Ảnh: Đại biểu tham dự TMG13 tại thành phố Busan, Hàn Quốc
Tham dự TMG13 có đại diện của cả 6 thành viên ACS là: Đăng kiểm Indonesia (BKI), Đăng kiểm Trung Quốc (CCS), Đăng kiểm Ấn Độ (IRS), Đăng kiểm Hàn Quốc (KR), Đăng kiểm Nhật Bản (NK) và Đăng kiểm Việt Nam (VR), dưới sự chủ trì của ông Park Joo Sung, Đăng kiểm KR - hiện là Chủ tịch ACS. Thư ký ACS đến từ Văn phòng Hành chính của Hiệp hội (Seoul, Hàn Quốc) và Cán bộ kỹ thuật ACS đến từ Văn phòng Kỹ thuật của Hiệp hội (Shanghai, Trung Quốc) tham dự Hội nghị với vai trò quan sát viên.
Các nội dung chủ yếu đã được trao đổi, thống nhất/ khuyến nghị/ đề xuất tại TMG 13 bao gồm:
Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đã được thống nhất tại khóa họp thứ 12 của TMG (tháng 8 năm 2015) và khóa họp thứ 23 của Ủy ban Điều hành ACS (EC23, tháng 10 năm 2015): về cơ bản kế hoạch đã được thực hiện theo đúng tiến độ, chất lượng bảo đảm. Các công việc quan trọng đã được hoàn thành bao gồm: sửa đổi, bổ sung quy trình làm việc của Hiệp hội; xem xét khía cạnh pháp luật của Hiến chương ACS và quy trình, tiêu chuẩn chấp nhận thành viên mới; cập nhật trang web của Hiệp hội.
Thống nhất đề xuất lên EC kế hoạch hành động và chương trình công tác kỹ thuật của Hiệp hội năm 2016.
Quyết định thành lập nhóm công tác để xây dựng các tiêu chí đánh giá thành viên hiện có của Hiệp hội, bao gồm đại diện của BKI, CCS, IRS, KR và VR.
Thống nhất việc xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật của Hiệp hội phục vụ cho công nghiệp đóng tàu và vận tải biển châu Á.
Thiết lập cơ chế trao đổi thông tin với Hiệp hội Chủ tàu châu Á (ASF) và Hiệp hội Chuyên gia đóng tàu châu Á (ASEF). Đánh giá kết quả hợp tác với ASF và ASEF; đề xuất lên EC việc tham gia các hội nghị trong năm 2016 của ASF, ASEF, Tokyo-MOU, Indian Ocean-MOU.
Xem xét báo cáo công tác của Nhóm công tác An toàn (WG/Safety) và Nhóm công tác Môi trường (WG/Enviroment). Về cơ bản, các nhóm công tác này đã hoàn thành các nhiêm vụ chính, đặc biệt là việc theo dõi và hướng dẫn thực hiện các quy định mới của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia trên thế giới (Hoa Kỳ, Trung Quốc, …) liên quan đến an toàn và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực hàng hải; theo dõi và đề xuất ý kiến liên quan đến việc xây dựng các quy định về an toàn và bảo vệ môi trường của IMO.