Pháp đặt đơn hàng tàu chạy bằng hydro đầu tiên

10/03/2021

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Jean-Baptiste Djebbari đã khởi động "hệ sinh thái hydro" đầu tiên ở Pháp khi ký đơn đặt hàng mua tàu chạy bằng hydro cho vùng Auxerre.

Pháp đặt đơn hàng tàu chạy bằng hydro đầu tiên

Một tàu chạy bằng hydro do Alstom sản xuất

Dự án bắt đầu với đơn đặt hàng đầu tiên ở Pháp, cho các đoàn tàu chạy bằng hydro với số tiền 51,9 triệu euro. “Chúng tôi đang chuẩn bị các quá trình chuyển đổi trong 20-30 năm tới... Thách thức ở đây là đại chúng hóa việc sản xuất hydro không có carbon”, ông Djebbari tuyên bố khi ký đơn đặt hàng với Alstom để mua 3 đoàn tàu chạy chế độ kép (điện và H2) có khả năng đạt tốc độ tối đa 160 km/giờ với 220 hành khách và phạm vi hoạt động từ 400 đến 600 km.

Bourgogne-Franche-Comté trở thành khu vực đầu tiên ở Pháp đặt hàng mua tàu chạy bằng hydro. Những đoàn tàu này phải trải qua các cuộc thử nghiệm đầu tiên vào năm 2023 và sẽ được đưa vào phục vụ từ một năm đến một năm rưỡi sau đó, tùy thuộc vào khu vực. Ông Djebbari cho biết thêm: "Có rất nhiều tiềm năng cho dự án này. Đến năm 2030, vài trăm chuyến tàu chạy bằng hydro có thể đi qua lãnh thổ của chúng ta".

Ba khu vực khác đã tuyên bố sẵn sàng thử nghiệm tàu hydro: Auvergne-Rhône-Alpes, Grand Est và Occitanie. Tại Bourgogne-Franche-Comté, các chuyến tàu H2 sẽ nối Auxerre với Laroche-Migennes để thay thế các tàu diesel TER. Loại nhiên liệu này vẫn cung cấp 25% năng lượng tiêu thụ cho các đoàn tàu trong khu vực và chịu trách nhiệm cho 75% lượng khí thải CO2.

Jean-Pierre Farandou, Giám đốc điều hành SNCF, cho biết: “Đây là một sự kiện lịch sử, lần đầu tiên chúng tôi chạm tay đến giấc mơ tàu chạy bằng hydro” (vốn đã chạy ở Đức). Ông còn gửi lời chúc mừng đến Henri Poupart-Lagarge, người đồng nhiệm với mình ở Alstom, khi nói rằng: “Pháp đã gia nhập vào đường đua các quốc gia sáng lập tàu chạy bằng hydro”.

Tại Auxerre, song song với sự xuất hiện của tàu hydro cùng việc lắp đặt, từ giờ cho đến cuối năm, một trung tâm sản xuất năng lượng xanh sẽ được xây dựng bởi Hynamics, một công ty con của tập đoàn EDF. Hydro sẽ được sản xuất hoàn toàn từ các nguồn tái tạo.

Cho đến cuối năm 2021, công ty này không chỉ cung cấp tàu hỏa mà còn thêm 5 xe buýt chạy bằng hydro, cuối cùng là các phương tiện tiện ích từ các đội tàu tư nhân và công cộng, các nhà sản xuất thiết bị địa phương và thậm chí cả đường thủy. "Vẫn còn rất nhiều lĩnh vực ứng dụng", Bộ trưởng Du lịch Jean-Baptiste Lemoyne, cũng là ủy viên hội đồng tỉnh Yonne, cho biết.

General Motors xây dựng nhà máy sản xuất pin xe điện thứ 2 tại Mỹ

General Motors xây dựng nhà máy sản xuất pin xe điện thứ 2 tại Mỹ

Gần đây, General Motors (GM), tập đoàn ô tô hàng đầu của Mỹ, đã chuyển hướng sang xe điện. Họ đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất pin thứ hai tại Hoa Kỳ cùng với đối tác LG của Hàn Quốc.

"Trong nửa đầu năm 2021, công ty hy vọng sẽ đưa ra quyết định chính thức về dự án tiềm năng này", người phát ngôn của GM nói với AFP. Công ty do Mary Barra đứng đầu đặt mục tiêu vào năm 2035 sẽ không còn bán ô tô chạy bằng dầu hoặc xăng nữa. Tháng 3/2020, công ty đã giới thiệu loại pin Ultium mà họ dự định sẽ lắp vào dòng xe điện trong tương lai của mình.

