Porto Montenegro - một trong những cảng du thuyền sang trọng bậc nhất trên thế giới
Quy định về đăng ký du thuyền
Sự quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với các hoạt động thể thao, giải trí, du lịch trên mặt nước khiến việc quản lý hoạt động của du thuyền ngày càng trở nên phức tạp hơn. Chính phủ tại nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt về đăng ký, tiêu chuẩn người lái hay điều kiện an toàn đối với du thuyền.
Thời hạn hiệu lực đăng ký du thuyền thường từ 1 - 5 năm tùy theo quy định tại mỗi quốc gia. Ở Singapore là 1 năm, với mức phí đăng ký mới là 200 đô la Singapore (SGD), phí làm mới là 50 SGD.
Ở Vương quốc Anh, mức phí đăng ký thuyền thương mại, du thuyền là 153 bảng Anh cho thời hạn sử dụng 5 năm và 72 bảng Anh để gia hạn thêm 5 năm tiếp theo. Chủ sở hữu có quyền sử dụng phương tiện ngoài hải phận Vương quốc Anh trong vòng 6 tháng. Trường hợp đăng ký thuyền để cho thuê, mức phí đăng ký sẽ là 35 đến 196 bảng Anh trong vòng 5 năm, tùy theo chủng loại.
Sau khi đăng ký, mỗi phương tiện sẽ được quản lý thông qua số đăng ký nhằm hỗ trợ cho việc tìm kiếm cứu nạn trong tình huống khẩn cấp. Chủ tàu có trách nhiệm mang giấy tờ đăng ký khi sử dụng phương tiện. Nếu không xuất trình được giấy tờ này khi lực lượng chức năng kiểm tra, chủ tàu có thể sẽ bị phạt nặng. Chẳng hạn như ở Canada, mức phạt cho lỗi vận hành tàu thuyền không có đăng ký là 250 CAD (khoảng 4,5 triệu).
Tiêu chuẩn cấp bằng lái du thuyền
Mỗi quốc gia có tiêu chuẩn cấp giấy phép lái tàu, thuyền khác nhau. Chẳng hạn như ở Na Uy, quốc gia sở hữu đường bờ biển dài cũng như số lượng lớn người tham gia các hoạt động giải trí, du lịch trên mặt nước, giấy phép điều khiển du thuyền sẽ do Cục Hàng hải Na Uy cấp theo độ tuổi.
Một du thuyền ở Na Uy
Lái tàu cần giấy phép vận hành nếu điều khiển phương tiện có chiều dài vượt quá 8m và động cơ từ 25 mã lực (HP) trở lên ở vùng biển Na Uy nếu sinh từ năm 1980 trở lại đây. Người sinh trước năm 1980 không cần giấy phép nhưng một số công ty cho thuê du thuyền có thể vẫn yêu cầu người điều khiển phương tiện phải có. Độ tuổi đủ điều kiện cấp phép là từ 16 tuổi trở lên, dưới 16 tuổi được phép lái phương tiện có chiều dài dưới 8m và động cơ tối đa 9,9 HP nhưng chỉ được di chuyển với vận tốc không quá 10 hải lý/h.
Nhiều quốc gia cấp phép dựa trên quy mô, kích thước, công suất của phương tiện. Tại Hà Lan, giấy phép lái tàu, thuyền là yêu cầu bắt buộc khi điều khuyển thuyền máy có thể đạt tốc độ 20 km/h hoặc có chiều dài từ 15m trở lên. Có 2 loại giấy phép, Vaarbewijs I cho người điều khiển ở sông, kênh, hồ nhỏ và Vaarbewijs II cho vùng biển.
Còn ở Ý, giấy phép lái tàu do Cảng vụ cấp là bắt buộc khi điều khiển tất cả các phương tiện đẩy hơn 22,37 kW (30 HP).
Ở Tây Ban Nha có 4 loại giấy phép khác nhau tùy động cơ và chiều dài của phương tiện. Giấy phép là điều kiện bắt buộc khi điều khiển thuyền buồm có chiều dài trên 5m hoặc thuyền máy có công suất tối đa vượt quá 11,03 (15 HP) và dài 4m trở lên.
Ngoài ra, một số quốc gia lại quy định theo phạm vi di chuyển. Ở Pháp, phải có giấy phép khi điều khiển thuyền máy với công suất động cơ lớn hơn 6 HP (4,5 kW), thuyền buồm không cần giấy phép. Giấy phép được chia làm 2 loại, trong phạm vi 6 dặm từ bờ biển và xa hơn 6 dặm từ bờ biển.
Một số quốc gia châu Âu còn chấp nhận Chứng chỉ năng lực quốc tế (ICC) hay còn gọi là giấy phép lái thuyền quốc tế. ICC được đưa ra nhằm đảm bảo các đơn vị khai thác tàu có đủ năng lực đảm bảo an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường khi họ vận chuyển bằng tàu, thuyền từ quốc gia này sang quốc gia khác thuộc châu Âu dọc theo sông Rhine và sông Danube.
