Taxi, xe buýt cần sớm sử dụng nhiên liệu sạch

18/07/2011

Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn ở Việt Nam hiện nay đã ở mức báo động. Nguyên nhân chủ yếu là do các phương tiện giao thông đã thải vào môi trường những khí độc hại làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Ô nhiễm từ khí thải

Hàng năm, số lượng xe máy, ô tô các loại tăng lên rất lớn tại các đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Quản lý điều hành giao thông tại các thành phố lớn cũng rất phức tạp: kẹt xe, ùn tắc là “bạn đồng hành” của cuộc sống đô thị.

Hiện số lượng xe taxi ở Hà Nội là khoảng 14 nghìn xe, dự kiến năm 2020 sẽ là 20 nghìn xe. Tuổi thọ trung bình của taxi trên địa bàn này là khoảng 7-8 năm, với “tuổi đời” Và với chế độ chạy liên tục của taxi, động cơ khó có thể đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 2, đó là chưa nói đến các xe sản xuất lắp ráp tại Việt Nam cách đây 5 năm chưa bị “khép” vào tiêu chuẩn khí thải Euro 2. Về nhiên liệu xăng, Việt Nam đang sử dụng 2 loại A92 và A90 là chủ yếu, việc sử dụng xăng sinh học đang còn ở mức “sơ khai” nên ô nhiễm do khí thải đang ở mức cao.



Xe buýt xả khói đen trên đường phố Hà Nội

Số lượng xe buýt ở Hà Nội có khoảng 1.300 chiếc với “tuổi đời” từ 5-10 năm. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam thì có 30% xe buýt ở Hà Nội xả khói đen nhiều hơn mức cho phép. Khí thải xe buýt rất độc hại do chất lượng động cơ, tuổi đời động cơ và chất lượng nhiên liệu diesel. Trong khi đó, xe buýt thường xuyên vượt tải lại hay đi ngắn, đỗ dừng nhiều và ùn tắc giao thông nên phải chạy chế độ đậm nhiên liệu làm khí thải thường đen đậm.

Lợi ích khi sử dụng nhiên liệu sạch

Công ty Cơ khí Ngô Gia Tự - đơn vị thành viên của TCT Công nghiệp ô tô VN được phân công nghiên cứu và đã thực hiện thành công đề tài nghiên cứu áp dụng chuyển đổi động cơ chạy xăng hoặc diesel sang chạy khí ga đồng hành hoặc luân phiên đa nhiên liệu.

Đề tài nghiên cứu này chủ yếu quan tâm đến vận tải hành khách công cộng tại các thành phố lớn là vận tải hành khách bằng taxi và xe buýt với hai loại động cơ chạy xăng và dầu diesel. Nhiên liệu sạch (CNG, LPG, LNG) là nhiên liệu mà khi cháy đảm bảo cháy hết, cháy kiệt các thành phần độc hại như CO, HC, NOx, SO2 và hạt muội pm ít nhất.

Sự chuyển đổi này không làm thay đổi kết cấu động cơ bởi tỷ số nén của hai loại động cơ xăng và khí rất gần nhau. Đối với xe buýt thì các nước trên thế giới chủ yếu sử dụng khí tự nhiên nén CNG.

Trong quá trình thực nghiệm đề án Nhà nước KC-06.DA.09.CN về sử dụng LPG cho taxi thay xăng tại Hà Nội cho thấy, xe chạy nhiên nhiệu LPG thay xăng lượng CO giảm 10,7 lần; HC giảm 2 lần; so với tiêu chuẩn Việt Nam lượng CO giảm 40 lần, lượng HC giảm 7 lần, lượng NOx giảm 1,85 lần, lượng CO2 giảm 1,16 lần.

Nhiên liệu sạch dạng khí có ưu điểm là dạng khí nên hòa trộn với không khí tốt hơn, khi cháy gần như cháy kiệt hơn nhiên liệu lỏng, bu gi sạch không đóng muội, do nhiên liệu dạng khí nên không bị “lỏng” hóa trong buồng đốt tạo muội để làm mòn xéc - măng dầu gây sục dầu ở các-te lên buồng đốt. Do đó sẽ kéo dài chu kỳ bảo dưỡng động cơ .

Đối với xe chạy xăng khi chuyển đổi sang chạy LPG khi chạy trong thành phố có thể tiết kiệm 20% giá nhiên liệu, khi chạy ngoài đường trường có thể tiết kiệm gần 30%. Giá chuyển đổi với xe cacbuarator khoảng 12 triệu đồng, với xe kim phun - ECM khoảng 22 triệu đồng. Theo tính toán, sau khi chuyển đổi nhiên liệu trong 10 tháng sẽ hoàn vốn do tiết kiệm nhiên liệu.

Đối với xe buýt chạy diesel chuyển sang chạy CNG, LPG giá thành để chuyển đổi tương đối cao, khoảng 500 triệu đồng, nhưng giá nhiên liệu CNG lại rất rẻ, chỉ khoảng 9.000 đồng/kg. Phương pháp chạy song nhiên liệu LPG/diesel, giá thành chuyển đổi từ 80 triệu đến 140 triệu VNĐ, cho phép tiết kiệm từ 20-30 % nhiên liệu.

Việc thay động cơ LPG cho động cơ diesel của xe khách, xe buýt ngay từ khâu đặt hàng lắp ráp chỉ tăng khoảng 50 triệu - 200 triệu đồng nhưng hiệu quả rất cao về bảo vệ môi trường và tiết kiệm nhiên liệu do giá LPG rẻ hơn giá dầu diesel.

Vì vậy, để bảo vệ môi trường không khí cho các thành phố lớn, giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và an toàn năng lượng, cần nâng tiêu chuẩn khí thải tại các đô thị và thành phố lớn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần quy hoạch và lắp đặt các trạm nạp LPG ở vị trí thuận lợi cho vận hành xe buýt và taxi.

Tác giả: (Theo Báo GTVT)