Cướp có vũ trang tăng ở Châu Á, tàu biển Việt Nam cần nâng cao cảnh giác khi đi quốc tế

22/07/2022

Nạn cướp có vũ trang tại vùng biển Châu Á, đặc biệt là eo biển Singapore gia tăng gây ra nhiều mối lo ngại.

220722.jpg

6 tháng đầu năm, có tới 42 vụ cướp biển, cướp có vũ trang tại khu vực biển Châu Á được báo cáo. Ảnh: TST

Cướp biển vùng Châu Á gia tăng

Báo cáo mới nhất của Trung tâm chia sẻ thông tin ReCAAP - đơn vị chuyên theo dõi tội phạm trên vùng biển Châu Á thông tin, đã có nhiều hơn các vụ cướp có vũ trang trên khắp các vùng biển châu Á trong nửa đầu năm 2022, với 42 vụ được báo cáo so với 38 vụ của cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, tỷ lệ các vụ cướp có vũ trang ở eo biển Singapore có xu hướng tăng. Cụ thể, có 27 trường hợp được báo cáo trong nửa đầu năm nay tại một trong những tuyến đường vận chuyển đông đúc nhất thế giới, nhiều hơn 7 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Krishnaswamy Natarajan, Giám đốc điều hành của ReCAAP cho rằng, sự gia tăng này có thể một phần do tác động kinh tế của dịch Covid-19.

“Tuy nhiên, việc gia tăng các báo cáo cho thấy các thuyền trưởng tin tưởng các cơ quan thực thi pháp luật sẽ ứng phó với các mối đe dọa trên biển”, ông Krishnaswamy nói thêm.

Hầu hết các vụ cướp ở khu vực eo biển diễn ra lúc trời tối, thường có 2-5 tên cướp. Các thủ phạm hầu như không sử dụng vũ khí để đối đầu hoặc gây hại cho thủy thủ đoàn trên tàu, chỉ trừ một số vụ việc chúng dùng dao đe dọa thuyền viên và trói thuyền viên trong phòng máy.

Đặc biệt, ReCAAp cũng thông tin, các nhóm cướp chủ yếu nhắm vào các tàu chở hàng rời và tàu chở dầu, hoặc các tàu ​​kéo và tàu hỗ trợ các ngành công nghiệp ngoài khơi.

Chúng thường nhằm mục tiêu đánh cắp phụ tùng động cơ, vật tư trên tàu và sắt vụn. Trong hầu hết các trường hợp, cướp đều hoảng sợ khi bị nhìn thấy hoặc tàu báo động.

Ngoài Singapore, nửa đầu năm 2022, các vùng biển ngoài khơi Malaysia, Philippines và Việt Nam đều giảm các vụ cướp biển và cướp có vũ trang.

220722.1.jpg

Thuyền viên Việt đi tàu quốc tế cần tăng cường quan sát, phát hiện sớm để kịp xử lý. Ảnh minh họa

Thuyền viên Việt tăng cường phòng chống

Khu vực eo biển Singapore là tuyến hàng hải thương mại quốc tế lớn mà theo thống kê, nơi đây có khoảng 1000 tàu đi qua mỗi ngày. Tuyến thương mại từ Đông Nam Á, Châu Á đi Châu Mỹ hay Nam Á đều phải qua khu vực này.

Là người đã có hàng chục năm đi biển các tuyến quốc tế, anh Nguyễn Văn Vinh - thuyền trưởng tàu Lucky Star (CTCP Vận tải biển Việt Nam) cho rằng, thực tế khu vực eo biển Singapore đã “nóng” về tình trạng cướp có vũ trang mấy năm nay, nhưng đa số là tấn công các tàu dầu nhỏ và tàu neo. Các tàu neo đậu dễ bị tấn công hơn, nhất là những vùng biển an ninh kém.

Đối với việc phòng chống cướp biển, cướp có vũ trang, bản thân các chủ tàu và thuyền viên Việt Nam khi chạy các quyến quốc tế cũng chỉ có thể phòng, khó có thể chống.

“Trên tàu không thể có vũ khí nóng, nên chúng ta thường chỉ có các biện pháp để đảm bảo an toàn. Với tình trạng cướp biển, cướp có vũ trang, thuyền viên khi hành trình trong những khu vực có nguy cơ bị cướp biển tấn công phải tránh xa các tàu thuyền có tốc độ cao hay đang tiến tới gần mình.

Trường hợp chủ động đổi hướng tránh xa mà chúng vẫn bám theo, phải chủ động phát tín hiệu báo động sự cố an ninh về trung tâm gần bờ để được hỗ trợ. Tùy từng khả năng và khu vực để đưa ra cấp độ an ninh phù hợp”, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Vinh cho hay.

Anh thông tin thêm, các thuyền viên trước khi đi biển đều được đào tạo, hướng dẫn các phương án phòng chống cướp biển, cướp có vũ trang. Thế nên, tàu có nguy hiểm không một phần do các thuyền viên trên tàu có thực hiện đúng hướng dẫn hay không. Các thuyền viên phải tăng cường, chủ động quan sát để nắm bắt tình hình.

Vị thuyền trưởng cũng tiết lộ có lần anh trên chuyến tàu từ Việt Nam sang Trung Đông, hát hiện một tàu nhỏ đang chạy với tốc độ cao và tiếp cận gần tàu của mình. Anh chủ động đổi hướng, chạy vào gần bờ và phát tín hiệu cầu cứu sự hỗ trợ.

2 tàu cách nhau 20 hải lý nên khi chiếc tàu nhỏ kia đuổi gần tới nơi, thấy tàu của Việt Nam đã chạy về sát bờ nên chúng dừng lại, không đuổi nữa. Trong khi đó, thuyền trưởng Phạm Văn Đại (Công ty TNHH Vận tải biển và Xuất nhập khẩu HTK) tiết lộ, trên tàu luôn phải chủ động phòng chống cướp.

Một số phương án phòng chống như như thiết lập dây thép gai quanh tàu, đấu dòng điện cao, thiết kế hệ thống vòi rồng để ngăn chặn trường hợp cướp muốn leo lên tàu. “Chúng tôi cũng đặt những hình nộm khắp tàu, để nếu quan sát từ xa sẽ tưởng đó là người canh gác. Bọn cướp thấy mình đã tiến hành cảnh giác sẽ hạn chế tiếp cận tàu hơn”, thuyền trưởng Đại cho hay.

ReCAAP cũng khuyến nghị, các quốc gia ven biển cần tăng cường giám sát và tuần tra, cũng như tăng cường chia sẻ thông tin và điều phối các quốc gia ven biển Lệnh bắt giữ và truy tố thủ phạm.

Đối với các tàu thuyền đi qua khu vực, thuyền viên phải luôn theo sát tình hình, cảnh giác cao độ, áp dụng các biện pháp phòng ngừa và báo cáo sự cố ngay lập tức cho quốc gia ven biển gần nhất.

Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, cướp biển là hành động trái phép đi kèm với bạo lực, bắt giữ, chống lại người trên tàu hoặc cướp tài sản, của cải trên tàu, được thực hiện thông qua hai tàu và phải diễn ra ở khu vực biển xa.

Cướp có vũ trang là bất kỳ hành động bạo lực, lưu giữ bất hợp pháp, cướp bóc hoặc đe dọa cướp bóc nhằm vào tàu, không phải là hành động cướp biển, xảy ra trong khu vực thuộc phạm vi quyền hạn của một quốc gia


Tác giả: Hồ An