Chứng chỉ quốc tế được cấp cho bất kỳ ai đã hoàn thành một số giấy phép lái tàu, thuyền ở quốc gia nhất định hoặc đã vượt qua kỳ kiểm tra chứng minh năng lực vận hành phương tiện.
Đây là điều kiện quan trọng khi điều khiển một phương tiện tại đường thủy nội địa châu Âu, vùng ven biển nội địa và ngoài khơi các quốc gia Địa Trung Hải. Nếu không có ICC, bạn sẽ bị tạm giữ phương tiện cho đến khi tìm được một lái tàu có ICC đến để điều khiển phương tiện đi.
St Katharine Docks là bến du thuyền duy nhất ở trung tâm London
Tuy nhiên, không giống giấy phép lái xe của Liên minh châu Âu dành cho các phương tiện đường bộ, ICC không phải là tiêu chuẩn chung của tất cả các nước thành viên. Hiệu lực của ICC phụ thuộc vào quy định của từng quốc gia. Một số quốc gia có thể chấp nhận ICC như một sự thay thế cho giấy phép lái tàu thuyền của quốc gia họ nhưng một số quốc gia thì không.
Bên cạnh ICC, còn nhiều giấy tờ liên quan khác liên quan mà người điều khiển phương tiện cần lưu ý như: giấy đăng ký phương tiện, bằng chứng về quyền sở hữu phương tiện chẳng hạn như hóa đơn mua hàng hoặc giấy tờ hợp pháp về việc thuê phương tiện. Ngoài ra, người điều khiển phải có giấy phép vô tuyến hàng hải theo Quy định Phát thanh Quốc tế. Tất cả các thiết bị vô tuyến phải được cấp phép và chỉ có thể được vận hành bởi người có giấy phép.
Bên cạnh đó, tại hầu hết các nước châu Âu, người lái tàu phải xuất trình được chứng nhận đã mua bảo hiểm, chứng từ mua hàng đã thanh toán thuế GTGT đầy đủ nếu trên thuyền có chở hàng hóa…
Quy định về an toàn
Theo công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS), bên cạnh những tiêu chuẩn về thiết kế kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy, tàu khách có trọng tải 300 tấn trở lên phải trang bị: các phương tiện cứu sinh vô tuyến (thiết bị điện thoại vô tuyến VHF hai chiều, các thiết bị định vị tìm kiếm và cứu hộ), pháo sáng báo lâm nguy, hệ thống báo động và liên lạc trên tàu, hệ thống truyền thanh công cộng trên tàu, xuồng cứu sinh, bè cứu sinh, các phương tiện cứu sinh cá nhân như: phao tròn, áo phao cứu sinh, quần áo bơi và bộ quần áo bảo vệ kín.
Bến du thuyền Marina di Portofino nổi tiếng của Italia
Theo công ước, tiêu chuẩn của các phương tiện cứu sinh cá nhân được quy định cụ thể. Chẳng hạn như phao tròn phải được đặt cả hai bên tàu, có thể tháo được, một nửa số phao phải có đèn tự sáng, một số phải có đèn báo khói…; ngoài ra, phao cứu hộ phải được đánh dấu bằng các chữ cái viết tắt với tên và cảng đăng kiểm của con tàu mang phao. Số lượng phao cứu sinh phải đảm bảo như sau: tàu có chiều dài dưới 60m phải có tối thiểu 8 phao cứu sinh, 60-120m là 12 phao, 120-dưới 180m là 18 phao, 180 – dưới 240m là 24 phao và từ 240m trở lên là 30 phao.
Mỗi người trên tàu phải được trang bị một phao áo cứu sinh theo quy định, đồng thời mỗi tàu khách phải trang bị thêm các phao áo cứu sinh cho không dưới 5% tổng số người trên tàu. Bên cạnh đó, phải cung cấp đủ số lượng áo phao cho trẻ em và trẻ sơ sinh theo quy định.
Quần áo bơi hoặc bộ quần áo bảo vệ kín có kích thước thích hợp phải được cung cấp cho mỗi người được chỉ định lái xuồng cấp cứu hoặc giao cho hệ thống sơ tán hàng hải.
Bên cạnh đó, trên phương tiện phải có đủ số người được đào tạo để tập trung và giúp đỡ những người không được đào tạo; cũng như phải có đủ số thuyền viên để điều khiển phương tiện cứu sinh và di rời tổng số người trên tàu.
Công ước cũng nêu rõ các tiêu chuẩn về việc huấn luyện đối với thuyền viên. Theo đó, mỗi thành viên của đoàn thủy thủ phải tham gia ít nhất một buổi huấn luyện rời tàu và một buổi huấn luyện khi có hỏa hoạn mỗi tháng. Các buổi huấn luyện của đoàn thủy thủ diễn ra trong vòng 24 giờ khi con tàu rời khỏi cảng, nếu trên 25% thủy thủ đoàn không tham gia huấn luyện rời tàu và huấn luyện khi có hỏa hoạn trên tàu đó vào tháng trước. Khi tàu khởi hành lần đầu tiên, sau khi thay đổi một số đặc điểm chính hoặc khi một thủy thủ mới tham gia, các buổi huấn luyện phải được tổ chức trước khi khởi hành.