IMO kêu gọi tăng cường hợp tác để giải quyết tình trạng cướp biển đang leo thang ở Vịnh Guinea

24/05/2021

Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã kêu gọi tăng cường sự hợp tác và hành động để giải quyết sự leo thang về số lượng và mức độ nghiêm trọng của các cuộc cướp biển và cướp có vũ trang tấn công tàu ở khu vực Vịnh Guinea, đe dọa tính mạng, sức khỏe của thuyền viên và an toàn của hàng hải.

Một tàu hàng phun nước chống trả cướp biển tại vịnh Guinea.

Trong một nghị quyết về hành động khuyến nghị nhằm giải quyết nạn cướp biển và cướp có vũ trang ở Vịnh Guinea do Ủy ban An toàn hàng hải (MSC) thông qua tại khóa họp lần thứ 103 được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ ngày 5 đến 14/5/2021, IMO kêu gọi các quốc gia thành viên, các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, Liên hợp quốc và các tổ chức liên quan khác xem xét việc tăng cường thực thi pháp luật để bắt giữ và truy tố cướp biển trong các khu vực tài phán có liên quan phù hợp với luật pháp quốc tế và các khuôn khổ pháp luật quốc gia. Nghị quyết thúc giục các quốc gia ven biển cần hài hòa các hình phạt hình sự đối với tội phạm cướp biển.

IMO cũng kêu gọi cải thiện việc quản lý các giải pháp bảo vệ sẵn có, chẳng hạn như sử dụng tàu hộ tống an ninh để hỗ trợ các tàu khác, phù hợp với pháp luật quốc tế và tôn trọng đúng mức chủ quyền, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia ven biển.

Các quốc gia thành viên, các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, Liên hợp quốc và các tổ chức liên quan khác được khuyến khích hỗ trợ và tham gia rộng rãi hơn vào Diễn đàn Hợp tác hàng hải Vịnh Guinea (GoG-MCF/SHADE GoG) cũng như các nền tảng khác, chẳng hạn như G7++ Friends of the Gulf of Guinea (G7++FoGG). Điều này sẽ giúp cải thiện an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực và tạo điều kiện tăng cường các cơ chế hợp tác tuần tra, bảo vệ hàng hải tại Vịnh Guinea.

Nghị quyết nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác nhiều hơn với tất cả các bên liên quan quan trọng, bao gồm chia sẻ thông tin về tội phạm hàng hải và các hành động bất hợp pháp trong hoạt động hàng hải, sử dụng các cơ chế thông tin về lĩnh vực hàng hải như MDAT-GoG (Trung tâm Thông tin hàng hải thương mại khu vực Vịnh Guinea) và sử dụng năng lực tuần tra trên mặt biển hoặc trên không.

240521.1.png

Khu vực vịnh Guinea đang gia tăng các vụ cướp biển trong thời gian gần đây. 

Nghị quyết yêu cầu Tổng Thư ký IMO sử dụng đầy đủ các quỹ hợp tác kỹ thuật để hỗ trợ xây dựng năng lực trong khu vực nhằm giải quyết nạn cướp biển và cướp có vũ trang, đồng thời xem xét việc tạo ra một nền tảng chung để chia sẻ thông tin giữa các cơ chế hiện có (bao gồm MDAT-GoG, NIMASA C4i-Center, Trung tâm báo cáo khu vực, Trung tâm báo cáo cướp biển ICC IMB và các tổ chức thực thi pháp luật ứng phó có liên quan).

Các quốc gia thành viên, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan được khuyến khích đóng góp tài chính cho Quỹ Ủy thác an ninh hàng hải tại Tây và Trung Phi của IMO.

Nghị quyết hoan nghênh các nỗ lực liên tục khác được thực hiện trong khu vực nhằm hạn chế cướp biển và cướp có vũ trang chống lại các tàu ở Vịnh Guinea, bao gồm việc xây dựng các luật chống cướp biển, dự án Deep Blue của Chính phủ Nigeria, Trung tâm Điều phối liên vùng (ICC Yaoundé) và đang thiết lập Hệ thống YARIS (the Yaoundé Architecture Regional Integration System).

IMO và ngành công nghiệp vận tải biển đã hỗ trợ các nỗ lực chống cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu, việc bắt cóc thuyền viên và hành khách đi tàu biển ở Vịnh Guinea, bao gồm cả việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia thành viên để thực hiện các biện pháp an ninh hàng hải. Các sáng kiến khác bao gồm hỗ trợ các sáng kiến khu vực như Trung tâm Điều phối liên vùng (ICC) để hỗ trợ việc thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử Yaoundé (YCC). Ngành công nghiệp vận tải biển đã cung cấp Hướng dẫn Thực hành quản lý tốt nhất (BMP) cho khu vực Tây Phi để hỗ trợ các công ty và thuyền viên đánh giá rủi ro liên quan đến các chuyến đi qua Vịnh Guinea, giảm thiểu bất kỳ mối đe dọa tiềm ẩn nào đối với an toàn và an ninh hàng hải.

Dựa trên các báo cáo mà IMO nhận được, trong năm 2020, số vụ cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu ở Vịnh Guinea đã tăng lên 90 vụ (tăng 20 vụ so với năm 2019), với tổng số 112 thuyền viên được báo cáo là bị bắt cóc hoặc mất tích. Các con số này chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng số 226 vụ cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu trong năm 2020 trên phạm vi toàn cầu. Đến nay, vào thời điển hiện tại của năm 2021, 23 sự cố cướp biển và cướp có vũ trang đã được báo cáo ở khu vực Tây Phi.

Tác giả: Nguyễn Vũ