Chủ tịch các tỉnh phải quyết liệt hơn nữa để kéo giảm TNGT

18/07/2022

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, TNGT giảm sâu về số vụ và số người bị thương nhưng số người chết tăng là vấn đề đáng lo ngại.

180722.4.jpg

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, lập luận về việc hoạt động GTVT trong 6 tháng đầu năm 2022 sôi động hơn cùng kỳ 2021 nên có tiêu chí TNGT tăng là điều không phù hợp

Sau Covid-19, vẫn có 2 tiêu chí TNGT giảm sâu

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo TTATGT 6 tháng đầu năm diễn ra vào chiều 15/7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá: “Tất nhiên, chúng ta đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, con số thống kê về TNGT trong 6 tháng đầu năm là hết sức đáng lo ngại đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT. Bởi, số người chết do TNGT tăng 2,44%. Đặc biệt là có những địa phương tăng rất cao”.

Tại hội nghị, thảo luận về việc TNGT giảm sâu về số vụ (-10,41%), số người bị thương (-17,69%) nhưng tăng số người chết (2,44%), nhiều ý kiến cho rằng, một phần nguyên nhân tăng số người chết là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động KT-XH, bao gồm GTVT đều bị hạn chế do tác động nghiêm trọng của dịch bệnh, trong khi 6 tháng đầu năm 2022, đời sống KT-XH, hoạt động GTVT sôi động trở lại như thời trước dịch bệnh.

Vì vậy, nếu đối chiếu TNGT 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ sẽ chưa thể phản ánh đầy đủ hiệu quả giảm TNGT. Bởi nếu so với cùng kỳ năm 2019 -  thời điểm trước khi có dịch bệnh thì TNGT 6 tháng đầu năm 2022 vẫn giảm cả 3 tiêu chí.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhất trí việc 6 tháng đầu năm 2021 dịch bệnh khiến hoạt động GTVT kém sôi động hơn cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, lập luận nêu trên về việc hoạt động GTVT sôi động hơn nên có tiêu chí TNGT tăng là điều không phù hợp. Bởi, thống kê cho thấy, có tới 30 địa phương giảm TNGT, thậm chí có 10 địa phương có số người chết giảm trên 20% so với cùng kỳ năm 2021.

“Việc đời sống KT-XH hoạt động trở lại bình thường diễn ra trên cả nước. Vậy, tại sao 30 địa phương vẫn giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2021 mà 26 địa phương khác lại tăng TNGT. Vì vậy, nói rằng 6 tháng đầu năm 2021 hoạt động GTVT hạn chế, trong khi 6 tháng đầu năm 2022 trở lại hoạt động bình thường nên TNGT tăng là điều không chấp nhận được”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói rõ.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ ra rằng, trong 6 tháng đầu năm 2022 vẫn có 2 tiêu chí TNGT giảm rất sâu là số vụ và số người bị thương. Đây là những kết quả rất tốt, rất tích cực trong công tác đảm bảo trật tự ATGT đã đạt được và cần phải phát huy quyết liệt hơn nữa. Bởi, giảm được số vụ TNGT cũng giúp kéo giảm số người chết và số người bị thương.

“Tôi nhấn mạnh rằng, các bộ, ngành, nhất là các địa phương với Chủ tịch UBND đều là Trưởng Ban ATGT tỉnh, thành phố cần phải quan tâm hơn nữa, vào cuộc quyết liệt hơn nữa để cùng nhau đảm bảo TNGT được kéo giảm cả 3 tiêu chí từ 5 đến 10% trong năm 2022 theo mục tiêu đề ra”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu.

180722.jpg

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo TTATGT 6 tháng đầu năm.

Không nên dùng cụm từ “cao điểm”

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự ATGT của Bộ GTVT và Bộ Công an, đặc biệt là các đợt cao điểm xử lý vi phạm có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

“Không được để tồn tại tư tưởng đợi hết cao điểm sẽ tiếp tục có thể vi phạm trật tự ATGT”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu phải nêu tên, phê bình nghiêm các địa phương tăng TNGT; xử lý nghiêm khắc cán bộ vi phạm pháp luật về trật tự ATGT.

Tháng 7, tháng 8 và dịp nghỉ lễ 2/9 được nghỉ 4 ngày được dự báo là thời điểm nhu cầu đi lại, du lịch,… tăng rất cao. Chưa kể các hoạt động KT-XH được nối lại sau dịch bệnh cũng sẽ tăng lên. Đây là áp lực rất lớn đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn rất nhiều để đạt được tiêu chí giảm TNGT cả 3 tiêu chí từ 5 đến 10% như mục tiêu đặt ra.

Đáng chú ý trong chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Ủy ban ATGT Quốc gia phải tổ chức các buổi làm việc với các địa phương tăng TNGT để tìm ra giải pháp kéo giảm TNGT. Bộ GTVT rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh kịp thời các tồn tại, bất cập, điển hình như nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019 để tăng hiệu lực đảm bảo trật tự ATGT. Các cơ quan chức năng cũng phải đặc biệt lưu ý việc rà soát lại việc đào tạo, cấp phép GPLX;…

180722.9.jpg

Lực lượng Thanh tra GTVT phối hợp cùng CSGT xử lý xe quá tải trên địa bàn TP Hà Nội

Về duy trì hiệu lực thực thi pháp luật, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, không nên dùng cụm từ “cao điểm”. “Nếu gọi là cao điểm thì người dân có thể hiểu là sẽ có lúc xuống thấp. Vì vậy, việc kiểm soát vi phạm cần phải được duy trì một cách thường xuyên, thay vì chỉ tập trung vào các đợt cao điểm”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Song hành với đó, Phó Thủ tướng cho rằng, công tác tuyên truyền ATGT phải được đẩy mạnh và có hiệu quả cao hơn nữa, lan tỏa, đúng và trúng hơn nữa. “Tôi cho rằng, ý thức của người tham gia giao thông vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Thực tế tôi thấy, sau giai đoạn dịch bệnh, người dân tham gia giao thông có nhiều hành vi xấu hơn giai đoạn trước. Vì vậy, cần phải tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

“Hội nghị kết thúc nhưng để đánh giá là hội nghị này có thành công hay không phải chờ xem sau hội nghị có giảm được TNGT cả 3 tiêu chí hay không. Nếu vẫn có tiêu chí chưa giảm được thì không thể nói hội nghị này thành công”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kết luận.

Tác giả: Vũ Thành Vũ