Hội nghị khảo sát khả năng thực hiện Công ước MLC 2006

05/12/2011

Công ước Lao động hàng hải (MLC 2006) được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thông qua ngày 23 tháng 02 năm 2006. Công ước này sẽ có hiệu lực trong thời gian 12 tháng sau khi được 30 quốc gia với đội tàu chiếm 33% tổng dung tích đội thương thuyền thế giới phê chuẩn.

Đến hết ngày 30 tháng 11 năm 2011, Công ước MLC 2006 đã nhận được sự phê chuẩn của 20 quốc gia sau đây với đội tàu chiếm trên 55% tổng dung tích đội tàu toàn cầu: Antigua and Barbuda, Bahamas, Benin, Bosnia and Herzegovina, Bulgaria, Canada, Croatia, Denmark, Gabon, Kiribati, Latvia, Liberia, Luxembourg, Marshall Islands, Norway, Panama, Saint Vincent and the Grenadines, Singapore, Spain và Switzerland. ILO tin tưởng rằng công ước sẽ nhận được sự phê chuẩn của 10 quốc khác để hội tụ đủ điều kiện có hiệu lực vào đầu năm 2012, tức là công ước sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2013.

Khi Công ước MLC 2006 có hiệu lực, tất cả các tàu hoạt động tuyến quốc tế có tổng dung tích từ 500 trở lên, hoạt động tuyến quốc tế, sẽ phải được cấp giấy chứng nhận lao động hàng hải (MLC) và bản công bố phù hợp lao động hàng hải (DMLC). Các tàu khác phải được kiểm tra, nhưng không cần cấp giấy chứng nhận lao động hàng hải.

Theo ước tính sẽ có khoảng 65.000 tàu biển phải được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận lao động hàng hải. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có một số lượng rất lớn tàu phải được chứng nhận theo công ước MLC 2006 trong thời gian hạn chế. Để tránh tính trạng này, một số quốc gia đã tham gia công ước, ví dụ như Marshal Islands và Liberia, đã áp dụng chương trình chứng nhận tự nguyện theo quy định của công ước trước khi nó có hiệu lực.

Mặc dù nhiều chủ tàu đã đưa một số yêu cầu của Công ước MLC 2006 vào hệ thống quản lý an toàn, nhưng kinh nghiệm thực tiễn cho thấy một số vấn đề cần phải được đề cập và thực hiện để đạt được sự tuân thủ toàn bộ các quy định của công ước và của quốc gia tàu mang cờ quốc tịch, chẳng hạn như:

  • Thỏa ước lao động tập thể;
  • Hợp đồng lao động của thuyền viên;
  • Giải thích các yêu cầu cụ thể cho các loại tàu đặc biệt;
  • Giải thích định nghĩa thuyền viên;
  • Đảm bảo các cơ sở cung cấp thuyền viên đáp ứng thỏa mãn công ước.

Bộ Giao thông vận tải và Bộ Lao động, thương binh và xã hội Việt Nam đã thực hiện việc nghiên cứu đề xuất việc tham gia và triển khai áp dụng Công ước MLC từ năm 2007. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, ngày 01 và 02 tháng mười hai năm 2011, Tổ Nghiên cứu Công ước MLC 2006 bao gồm các thành viên của Vụ Pháp chế của Bộ Giao thông vận tải, Vụ Pháp chế của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tổ chức hội nghị khảo sát khả năng thực hiện Công ước MLC 2006 tại thành phố Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh.

Tham dự hội nghị, ngoài các thành viên của Tổ Nghiên cứu Công ước, còn có đại diện của các hiệp hội chủ tàu, hội người đi biển, các chủ tàu, công ty quản lý tàu, cảng vụ hàng hải, chi cục hàng hải, chi cục đăng kiểm và Sở Ngoại vụ thành phố Hải Phòng.

Tại hội thảo, các đại biển đã phân tích, đánh giá các thuận lợi và khó khăn khi chúng ta tham gia hoặc không tham gia Công ước MLC 2006. Kết quả thảo luận cho thấy về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam đã đáp ứng được phần lớn các yêu cầu của Công ước MLC, tuy nhiên còn có các vấn đề sau cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp: chế độ tuyển dụng và hợp đồng lao động của thuyền viên, cơ chế khuyến khích phát triển nghề đi biển, chế độ an sinh xã hội cho thuyền viên, số ngày nghỉ phép, chế độ hồi hương thuyền viên, quy định về trang thiết bị y tế trên tàu.

Một số quy định khác của Công ước MLC cần được giải thích rõ ràng bằng văn bản quy phạm pháp luật quốc gia là: mức độ áp dụng công ước cho tàu chỉ hoạt động trong vùng biển nội địa, cấu tạo của ủy ban ba bên (tổ chức nào là cơ quan đại diện cho chủ tàu và tổ chức nào là cơ quan đại diện cho thuyền viên).

Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã nhất trí đề nghị Tổ Nghiên cứu Công ước MLC 2006 kiến nghị lên Bộ Giao thông vận tải và Bộ Lao động thương binh xã hội đề nghị Chính phủ tham gia Công ước ngay khi có hiệu lực, và có kế hoạch sửa đổi, bổ sung kịp thời hệ thống pháp luật Việt Nam cho phù hợp với công ước, để chúng ta có thể triển khai ngay việc thực thi công ước khi nó hiệu lực, tạo điều kiện thuận lợi cho đội tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế.

Tại hội nghị, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phổ biến và quán triệt lại Chỉ thị số 09/CT-BGTVT ngày 24 tháng mười năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về tăng cường các biện pháp nhằm làm giảm thiểu tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC ở nước ngoài đến toàn thể các đại biểu.

Tác giả: Phòng TB - VR