Việt Nam – Lào: thống nhất kế hoạch, thúc đẩy chương trình hợp tác phát triển lĩnh vực GTVT

15/07/2022

Chiều 14/7/2022 tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã có buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào Viengsavath Siphandone, trao đổi về tình hình hợp tác trong lĩnh vực GTVT giữa hai Bộ.

150722.jpg

Đây là dịp hai Bộ rà soát, kiểm điểm tình hình hợp tác về GTVT trong 2 năm vừa qua và thống nhất kế hoạch, chương trình làm việc trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Thay mặt Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và nhân danh cá nhân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chúc mừng Bộ trưởng Viengsavath Siphandone mới được Lãnh đạo Đảng và Chính phủ Lào tin tưởng, bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhiệt liệt chào mừng Đoàn công tác Bộ Công chính và Vận tải Lào sang Việt Nam để trao đổi về tình hình hợp tác trong lĩnh vực GTVT giữa hai Bộ. “Đây là dịp để hai Bộ rà soát, kiểm điểm tình hình hợp tác về GTVT trong 2 năm vừa qua (đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 xảy ra) cũng như trao đổi để thống nhất kế hoạch, chương trình làm việc trong năm 2022 và các năm tiếp theo”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

“Được biết Đoàn công tác đã đi thăm quan thực tế Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Cảng Lạch Huyện, Hải Phòng. Hy vọng rằng, những kết quả từ chuyến thăm quan thực tế tại các công trình giao thông lớn đó đã đem lại cho Đoàn công tác những trải nghiệm và thông tin bổ ích”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói và cho biết thêm, trong lĩnh vực GTVT, hai Bộ đã ký kết nhiều Điều ước và Thỏa thuận quốc tế.

Việc ký kết các văn kiện hợp tác nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý cho Việt Nam và Lào chủ động trong việc quy hoạch kết nối GTVT giữa hai nước nói riêng và với các nước và trong khu vực nói chung, đảm bảo việc phát triển đồng bộ hệ thống GTVT theo hướng bền vững, hiện đại; kết nối các phương thức vận tải tạo thành hệ thống liên hoàn, thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải của hai nước đồng thời phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của hai nước, đặc biệt là tiềm năng về vị trí trung tâm của Lào trong việc kết nối GTVT đường bộ với các nước trong khu vực và tiềm năng biển của Việt Nam trong việc kết nối với hệ thống GTVT quốc tế. Mong rằng trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục ký thêm nhiều Bản ghi nhớ để thúc đẩy những hoạt động hợp tác lên một tầm cao mới.

150722.1.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể mong rằng trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục ký thêm nhiều Bản ghi nhớ để thúc đẩy những hoạt động hợp tác lên một tầm cao mới.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ, nhiệm kỳ này, Bộ GTVT Việt Nam được Chính phủ giao nhiệm vụ hết sức quan trọng đó là đầu tư thêm khoảng 2.000km đường bộ cao tốc. Hy vọng rằng nhân dịp 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, hai Bộ sẽ có những hoạt động hợp tác hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực đường bộ và nhiều lĩnh vực khác nữa.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội- Viêng Chăn là dự án hết sức quan trọng, sẽ thúc đẩy GTVT, thương mại giữa hai nước trong tương lai. Tuy nhiên, do gặp phải một số vướng mắc nên dự án chưa được triển khai như mong muốn.

“Mới đây, được biết phía Lào đã thu xếp được nguồn vốn để đầu tư xây dựng tuyến đường phía bên Lào. Phía Việt Nam cam kết sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ Lào trong việc tìm kiếm nguồn đầu tư và khi phía Lào triển khai được dự án, Việt Nam sẽ triển khai xây dựng ngay 65km đường cao tốc từ cửa khẩu Thanh Thủy đến TP Vinh, tỉnh Nghệ An để từ đó đấu nối thành công với tuyến đường của Lào”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Một dự án không kém phần quan trọng là Dự án cảng quốc tế Vũng Áng Lào – Việt. Lào là một nước không có biển. Để hàng hóa, dịch vụ của Lào có cơ hội tiếp cận các thị trường lớn như Nhật, Mỹ, Canada, Úc, … và đa dạng hóa đối tác, Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Lào có thể đi qua bất cứ cảng biển nào của Việt Nam. Khởi đầu hợp tác này là hình thành Công ty cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt, do Lào nắm cổ phần đa số, tại cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.

