Omicron lây lan nhanh trên các tàu container, gây khó thêm cho vận tải biển

24/02/2022

Biến thể Omicron đang tấn công thuyền viên trên hàng loạt tàu container, làm dấy lên lo ngại rằng sự gia tăng các ca nhiễm, cùng với các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc ở các cảng của nước này, có thể trì hoãn triển vọng ổn định chuỗi cung ứng đối với ngành vận tải biển.


Số ca nhiễm biến thể Omicron giữa các thuyền viên trên các tàu container tăng nhanh có thể khiến thời gian cách ly kiểm dịch các con tàu này kéo dài.

Francesco Gargiulo, Giám đốc điều hành Hội đồng chủ sử dụng lao động hàng hải quốc tế (IMEC), đại diện cho các công ty vận tải biển, cho biết các đợt bùng phát dịch Covid-19 đang tấn công các con tàu container trên toàn cầu, với số ca nhiễm tăng “theo cấp số nhân”.

Công ty quản lý tàu biển Anglo-Eastern Univan Group, có đội ngũ thuyền viên khoảng 16.000 người, ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron xuất hiện trên 5-7 tàu mỗi tháng so với chỉ 1-2 tàu có ca nhiễm mỗi tháng vào năm ngoái.

Trong khi đó, Carl Schou, Giám đốc điều hành Công ty quản lý tàu biển Wilhelmsen Ship Management, ghi nhận các ca nhiễm xuất hiện trên 4 con tàu mà công ty này quản lý kể từ tháng 1-2022, trong khi chưa đến 10 tàu có ca nhiễm Covid-19 trong cả năm ngoái.

Mark O’Neil, Giám đốc điều hành Columbia Shipmanagement, công ty đang quản lý đội ngũ thuyền viên 15.000 người, cho biết: “Tất cả các công ty vận tải biển đều đã từng chứng kiến một vài con tàu của họ phải tạm dừng hoạt động vì có ca nhiễm. Chắc chắn bạn sẽ thấy số lượng tàu container trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi Omicron đang tăng lên vì biến thể này rất dễ lây lan, bất chấp các biện pháp phòng ngừa đã được thực hiện”.

Mặc dù các công ty quản lý tàu biển nói rằng vấn đề đã được kiểm soát, nhưng số ca nhiễm ở các thuyền viên tăng liên tục sẽ tạo thêm áp lực cho các chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng bởi đại dịch. Các cảng từ Thâm Quyến (Trung Quốc) đến Los Angeles (Mỹ) và Rotterdam (Hà Lan) đang phải chật vật xử lý một loạt tàu container ùn ứ giữa lúc tình trạng thiếu nhân công và tài xế xe tải khiến tình hình càng rối tung.

Vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng trở nên tồi tệ hơn bởi các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ tại các cảng ở Trung Quốc, nơi không có dấu hiệu từ bỏ chính sách “zero Covid” khi phần còn lại của thế giới quyết tâm sống chung với virus này.

Omicron đang lây lan nhanh chóng qua các con tàu container, dù vậy, hầu hết thuyền viên bị nhiễm Covid-19 chỉ gặp phải các triệu chứng nhẹ nhờ tiêm phòng đầy đủ.

Ca nhiễm trên tàu tăng, dẫn đến thời gian kiểm dịch tàu kéo dài. Các nước, các công ty quản lý tàu và các cảng áp dụng thời gian kiểm dịch khác nhau đối với tàu container có ca nhiễm nhưng ở một số nơi, thời gian này lên đến 2 tuần. Công ty Wilhelmsen Ship Management kiểm dịch tàu trong hai tuần trong trường hợp số ca nhiễm lan rộng giữa các thuyền viên.

Tuy nhiên,  chính sách phòng chống dịch ở các cảng của Trung Quốc đặc biệt khắc nghiệt, với việc giới chức trách yêu cầu kiểm dịch toàn bộ con tàu nếu một thuyền viên có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Để được vào các các ở Trung Quốc, các tàu container cũng phải không có ca nhiễm Covid-19 trong ít nhất ba tuần.

Hầu hết thuyền viên bị nhiễm Covid-19 chỉ gặp phải các triệu chứng nhẹ nhờ tiêm phòng đầy đủ.

Hơn nữa, việc thay đổi thuyền viên ở Trung Quốc vẫn là điều gần như không thể đối với các thuyền viên nước ngoài. Các yêu cầu kiểm dịch Covid-19 được thắt chặt đối với tàu container cùng với số lượng nhân lực suy giảm tại các cảng của Trung Quốc đang làm gia tăng sự chậm trễ của các chuyến hàng. Các chủ tàu cho biết so với trước đại dịch, giờ đây, họ phải mất thêm từ 7- 10 ngày để chuyển quặng sắt vào Trung Quốc.

Theo dữ liệu từ Công ty phân tích chuỗi cung ứng project44, năm ngoái, thời gian trì hoãn trung bình của các chuyến hàng đường biển từ Trung Quốc đến bờ tây nước Mỹ tăng 114% so với một năm trước đó. Và thời gian trì hoãn đối với các chuyến hàng từ Trung Quốc đến châu Âu tăng kỷ lục 174%.

Bjorn Hojgaard, Giám đốc điều hành Công ty quản lý tàu biển Anglo-Eastern đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Hồng Kông, cho biết: “Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn còn tiếp diễn. Trung Quốc đã làm rất tốt trong nỗ lực ngăn chặn số ca tử vong vì Covid và các đợt bùng phát dịch nghiêm trọng. Nhưng thực tế là chuỗi cung ứng quốc tế đang chịu tổn thương vì chính sách “zero Covid”. Chẳng có giải pháp nào cho vấn đề này”.

Chính sách “zero-Covid” của Trung Quốc có thể ngày càng gây khó khăn cho hoạt động ở các cảng của nước này khi nhiều nước chuyển sang sống chung với virus SARS-CoV-2. Các nước cung cấp lượng thuyền viên lớn cho ngành vận tải biển toàn cầu, bao gồm Ấn Độ, Philippines và một số nơi của châu Âu, đang chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt trong thời gian gần đây.

Một liên minh có tên gọi,“Tuyên bố Neptune về sức khỏe thuyền viên và thay đổi thuyền viên”, cho biết làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron đã khiến một số lượng lớn thuyền viên nhiễm bệnh, dẫn đến việc thay đổi thuyền viên bị hoãn lại cũng như làm gia tăng các hạn chế tại các cảng.

Ông Hojgaard cho biết tháng trước, khoảng một trăm thuyền viên của Anglo-Eastern có kết quả dương tính ngay trước khi lên bờ. Con số này tăng mạnh so với chỉ vài thuyền viên được xác định nhiễm Covid-19 trước khi lên bờ trong quí cuối cùng của năm ngoái.

Điều tích cực là tỷ lệ thuyền viên được tiêm phòng đang tăng lên, giúp họ chỉ bị các triệu chứng nhẹ nếu nhiễm bệnh. Carl Schou, Giám đốc điều hành Wilhelmsen Ship Management cho biết, nhiều đơn vị thuê tàu hiện đang yêu cầu các thuyền viên trên các tàu chở hàng của họ phải được tiêm vaccine đầy đủ.

Ông nói: “May mắn là không có thuyền viên nào cần phải nhập viện vì họ chỉ mắc các triệu chứng giống như cúm và bình phục trong vài ngày. Nhưng khi thế giới mở cửa hơn nữa, chúng ta sẽ chứng kiến các làn sóng lây nhiễm Omicron lớn hơn, nhanh hơn nhiều”.


Tác giả: Chánh Tài