Dưới trời nắng nóng gay gắt, việc xếp hàng 5 phút để mua một chai nước đã là cực hình với nhiều người. Thế nhưng, nhiều chủ sở hữu xe thuần điện vẫn đang phải xếp hàng dài và chờ hàng giờ tại các trạm sạc để nạp đầy năng lượng cho xế yêu của họ,
Tuy nhiên, những đợt nắng nóng khắc nghiệp và tình trạng cắt điện luân phiên trên toàn thế giới đang góp thêm một tay biến tình cảnh này thành địa ngục trần gian đối với các tài xế. Tại bang California của Mỹ, chính quyền đang khuyến khích người dân hạn chế sạc xe điện để giảm áp lực cho lưới điện quốc gia, dù nơi này đang tiến gần đến việc cấm hoàn toàn xe chạy nhiên liệu trong thời gian tới. Tại châu Âu cũng tương tự, tình trạng thiếu hụt năng lượng đang khiến nhiều quốc gia thậm chí hạn chế việc sử dụng điều hòa không khí, chứ chưa nói tới việc vận hành các trạm sạc.
Ở Trung Quốc, một trong những quốc gia xe điện được sử dụng rộng rãi, người dùng cũng đang lâm vào thế khó. Tại nhiều tỉnh, nắng nóng kéo dài khiến nguồn cung từ thủy điện giảm sút khiến nhiều trạm sạc công cộng đã phải tạm dừng dịch vụ do bị cắt điện, dẫn đến việc các chủ phương tiện phải xếp hàng dài chờ đợi bên ngoài các trạm sạc ít ỏi khác còn vận hành.
Cọc sạc xe điện đã ít mà giờ nhiều nơi không có điện cho các cọc sạc vận hành.
Nhiệt độ tăng cao đột ngột cùng với thời tiết khắc nghiệt và các biện pháp phân bổ điện năng đã khiến vấn nạn “khó sạc” của các loại xe thuần điện một lần nữa trở thành tâm điểm bàn tán. Nhiều chủ xe điện thuần túy cho biết họ đã chán cảnh xếp hàng, tranh nhau sạc cọc chỉ để đi làm mỗi ngày. Rõ ràng, không phải ai cũng có điều kiện xây gara để lắp trạm sạc riêng tại nhà, cũng như nhiều chung cư cũng không cho phép lắp các trạm sạc xe điện. Và cũng chính lúc này, mọi ánh mắt ghen tị đang đổ dồn sang những người sử dụng xe Plug-in Hybrid (PHEV).
Plug-in Hybrid về cơ bản là một biến thể được tạo nên khi kết hợp giữa xe điện và xe lai điện hybird. Nó sử dụng 1 động cơ đốt trong và 1 động cơ điện, nhưng khác biệt ở chỗ động cơ điện này có thể sạc ngoài chứ không nằm dưới quyền kiểm soát của hệ thống như xe Hybrid.
Trong bối cảnh hạn chế về cọc sạc, nguồn điện nhưng vẫn có vô số ưu đãi cho xe năng lượng mới tại các thành phố lớn, thì PHEV vốn chỉ được coi là một "sản phẩm chuyển tiếp", bỗng trở nên nổi bật và thể hiện các ưu thế vượt trội so với cả xe chạy nhiên liệu lẫn xe điện. Thậm chí nhiều người trong ngành còn nhận định cuộc chiến giữa xe plug-in hybrid và xe thuần điện để xác định xem ai mới là "tương lai" sẽ tiếp tục diễn ra trong một thời gian dài.
Prius - mẫu xe Plug-in Hybird của Toyota đã làm mưa làm gió trong suốt một thời gian dài.
"Tôi có một chút may mắn vì đã mua một chiếc xe PHEV thay vì một chiếc xe điện thuần túy", ông Dương, một doanh nhân sống ở thành phố Thành Đô của Trung Quốc, chia sẻ.
Mỗi ngày, ông phải lái xe gần 40 km đến và đi từ nhà tới các cửa hàng của mình trong thành phố. Để thuận tiện cho việc đi lại, cách đây một năm ông đã sắm một chiếc xe năng lượng mới nhằm tận dụng chính sách ưu đãi của thành phố.
Ban đầu, ông thừa nhận mình định mua một chiếc ô tô chạy điện vì giá sạc khi đó khá rẻ, nên chi phí đi lại thấp. Chưa kể gần nhà còn lắp thêm các cọc sạc công cộng. Tuy nhiên, do nhu cầu thường đi du lịch cùng gia đình vào cuối tuần, nên cuối cùng ông đã chọn một chiếc PHEV. Phạm vi di chuyển thuần túy bằng điện của chiếc xe chỉ là 50 km, nhưng thế là đủ để ông đi làm mỗi ngày.
