Hướng dẫn mới của Tổ chức Lao động quốc tế về sức khỏe và an toàn nghề nghiệp của thuyền viên

10/11/2014

Cuộc họp của các chuyên gia về sức khỏe và an toàn nghề nghiệp hàng hải diễn ra tại trụ sở của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ở Geneva, Thụy Sỹ, từ ngày 13 đến 17/10/2014, đã đề cập đến tất cả các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe và an toàn nghề nghiệp của thuyền viên làm việc trên tàu biển, bao gồm cả các vấn đề như sự lạm dụng ma túy và đồ uống có cồn, bạo lực và sự quấy rối đối với thuyền viên, các bệnh có thể lây truyền trên tàu.

Thừa nhận nhu cầu đặc biệt của thuyền viên làm việc trên tàu biển, cuộc họp đã nhất trí thông qua Hướng dẫn về sức khỏe và an toàn nghề nghiệp (Hướng dẫn OSH) của thuyền viên, nhằm trợ giúp các chính phủ trong việc thực hiện các quy định về sức khỏe và an toàn nghề nghiệp của thuyền viên được nêu trong Công ước Lao động hàng hải năm 2006 (MLC).

Hướng dẫn OSH đã được 102 đại biểu tham dự cuộc họp thảo luận kỹ lưỡng. Các đại biểu tham dự cuộc họp bao gồm nhóm các chuyên gia của các chính phủ, nhóm các chuyên gia của chủ tàu và nhóm các chuyên gia của thuyền viên (mỗi nhóm bao gồm 6 thành viên), các cố vấn và quan sát viên của 42 chính phủ khác, và các quan sát viên đến từ các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ. Hướng dẫn OSH mô tả chi tiết trách nhiệm của các chính phủ, chủ tàu và thuyền viên về thực hành phòng ngừa tai nạn và bệnh tật trên tàu, thực hiện và huấn luyện về cách đáp ứng các tình huống khẩn nguy và tai nạn xảy ra.

Với mục đích cung cấp các thông tin thực tiễn bổ sung cần được quy định trong pháp luật quốc gia và các văn kiện liên quan khác, Hướng dẫn OSH tập trung vào vấn đề môi trường làm việc hàng hải đặc thù. Trong đó bao gồm các điều kiện làm việc khắt khe về mặt vật lý, các công việc với rủi ro tiềm tàng, sự đơn độc trong công việc, thời giờ làm việc kéo dài, bộ máy tổ chức làm việc cứng nhắc trên tàu, mức độ mệt mỏi và stress cao xảy ra đối với thuyền viên.

Phó Chủ tịch nhóm các chuyên gia của các chính phủ, ông Tim Springett nói: “Chúng tôi rất hài lòng với kết quả làm việc của nhóm chuyên gia. Chúng tôi tin tưởng vào việc tăng cường sự tuân thủ Công ước MLC và Hướng dẫn mới mà chúng tôi đã nhất trí sẽ đóng góp hiệu quả cho vấn đề này.”

Bày tỏ sự nhất trí cao với kết quả của cuộc họp, ông Patrice Caron, Phó Chủ tịch Hiệp hội thuyền viên quốc tế Canada nhất mạnh: “Sẽ có rất nhiều thách thức trong thực hiện các quy định về sức khỏe và an toàn nghề nghiệp của ngành hàng hải. Hướng dẫn này cung cấp các hỗ trợ cần thiết cho việc thực hiện đó. Giảm thiểu rủi ro là sự quan tâm cơ bản đối với các thuyền viên và cho những người khác làm việc trên tàu biển.”

Thay mặt cho nhóm các chính phủ tham dự cuộc họp, bà Julie Carlton, Trưởng bộ phận an toàn và sức khỏe thuyền viên của Cơ quan an toàn hàng hải và bảo vệ bờ biển Vương quốc Anh phát biểu: “Chúng tôi bày tỏ sự vui mừng đối với việc thông qua Hướng dẫn này cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện nội dung rất quan trọng của Công ước MLC. Văn kiện hướng dẫn cuối cùng có tính linh hoạt cao, không làm tổn hại đến các tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn nghề nghiệp để bảo vệ thuyền viên, và sẽ là nguồn hữu ích cho những người thực hiện việc xây dựng hoặc rà soát các thể chế về sức khỏe và an toàn nghề nghiệp phù hợp với Công ước MLC.”

Từ khi được thành lập năm 1919 cho đến nay, ILO đã thông qua hơn 40 công ước và đã xây dựng rất nhiều các văn kiện, bộ luật, hướng dẫn liên quan đến sức khỏe và an toàn nghề nghiệp đối với người lao động trong các ngành nghề khác nhau. Một số công ước và bộ luật đưa ra quy định cụ thể cho nghề đi biển, ví dụ như Bộ luật thực hành của ILO về ngăn ngừa tai nạn trên tàu khi đi biển và ở tại cảng. Các quy định về sức khỏe và an toàn nghề nghiệp đối với thuyền viên cũng được quy định tại nhiều văn kiện của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).

Công ước MLC được ILO thông qua ngày 23 tháng 02 năm 2006 và có hiệu lực từ ngày 20 tháng 8 năm 2013. Quy định 4.3 của Công ước đưa ra các yêu cầu về bảo vệ sức khỏe, an toàn và phòng ngừa tai nạn đối với thuyền viên “để đảm bảo rằng môi trường làm việc trên tàu biển của thuyền viên tăng cường sức khỏe và an toàn nghề nghiệp.”

ILO ước tính trên toàn cầu mỗi ngày có 6.300 người chết do tai nạn nghề nghiệp hoặc bệnh tật liên qua đến công việc, và con số tổng cộng cho một năm là 2,3 triệu người.

Trong tài liệu kết thúc cuộc họp, các chuyên gia khẳng định các biện pháp về sức khỏe và an toàn nghề nghiệp “không được xem là chi phí kinh tế mà là khoản đầu tư để cải tiến liên tục sức khỏe và an toàn của thuyền viên.”

Tác giả: Nguyễn Vũ Hải - VR