150722.2.jpg

Bộ trưởng Viengsavath Siphandone hoàn toàn nhất trí với những đề xuất, kiến nghị mà Việt Nam đưa ra.

“Đối với việc thực hiện Hiệp định và Nghị định thư thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác đầu tư phát triển bến cảng 1,2,3 của cảng Vũng Áng, liên quan đến Doanh nghiệp nhà nước phát triển cảng Vũng Áng Lào - Việt Nam, đề nghị Bộ Công chính và Vận tải Lào sớm báo cáo Chính phủ Lào có văn bản giới thiệu, khẳng định Doanh nghiệp nhà nước phát triển cảng Vũng Áng Lào – Việt Nam do Chính phủ Lào chỉ định tham gia hợp tác phát triển bến cảng số 1, 2, 3 của cảng Vũng Áng đáp ứng đầy đủ các điều kiện đã được quy định tại Hiệp định và Nghị định thư đã ký kết cũng như đảm bảo Chính phủ Lào kiểm soát, chi phối hoạt động của doanh nghiệp này theo luật của Lào để hoàn thành công tác phát hành cổ phiếu riêng lẻ theo quy định”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị.

Về việc này, Bộ GTVT đã hai lần gửi Công thư đề nghị, vì vậy, mong Bộ Công chính và Vận tải Lào quan tâm sớm báo cáo Chính phủ Lào để có văn bản gửi phía Việt Nam làm cơ sở thực hiện; đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm 2022.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đánh giá cao việc hai nước đã đồng thuận việc phát triển hệ thống đường sắt kết nối hai nước thông qua Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về Xây dựng và khai thác tuyến đường sắt Vũng Áng - Viêng Chăn. Bộ GTVT đã đưa dự án này vào quy hoạch ngành đường sắt và thực hiện trong giai đoạn 2021-2030. Để thực hiện Thỏa thuận nêu trên, Bộ GTVT đã giao Cục Đường sắt Việt Nam thống nhất với đối tác phía Lào các nội dung như: thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật chung của dự án, điểm nối ray và các nội dung liên quan khác, tiếp tục thúc đẩy để hai nước phê duyệt dự án trong thời gian sớm nhất.

Bộ trưởng cũng đánh giá cao Doanh nghiệp phía Lào (Công ty Petro Trade) đã quan tâm để phát triển dự án này, đề nghị Doanh nghiệp phía Lào có đề nghị quan tâm chính thức đến dự án để Bộ GTVT Việt Nam hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện dự án theo các thủ tục của pháp luật Việt Nam.

150722.3.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Văn thể và Bộ trưởng Viengsavath Siphandone ký Biên bản cuộc họp để làm cơ sở thực hiện trong thời gian tới.

Về dự án nghiên cứu hành lang kinh tế Đông - Tây (Viêng Chăn - Paksan - Vinh - Hà Nội), trong năm 2020, phía Nhật Bản có đề xuất việc cải tạo nâng cấp Quốc lộ 8 phía Lào và phía Việt Nam để tăng cường hợp tác chuyên môn hóa giữa hai nước. Về phía Việt Nam, hiện nay Quốc lộ 8 đã và đang được đầu tư nâng cấp, đảm bảo việc lưu thông hàng hóa đến cửa khẩu Cầu Treo. Về phía Lào, chúng tôi được biết, phía Nhật Bản thông qua Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự kiến sẽ hỗ trợ phía Lào thực hiện dự án này với kinh phí dự kiến 200 triệu USD. Hai bên đã nhất trí đưa Dự án này vào khuôn khổ hợp tác nghiên cứu thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây của các nước tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) và đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư của hai nước làm đầu mối triển khai. Đối với dự án này, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan liên quan của hai nước tích cực phối hợp với đoàn chuyên gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) để triển khai.

Đối với Dự án nâng cấp tuyến đường 18B từ thị xã tỉnh Attapư đến biên giới Lào - Việt Nam, năm 2019, Bộ GTVT Việt Nam đã hoàn thành Báo cáo cuối kỳ của Dự án nâng cấp tuyến đường 18B, tỉnh Attapư. Tuy nhiên, để phê duyệt được dự án, theo quy định của phía Lào dự án cần phải bổ sung hạng mục đánh giá tác động môi trường.

