Hy Lạp mở lại kênh đào mang tính biểu tượng Corinth

18/07/2022

Được xây dựng từ năm 1881 đến năm 1893, kênh đào Corinth dài khoảng 6,3km, rộng 24m ở đáy, sâu 8m và được coi là một công trình kỹ thuật biểu tượng của thế kỷ 19.


180722.26.jpg

Giới chức Hy Lạp cho biết kênh đào Corinth, công trình mang tính biểu tượng của nước này, đã mở lại cho hoạt động vận tải biển vào đầu tháng này sau 18 tháng tạm đóng để sửa chữa nâng cấp.

Được xây dựng từ năm 1881 đến năm 1893, kênh đào Corinth dài khoảng 6,3km, rộng 24m ở đáy, sâu 8m và được coi là một công trình kỹ thuật biểu tượng của thế kỷ 19.

Các tàu biển cỡ lớn hiện đại khó đi qua kênh đào này, nhưng đây là một tuyến vận tải phổ biến đối với các tàu có kích cỡ nhỏ hơn và là một điểm thu hút khách du lịch tới thăm quan.

Theo Tổng giám đốc công ty Corinth Canal S.A vận hành kênh đào Corinth, George Zouglis, kênh đào này đã được mở trở lại sau khi hoàn thành giai đoạn sửa chữa đầu tiên, phục vụ hoạt động hàng hải vào mùa Hè và sẽ đóng trở lại vào đầu tháng 10 năm nay để thực hiện giai đoạn hai của công tác sửa chữa.

Mùa Hè năm sau, kênh Corinth sẽ tiếp tục được mở và sau đó sẽ lại đóng cửa để hoàn thiện sửa chữa trước khi được mở trở lại hoàn toàn.

Ngoài các công trình phòng chống sạt lở đất và ổn định 2 bờ kênh, dự án nâng cấp còn bao gồm thiết lập hàng rào dọc kênh đào và xây dựng lối đi bộ dài 3,5km dành cho du khách.

Công ty Corinth Canal S.A cho biết trong tuần đầu tiên hoạt động trong tháng 7 này, gần 400 tàu biển đã đi qua kênh đào này và dự kiến trong tháng 10 tới sẽ có gần 7.000 lượt đi lại.

Kênh Suez của Ai Cập đạt mức doanh thu cao kỷ lục là 7 tỷ USD

180722.27.jpg

Từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022, khoảng 1,32 tỷ tấn hàng hóa đã được vận chuyển qua kênh Suez. Điều này giúp SCA tăng thu nhập từ phí quá cảnh thêm 20% so với mức 5,8 tỷ USD trong tài khóa trước.

Ngày 4/7, Cơ quan Quản lý kênh Suez của Ai Cập (SCA) thông báo đã ghi nhận mức doanh thu cao nhất từ trước đến nay là 7 tỷ USD trong tài khóa 2021-2022, sau khi tăng phí quá cảnh đối với các tàu đi qua kênh đường thủy huyết mạch này.

Người đứng đầu SCA Osama Rabie nêu rõ trong giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022 (tài khóa của Ai Cập), khoảng 1,32 tỷ tấn hàng hóa đã được vận chuyển qua kênh Suez.

Điều này giúp SCA tăng thu nhập từ phí quá cảnh thêm 20% so với mức 5,8 tỷ USD trong tài khóa trước và là mức cao kỷ lục. Theo quan chức này, các cuộc khủng hoảng trên thế giới đã chứng minh tầm quan trọng của kênh Suez trong việc đảm bảo sự bền vững của các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong năm nay, SCA đã hai lần tăng phí đối với tàu thuyền quá cảnh qua kênh Suez, bao gồm cả các tàu chở dầu. Tháng 4 vừa qua, SCA cũng ghi nhận doanh thu hằng tháng cao nhất cao nhất từ trước đến nay là 629 triệu USD.

Bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19 và việc tàu Ever Given bị mắc kẹt trong 6 ngày, năm 2021 cũng là năm SCA có doanh thu cao nhất từ trước đến nay với 6,3 tỷ USD.

Kết nối Biển Đỏ với Địa Trung Hải, kênh Suez chiếm khoảng 10% kim ngạch thương mại hàng hải toàn cầu. Đây cũng là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Ai Cập, quốc gia đang phải vật lộn chống lạm phát và việc đồng nội tệ bị mất giá do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Giá hàng hóa tăng mạnh đã đẩy lạm phát của Ai Cập trong tháng 6 lên 15,3%, mức cao nhất trong ba năm. Trước đó, vào cuối tháng 3, Ngân hàng Trung ương Ai Cập đã cho phép tỷ giá đồng bảng Ai Cập giảm đi so với đồng USD, khiến đồng nội tệ này bị mất khoảng 18% giá trị chỉ trong một đêm.

Trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5, nguồn dự trữ ngoại tệ của Ai Cập cũng giảm 5,5 tỷ USD xuống còn 35,5 tỷ USD.

Để hỗ trợ nền kinh tế, Ai Cập đã đề nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cấp khoản vay mới cũng như ký các thỏa thuận đầu tư trị giá hàng tỷ USD với Saudi Arabia và Qatar. Tuần trước, Ai Cập thông báo đã nhận được 500 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB)./.

Tác giả: TTXVN