Nhưng gần đây, do nắng nóng gay gắt, một số khu vực của thành phố bị hạn chế sử dụng điện nên hầu như tất cả các cọc sạc xe điện ở bãi đậu xe gần nhà ông Dương đã bị cắt. Một người hàng xóm thậm chí còn sang nói khó với ông, rằng nếu may mắn vào buổi sáng sớm mà cọc sạc có thể dùng được, thì hãy nhường nó cho chiếc xe điện của ông ta. "Xe chú là con lai, cắm sạc cũng được mà uống xăng cũng được. Vì thế hãy dành nguồn sạc quý giá cho các chủ sở hữu xe điện thuần túy", người hàng xóm nói.
Vì vậy, trong những tuần gần đây, hành trình đi làm của ông cơ bản là sử dụng nhiên liệu. Bản thân ông cũng nói đùa rằng nếu lúc đầu chọn mua một chiếc xe điện thuần túy thì gần đây đã phải kết bạn với nhiều "quái kiệt" chạy xe điện để giật cọc sạc và xếp hàng chờ tính tiền rồi. Giờ đây, mỗi khi đi ngang qua trạm thu phí và thấy rất đông chủ xe xếp hàng dưới nắng nóng đề chờ sạc điện, ông luôn cảm thấy mình thật may mắn.
Một số chủ xe PHEV thậm chí còn sử dụng phương tiện của mình như một chiếc xe chạy bằng nhiên liệu thông thường, luôn đổ xăng và không bao giờ sạc.
Rõ ràng so với xe điện thuần túy, xe Plug-in Hybrid có thể nạp nhiên liệu tự nhiên nên ít phải lo lắng về thời lượng pin hơn một chút. Và đó cũng là điều ông Dương hài lòng nhất lúc này.
Bởi hiện tại, phạm vi di chuyển thực tế của hầu hết các loại xe điện thuần túy chỉ từ 400 đến 500 km, và khi nguồn điện xuống thấp hơn 20%, các chủ xe sẽ bắt đầu tìm kiếm một trạm sạc. Nhưng ngay cả với tính năng sạc nhanh, họ sẽ phải mất ít nhất nửa giờ để sạc pin lên mức 80%, khá tốn thời gian.
Ông Dương cho biết, hầu hết những chiếc xe Plug-in Hybrid với đầy bình xăng và đủ điện thường có phạm vi hoạt động hàng nghìn km. Và dù hết điện, hết xăng thì đi đâu họ cũng dễ dàng tìm thấy một cây xăng để đổ đầy chỉ trong năm phút.
“Trong những lần tự lái xe đường dài trong các dịp nghỉ lễ và cuối tuần, tôi thường chỉ đổ xăng cho xe mà không cần sạc trên đường, điều này rất tốt”, theo quan điểm của ông, một chiếc xe PHEV có thể vừa sạc vừa đổ xăng, vẫn rất thuận tiện mà không phải lo lắng nhiều như xe điện thuần túy.
Tất nhiên, đây chỉ là ý kiến cá nhân của một cá nhân. Hiện tại, thị trường xe năng lượng mới không chỉ ở Trung Quốc mà trên toàn thế giới vẫn chủ yếu là xe chạy điện thuần túy. Theo một số người trong ngành phân tích, số lượng xe thuần điện lớn chủ yếu là do quan niệm cố hữu của người tiêu dùng.
Bởi nhiều chủ xe cho rằng một chiếc xe thuần túy chạy bằng điện chắc chắn sẽ rẻ hơn xe hybrid hoặc PHEV vì phải dùng nhiên liệu. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu điện ở nhiều nơi, sự so sánh này đang dần mờ nhạt.
Plug-in Hybrid đang nổi lên như một hiện tượng trong bối cảnh thị trường xe điện rơi vào tình trạng bị giới hạn bởi hệ thống sạc.
Vậy dòng xe PHEV có thực sự giúp bạn tiết kiệm được tiền bạc và bớt đi sự lo lắng? Theo một số người, ý nghĩa của việc mua một chiếc lai là việc mua một chiếc xe chạy bằng nhiên liệu thông thường kèm giấy phép của xe năng lượng mới, với mức giá chỉ cao hơn một chút so với xe chạy bằng nhiên liệu.
Về công nghệ, Plug-in Hybrid sử dụng một bộ pin tương đối lớn để cung cấp năng lượng cho động cơ điện, kết hợp với một loại nhiên liệu khác, chẳng hạn như xăng hoặc dầu diesel, để cung cấp năng lượng cho động cơ đốt trong. PHEV có thể sạc pin thông qua các thiết bị sạc như cắm điện tại các trạm sạc, từ động cơ đốt trong và phanh tái tạo. Việc sử dụng điện từ lưới điện để chạy xe một phần hoặc toàn bộ thời gian giúp chủ xe giảm chi phí vận hành và lượng nhiên liệu so với các phương tiện thông thường. PHEV cũng có thể tạo ra mức khí thải thấp hơn, tùy thuộc vào nguồn điện và tần suất vận hành xe ở chế độ hoàn toàn bằng điện.