Nhà sản xuất xe hơi Mỹ có kế hoạch cung cấp 30 mẫu xe vào năm 2025, thuộc 4 thương hiệu của tập đoàn - Cadillac, GMC, Chevrolet, Buick - và đầu tư tổng cộng 27 tỷ USD vào xe điện và xe tự hành trong 5 năm tới. Hai tập đoàn GM và LG, hợp tác trong liên doanh Ultium Cells, đã bắt đầu xây dựng một nhà máy sản xuất pin ở Lordstown, Ohio với giá 2,3 tỷ USD. Nhà máy này sẽ được hoàn thành vào năm 2022. Theo Wall Street Journal, nếu dự án xây dựng một nhà máy mới thành hiện thực, nó có thể được đặt ở bang Tennessee.

Pin dành cho xe điện là một trong những sản phẩm được Tổng thống Mỹ Joe Biden coi là thiết yếu và ông đã ký một sắc lệnh vào cuối tháng 2/2021 với ý định sàng lọc chuỗi cung ứng pin điện. Cuối cùng, ông Biden muốn giảm bớt sự phụ thuộc của Hoa Kỳ đối với các sản phẩm này từ thế giới bên ngoài.

Mỹ: Navistar hợp tác phát triển xe tải chạy bằng hydro cùng General Motos và OneH2

Mỹ: Navistar hợp tác phát triển xe tải chạy bằng hydro cùng General Motos và OneH2

Nhà sản xuất xe tải Navistar (Mỹ) cho biết họ muốn đẩy mạnh việc sử dụng xe chạy bằng hydro tại Mỹ thông qua hợp tác với tập đoàn ô tô General Motors (GM) và nhà sản xuất trạm nhiên liệu hydro OneH2.

Vào cuối năm 2022, hãng vận tải JBHunt sẽ là nhà thử nghiệm đầu tiên cho xe tải mới. Thông thường, xe có thể đi hơn 800 km với một lần sạc và sạc đầy trong vòng chưa đầy 15 phút.

Các động cơ sẽ chạy bằng pin nhiên liệu hydro do GM thiết kế. Navistar cho biết mức tiêu hao nhiên liệu cho mỗi kilômét sẽ tương đương với mức tiêu hao của động cơ diesel trong một số phân khúc thị trường. Persio Lisboa, chủ tịch của Navistar, không muốn cung cấp chi tiết về thỏa thuận giữa Navistar và GM.

Vào tháng 9/2020, nhà sản xuất ô tô thông báo sẽ hợp tác với công ty thiết kế xe tải chạy bằng điện và hydro Nikola Motors. Nhưng chỉ vài tuần sau đó, trước loạt nghi vấn về tiềm năng phát triển của công ty khởi nghiệp này, GM đã phải hủy hợp tác.

Vào cuối tháng 11/2020, hai công ty đã có một thỏa thuận nhỏ hơn. Trong đó, GM sẽ cung cấp hệ thống pin nhiên liệu hydro cho các xe sơ mi rơ moóc đi chặng đường trung bình và dài do Nikola phát triển.

Về phần OneH2, công ty sẽ cung cấp cho Navistar giải pháp sạc nhiên liệu, bao gồm sản xuất, lưu trữ và phân phối hydro. Chi nhánh xe tải của tập đoàn Volkswagen là Traton sẽ mua lại Navistar vào giữa năm nay. Đồng thời, Navistar cũng đang dự định trở thành cổ đông thiểu số của OneH2.

Theo ông Lisboa, sự hợp tác này sẽ góp phần thiết lập "trạm phân phối hydro cần thiết ban đầu nhằm đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ pin nhiên liệu cho phương tiện thương mại". Đối với Navistar, sự phát triển của xe tải chạy hydro không hề cản trở việc kinh doanh xe tải điện mà còn cung cấp cho khách hàng thêm nhiều lựa chọn trong phân khúc xe sạch.

Dù thị trường xe du lịch chạy bằng hydro vẫn còn sơ khai do thiếu cơ sở hạ tầng sản xuất và phân phối nhiên liệu, nhiều nhà sản xuất vẫn đang kì vọng vào dòng xe tải này. Các tài xế xe tải thường đi tuyến đường định sẵn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc lắp đặt các trạm nạp trước nhà kho hoặc trên lộ trình của họ.

Thương hiệu ô tô Hàn Quốc Hyundai đã giao những chiếc xe tải chạy hydro đầu tiên cho các nhà vận tải Thụy Sĩ vào tháng 10/2029. Còn tập đoàn ô tô Toyota thì đang phát triển một mẫu xe tải chạy hydro cho thị trường Nhật Bản và một xe khác cho thị trường Bắc Mỹ. Mẫu thử nghiệm đầu tiên dự kiến sẽ được công bố vào nửa đầu năm 2021.

Tác giả: Nh. Thạch