-Phương Hoa