Tại Kỳ họp lần thứ 43 UBLCP Việt Nam – Lào năm 2021: hai Bên đã thống nhất bổ sung hạng mục đánh giá tác động môi trường vào nghiên cứu khả thi nâng cấp đường 18B bằng nguồn vốn viện trợ của CP Việt Nam dành cho Lào. Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công chính và Vận tải Lào, Bộ GTVT đã hai lần gửi Công hàm tới Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào cho ý kiến về nội dung Đề cương khảo sát, nhiệm vụ, chi phí khảo sát, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và xã hội của Dự án nêu trên theo quy định của phía Lào. Tuy nhiên, đến nay, phía Việt Nam đang chờ phản hồi của phía Lào để triển khai các bước tiếp theo của dự án.

Bộ trưởng đề nghị Bộ Công chính và Vận tải Lào thúc đẩy Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào sớm phê duyệt đề cương, dự toán hạng mục khảo sát, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và xã hội của dự án vào bước nghiên cứu khả thi nâng cấp tuyến đường 18B bằng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào trong năm 2022.

150722.4.jpg

Đoàn Công tác Bộ Công chính và Vận tải Lào chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ GTVT Việt Nam.

Bên cạnh đó, thời gian qua, vận tải xuyên biên giới đã đạt được kết quả nhất định tuy nhiên cũng bộc lộ một số bất cập trong việc triển khai thực hiện đặc biệt khi dịch bệnh Covid19 diễn ra đã làm gián đoạn hoạt động vận tải hai nước. Bộ trưởng đề nghị Bộ Công chính và Vận tải Lào xem xét việc sửa đổi, bổ sung Hiệp định và Nghị định thư vận tải đường bộ giữa CHDCND Lào và CHXHCN Việt Nam theo hướng phù hợp với thực tế hơn nữa, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động vận tải xuyên biên giới của hai nước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện Bộ GTVT Việt Nam đã và đang xây dựng và triển khai Chính phủ điện tử, hệ thống dịch vụ công trực tuyến  phục vụ người dân, ban hành luật đầu tư theo hình thức PPP, do vậy, Việt Nam có một số kinh nghiệm về những vấn đề này và sẵn sàng trao đổi, chia sẻ hỗ trợ cho Bộ Công chính và Vận tải Lào.

Sau khi nghe Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trao đổi, Bộ trưởng Viengsavath Siphandone hoàn toàn nhất trí với những đề xuất, kiến nghị mà Việt Nam đưa ra.

“Tuyến cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn là dự án Chính phủ Lào rất coi trọng. Lào cũng đang khẩn trương thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư hoàn thiện các thủ tục để triển khai đầu tư dự án này. Đề nghị phía Bộ GTVT Việt Nam sẽ hỗ trợ Lào về vấn đề kỹ thuật khi triển khai dự án”, Bộ trưởng Viengsavath Siphandone đề nghị.

Đối với Dự án cảng quốc tế Vũng Áng Lào  - Việt, đây là dự án thể hiện mối quan hệ tình cảm giữa hai nước, vì vậy Bộ Công chính và Vận tải Lào hoàn toàn nhất trí với đề nghị của Việt Nam và sẽ báo cáo Chính phủ Lào ký bản cam kết sớm nhất có thể để dự án được triển khai theo đúng kế hoạch.

Qua buổi làm việc, trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, hai Bộ đã thống nhất các nội dung cần triển khai trong thời gian tới. Hai bộ cùng thống nhất giao Vụ Hợp tác quốc tế của hai Bộ làm đầu mối tổng hợp, theo dõi, thúc đẩy hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Giao các Cục, Vụ, Viện chuyên môn chủ động liên hệ và làm việc với các đối tác liên quan của hai bên để lập kế hoạch công tác đảm bảo tiến độ, chất lượng; chủ động báo cáo Lãnh đạo Bộ các vướng mắc, khó khăn để có biện pháp giải quyết kịp thời. Kết thúc buổi làm việc, hai Bộ trưởng đã ký Biên bản cuộc họp để làm cơ sở thực hiện trong thời gian tới.

Tác giả: H.N