Hội thảo kỹ thuật lần thứ 5 của Hiệp hội các tổ chức đăng kiểm tàu thủy châu Á

04/08/2016

Hội thảo kỹ thuật lần thứ 5 (năm 2016) về đóng tàu và vận tải biển của Hiệp hội các tổ chức đăng kiểm tàu thủy châu Á (ACS) vừa được tổ chức tại Jakarta - Indonesia ngày 02/8/2016.

Đây là là hoạt động thường niên của ACS nhằm cung cấp cho cộng đồng hàng hải và công nghiệp dầu khí biển châu Á các thông tin cập nhật liên quan đến các quy định về an toàn, an ninh, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của các định chế quốc tế và khu vực như Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Liên hiệp châu Âu (EU), các tổ chức hợp tác kiểm tra của các chính quyền cảng khu vực (MOU), … cũng như kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển quy phạm, hướng dẫn thực hiện các điều ước quốc tế của các thành viên ACS.


Ảnh: Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

ACS chính thức thành lập năm 2010 với 5 thành viên sáng lập là: Đăng kiểm Indonesia (BKI), Đăng kiểm Trung Quốc (CCS), Đăng kiểm Ấn Độ (IRS), Đăng kiểm Hàn Quốc (KR), Đăng kiểm Nhật Bản (NK) và Đăng kiểm Việt Nam (VR). Mục đích của Hiệp hội nhằm nâng cao an toàn vận tải biển và bảo vệ môi trường biển; cải tiến năng lực của các tổ chức đăng kiểm thành viên và đẩy mạnh sự đóng góp của từng thành viên đối với cộng đồng quốc tế; thúc đẩy sự hợp tác kỹ thuật và tăng cường mối quan hệ giữa các thành viên cộng đồng hàng hải châu Á.

Tham dự Hội thảo kỹ thuật ACS lần thứ 5 có gần 200 đại biểu, bao gồm: đại diện 5 tổ chức đăng kiểm thành viên Hiệp hội; các công ty vận tải biển, nhà máy đóng tàu, viện nghiên cứu, trường đại học, công nghiệp dầu khí biển, hiệp hội vận tải biển,… đến từ Indonesia, Singapore, Hồng Kông. Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu châu Á (ASA), Trưởng ban Kỹ thuật Liên đoàn Chuyên gia đóng tàu (ASEF) tham dự Hội thảo. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước Indonesia, có Chủ tịch Ủy ban Chính sách công - Bộ Giao thông vận tải và Đại diện Tổng Cục vận tải biển Indonesia tham dự Hội thảo.


Ảnh: Ông Nguyễn Vũ Hải – Phó Cục trưởng VR (ngoài cùng bên phải qua) trao đổi tại Hội thảo

Các nội dung kỹ thuật được giới thiệu và trao đổi tại Hội thảo bao gồm:

1. Khuynh hướng và chiến lược công nghiệp hàng hải châu Á: Các thách thức kỹ thuật đối với tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng cỡ nhỏ (do Đăng kiểm NK trình bày); Giảm thiểu rủi ro tàu bị lưu giữ PSC do các khiếm khuyết liên quan đến việc thực hiện Công ước Lao động hàng hải (do ông Phạm Thanh Trường thay mặt VR trình bày); Khuynh hướng phát triển vận tải biển quốc tế (do Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu châu Á trình bày).

2. Phát triển quy phạm phân cấp tàu thủy và các quy định hàng hải: Phát triển các quy định quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (do Đăng kiểm KR trình bày); Phát triển quy phạm kết cấu thân tàu hoạt động biển nội địa (do Đăng kiểm BKI trình bày); Phát triển Tiêu chuẩn ISO về chấn động tàu thủy (do Trưởng ban Kỹ thuật Liên đoàn Chuyên gia đóng tàu ASEF) trình bày. Nội dung này được thực hiện dưới sự điều thành của ông Nguyễn Vũ Hải thay mặt Đăng kiểm VR.


Ảnh: Ông Phạm Thanh Trường thay mặt VR trình bày tại Hội thảo

3. Phát triển công nghệ tàu xanh: Các vấn đề kỹ thuật liên quan đến hiệu quả năng lượng tàu thủy (do Đăng kiểm IRS trình bày); Lưu ý trong việc cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng cho tàu làm thủy làm nhiên liệu (do Đăng kiểm CCS trình bày).

Các nội dung trình bày tại Hội thảo mang tính thiết thực, nhận được sự quan tâm rất nhiều của đại biểu tham dự, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến ngăn ngừa ô nhiễm không khí và hiệu quả năng lượng tàu thủy, sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng làm nhiên liệu tàu thủy, các biện pháp làm giảm tàu lưu giữu PSC do các khiếm khuyết liên quan đến việc thực hiện Công ước Lao động hàng hải. Hội thảo được đánh giá là thành công tốt đẹp và các thành viên VR đã có những đóng góp tích cực vào thành công này./.

Tác giả: Vũ Hải, VR