Những người đi biển cần được thừa nhận là "người lao động chủ chốt" và được miễn các hạn chế đi lại trong đại dịch COVID-19 - các thành viên của một ủy ban hàng hải ba bên thuộc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đại diện cho thuyền viên, các chủ tàu và các chính phủ kêu gọi.
Ngày 31/3/2020, các thành viên của Ủy ban Ba bên đặc biệt (STC) đã ra Tuyên bố chung về dịch bệnh do virus corona, kêu gọi các quốc gia thành viên ILO phải làm tất cả những gì có thể để tạo điều kiện cung cấp vật tư y tế thiết yếu, nhiên liệu, nước, phụ tùng và đồ dự trữ cho tàu (truy cập tại liên kết: https://www.ilo.org/global/about-the-ilo/newsroom/news/WCMS_740307/lang--en/index.htm).
Ủy ban Ba bên đặc biệt (STC) là cơ quan ba bên được thành lập theo Điều XIII của Công ước Lao động hàng hải năm 2006, để duy trì việc xem xét liên tục Công ước này. Các thành viên của STC được Cơ quan Điều hành ILO bổ nhiệm trong thời gian ba năm. Các thành viên hiện có bao gồm: Bà Julie Carlton từ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (Chủ tịch), Ông Martin Marini từ Singapore (Phó Chủ tịch đại diện cho các chính phủ), Ông David Heindel từ Hoa Kỳ (Phó Chủ tịch đại diện cho thuyền viên) và Ông Max Johns đến từ Đức (Phó Chủ tịch đại diện cho chủ tàu). Trong khuôn khổ của cuộc khủng hoảng chưa từng có này, ILO đã liên hệ với STC để xây dựng các biện pháp đối phó phù hợp nhất đối với các thách thức mà ngành hàng hải phải đối mặt.
Các thành viên STC đưa ra bản tuyên bố chung sau khi nhận được các báo cáo là ở một số khu vực trên thế giới, các nhà cung ứng đã bị ngăn cản lên tàu và bị ngăn việc cung cấp khẩu trang, quần áo bảo hộ cùng với các thiết bị bảo vệ cá nhân khác cho thuyền viên. Theo tuyên bố chung, các cảng ở một số nơi trên thế giới cũng đã từ chối cho phép một số tàu vào vì trước đó tàu đã cập cảng tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi COVID-19, ngăn cản việc tàu có thể được tiếp nhận nguồn cung cấp thiết yếu.
"Những người đi biển này cũng xứng đáng như mọi người khác, cần được đối xử với nhân phẩm và tôn trọng để đảm bảo rằng họ có thể tiếp tục cung cấp các dịch vụ sống còn cho thế giới", Tuyên bố của STC viết.
Ủy ban Ba bên đặc việt cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo dòng chảy của hàng hóa thiết yếu, năng lượng, thực phẩm, thuốc men và nhiều sản phẩm khác trên khắp thế giới không bị gián đoạn "bởi các biện pháp cản trở sự di chuyển an toàn và hiệu quả của tàu và những người đi biển vận hành những tàu này."
Tổng giám đốc ILO, ông Guy Ryder, đã yêu cầu các chính phủ đảm bảo trong những thời điểm khó khăn này, những người đi biển được bảo vệ đầy đủ khỏi đại dịch COVID-19, được tiếp cận chăm sóc y tế và có thể đến, rời tàu của họ, khi cần thiết, để tiếp tục thực hiện vai trò quan trọng của họ.
Ông Guy Ryder hoan nghênh "những nỗ lực phối hợp được thực hiện bởi các đối tác xã hội [các tổ chức của người sử dụng lao động và các tổ chức của người lao động] và cộng đồng quốc tế để đối phó với cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 tạo ra trong lĩnh vực hàng hải."
Dịch COVID-19 đang có tác động lớn đến vận tải biển toàn cầu - ngành đảm trách việc di chuyển 90% thương mại thế giới - và điều kiện làm việc của gần hai triệu người đi biển.
Quyền của thuyền viên được quy định trong Công ước Lao động hàng hải năm 2006, đưa ra các yêu cầu tối thiểu cho hầu hết các khía cạnh của điều kiện làm việc đối với người đi biển, bao gồm điều kiện tuyển dụng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, hồi hương, nghỉ phép, khu vực sinh hoạt trên tàu, phương tiện giải trí, thực phẩm và phục vụ ăn uống, bảo vệ sức khỏe, chăm sóc y tế, phúc lợi và bảo vệ an sinh xã hội cho thuyền viên. Công ước hiện đã được 96 quốc gia thành viên ILO phê chuẩn, đại diện cho hơn 91% tổng dung tích đội tàu vận tải biển thương mại toàn cầu.