Với sự hỗ trợ của các công nghệ mới, nhiều mẫu xe PHEV nhỏ gọn có thể đạt mức tiêu thụ nhiên liệu 4 lít trên 100km, còn các mẫu SUV PHEV có thể đạt mức tiêu thụ nhiên liệu 5 lít trên 100 km.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chủ xe cứ vô tư nhấn ga là có thể đạt được mức tiêu hao nhiên liệu theo các công bố chính thức ở trên. Bởi nếu thường xuyên chạy tốc độ cao và đi đường dài thì mức tiêu hao nhiên liệu của xe PHEV sẽ không hề thấp. Chỉ trong điều kiện đường đô thị, nơi các chủ xe thường sử dụng điện và trong trạng thái phải dừng, đi liên tục thì nó mới thể hiện khả năng tiết kiệm nhiên liệu của mình.
PHEV là một lựa chọn cân bằng giữa hiệu quả sử dụng và kinh tế.
Nhiều nhà sản xuất cũng đang nhìn vào tiềm năng của PHEV, đầu tư rất nhiều tâm sức vào việc nghiên cứu và phát triển các hệ thống động cơ plug-in hybrid đa tốc độ, nhằm tối ưu hóa điều kiện làm việc tốc độ cao, cũng như hiệu suất hoạt động của động cơ, từ đó giảm mức tiêu thụ nhiên liệu ở tốc độ cao và cải thiện khả năng tiết kiệm nhiên liệu tổng thể.
Nhưng dẫu vậy, xe PHEV dù được điều khiển như thế nào thì cũng sẽ có chi phí vận hành cao hơn rất nhiều so với các mẫu xe thuần điện có thể sử dụng trạm sạc công cộng.
Bù lại, giá xe thuần điện thường cao hơn xe plug-in hybrid cùng cấp. Bởi phần lớn chi phí của các xe thuần điện nằm ở bộ pin. Nên giá của bộ pin xe điện hàng chục kWh chắc chắn sẽ đắt hơn bộ pin vài kWh của xe PHEV. Vì vậy, có thể thấy, dòng xe PHEV là một lựa chọn nằm ở giữa sự cân bằng của hiệu quả sử dụng và kinh tế.
Do những hạn chế về trình độ kỹ thuật, những chiếc xe PHEV đời đầu đều gặp phải những thất bại nghiêm trọng, thiếu công suất và tiêu hao nhiên liệu cao, dẫn đến doanh số bán xe thấp. Từ đó, hầu hết các hãng xe cũng tự nhiên chuyển sang "chuộng" xe điện thuần túy.
Hiện tại, xe điện thuần túy chiếm khoảng 80% thị trường xe năng lượng mới và nhiều người vẫn cho rằng xe điện chính là con đường kỹ thuật “chủ đạo” của các phương tiện năng lượng mới trong tương lai. Tuy nhiên, thời gian đã chứng minh thuần điện chưa chắc đã là con đường duy nhất. Vấn đề trạm sạc cũng như quãng đường di chuyển và các bất tiện phát sinh đã khiến nhiều người dần e ngại với xe điện thuần túy. Chưa kể tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng sạc công cộng vẫn đang thua xa tốc độ phát triển của các phương tiện năng lượng mới.
"Khó khăn trong việc sạc pin khiến nhiều chủ xe bắt đầu hối tiếc khi mua xe điện, và một số người đã bán xe chạy điện thuần túy để mua các dòng xe lai”, một chuyên gia trong ngành xe điện chia sẻ. Vị này cho rằng xu hướng chuyển đổi sẽ sớm được phản ánh qua doanh số bán các mẫu PHEV mới.
Trước nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, nhiều công ty ô tô đã không thể ngồi yên và muốn sớm chiếm lấy thị phần trong thị trường hỗn hợp này, nơi vốn từng không mấy lạc quan và không được đánh giá cao.
Hiện tại, một loạt các hãng xe điện Trung Quốc như BYD, Great Wall, Chery, Geely và Wuling đã tiến hành hoặc đang có kế hoạch tung ra các mẫu PHEV mới. Trong khi đó, các chuyên gia trong ngành vẫn có cái nhìn khác nhau. Một bên tin rằng plug-in hybrid có tiềm năng thị trường rất lớn trong mười năm tới, một bên lại cho rằng nó sẽ sớm bị lỗi thời và bị loại bỏ.
Không thể phủ nhận rằng, các mẫu xe PHEV từng gây tranh cãi chắc chắn sẽ là sản phẩm “chuyển mình” trong quá trình phát triển của các phương tiện sử dụng năng lượng mới. Tuy nhiên, trước khi các phương tiện thuần điện được phổ biến hoàn toàn và vấn đề cọc sạc được giải quyết, PHEV sẽ vẫn còn "quá độ" trong một khoảng thời gian, hoặc thậm chí là "một khoảng thời gian rất dài".