
Sportage 2017-2021 nằm trong đợt triệu hồi.
Kia thông báo triệu hồi gần 380.000 xe do sự cố làm tăng nguy cơ cháy động cơ. Hai dòng xe bị ảnh hưởng gồm 372.251 chiếc Sportage 2017-2021 và 7.680 chiếc Cadenza 2017-2019. Cadenza có tên gọi khác là Kia K7 ở một số thị trường.
Theo cục quản lý an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA), một mạch điện trong bộ điều khiển điện tử thủy lực khoang động cơ có thể gặp dòng quá mức, tăng nguy cơ cháy. Các xe thuộc diện triệu hồi không trang bị hệ thống kiểm soát hành trình thông minh của Kia.
Chủ xe có thể nhận biết nguy cơ cháy như đèn cảnh báo phát sáng, ví dụ đèn cảnh báo áp suất lốp, đèn cảnh báo ABS, hoặc đèn cảnh báo đa chức năng... Ngoài ra, chủ xe có thể cảm nhận được mùi khét, hoặc mùi nóng chảy hoặc thậm chí cả khói bốc ra từ khoang động cơ.
Kia cho biết, trong các tài liệu do NHTSA công bố, không có báo cáo về tai nạn hay hỏa hoạn hoặc thương vong nào do sự cố trên. Kia sẽ gửi thông báo đến các chủ phương tiện từ 30/4.
Các đại lý của hãng tiến hành sửa chữa miễn phí, thay thế cầu chì trong hộp điều khiển để khắc phục cho cả hai mẫu xe Sportage và Cadenza, nếu phát sinh chi phí hãng sẽ chi trả.
Mỹ kiện EZ Lynk do bán thiết bị không thể kiểm soát khí thải

Chính phủ Mỹ đã kiện nhà sản xuất linh kiện ô tô EZ Lynk vì đã bán hàng chục nghìn thiết bị bị lỗi khiến chủ phương tiện không thể kiểm soát lượng khí thải. Trong đơn kiện gửi đến tòa án liên bang ở Manhattan, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc EZ Lynk từ năm 2016 đã vi phạm Đạo luật không khí sạch với việc bán Hệ thống EZ Lynk cho chủ các mẫu xe tải của Ford, GMC và Chrysler, cùng các loại xe khác.
Theo tài liệu gửi đến tòa án, EZ Lynk "tích cực khuyến khích" tài xế sử dụng Hệ thống EZ Lynk, thông qua một diễn đàn trực tuyến, nơi các tài xế khen ngợi sản phẩm này và một số đại diện của EZ Lynk thậm chí còn cung cấp hỗ trợ kỹ thuật.
Luật sư Audrey Strauss ở Manhattan cho hay việc kiểm soát khí thải trên các phương tiện nhằm bảo vệ công đồng khỏi tác hại của ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, EZ Lynk đã khiến sức khỏe cộng đồng gặp rủi ro bằng cách sản xuất và bán các thiết bị vô hiệu hóa các biện pháp kiểm soát khí thải.
Chính phủ Mỹ đã tăng cường giám sát lượng khí thải trên các phương tiện sau khi vụ bê bối gian lận khí thải của Volkswagen AG năm 2015. Tính đến nay, nhà sản xuất ô tô Đức này đã phải gánh khoản tiền phạt và chi phí lên tới hơn 30 tỷ USD./.