
Chevy Bolt EUV là mẫu xe điện mới của GM chuẩn bị được ra mắt.
Nằm trong định hướng cắt giảm lượng khí thải ô nhiễm, các nhà sản xuất ôtô đang lên kế hoạch phát triển những dòng xe sử dụng năng lượng sạch và trung hòa carbon (carbon neutral).
Sau khi công bố logo mới với thông điệp tập trung vào xe điện (EV) và các phương tiện thông minh, General Motors (GM) vừa công bố kế hoạch “xanh hóa” các sản phẩm của mình.
Cụ thể, GM dự kiến các mẫu xe du lịch và xe thương mại hạng nhẹ của mình sẽ không phát thải ô nhiễm kể từ năm 2035. Để làm được điều này, GM cho biết xe điện sẽ chiếm 40% dải sản phẩm tại Mỹ vào năm 2025. Tính trên toàn cầu, sẽ có 30 dòng xe điện của GM được bán ra trong vòng 5 năm tới.
Song song đó, GM đang hợp tác với EVgo để xây dựng hơn 2.700 trạm sạc nhanh sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo. Đồng thời, các văn phòng, cơ sở nghiên cứu và sản xuất của GM cũng sẽ được vận hành bằng năng lượng tái tạo vào năm 2030 tại Mỹ và năm 2035 trên toàn cầu.
Đại diện tập đoàn ôtô Mỹ cho biết đây là các bước quan trọng trong lộ trình trung hòa carbon của GM vào năm 2040. Tuy vậy, việc GM chỉ nhắc đến ôtô và xe thương mại hạng nhẹ trong thông cáo để ngỏ khả năng các dòng bán tải cỡ lớn có thể vẫn được trang bị động cơ đốt trong sau năm 2035.

Mẫu concept xe điện Nissan Ariya.
Cùng với GM, Nissan cũng vừa chia sẻ kế hoạch cắt giảm ô nhiễm của mình, bao gồm 2 mốc thời gian chính. Đầu tiên, hãng ôtô Nhật Bản sẽ “điện hóa” tất cả model mới ra mắt trong thập niên 2030. Tiếp theo, Nissan muốn đạt ngưỡng trung hòa carbon trong mọi hoạt động nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh vào năm 2050.
Tuy nhiên, lộ trình "điện hóa" của Nissan thực tế chỉ được tiến hành đối với các thị trường chính, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó, kế hoạch này chỉ áp dụng với những mẫu xe hoàn toàn mới.
CEO Nissan, Makoto Uchida, nói rằng mảng xe điện sẽ tiếp tục được mở rộng trên thị trường toàn cầu và điều này sẽ đóng vai trò quan trọng vào kế hoạch trung hòa carbon của hãng xe Nhật Bản. Hiện tại, Nissan đang là một trong số những hãng ôtô dẫn đầu về doanh số xe điện trên toàn cầu. Tính từ năm 2010, mẫu xe điện Nissan Leaf đã bán được hơn 500.000 chiếc.
Những chất thải khiến ôtô điện không sạch như quảng cáo

Một chiếc xe điện đang sạc.
Những hạt tạo ra trong quá trình lăn bánh của xe điện ô nhiễm hơn so với những gì tạo ra của xe xăng tương tự. Nhiều người cho rằng xe thuần điện, không có ống xả, hẳn sẽ ít gây ô nhiễm không khí hơn so với xe chạy xăng và dầu diesel. Một nghiên cứu gây tranh cãi năm 2016 cho biết ô nhiễm dạng hạt từ ôtô điện có thể còn tồi tệ hơn. Do trọng lượng của pin, ôtô điện nặng hơn khoảng 200 – 300 kg so với các ôtô có kích thước tương tự sử dụng nhiên liệu làm từ dầu. Nặng hơn đồng nghĩa với ô nhiễm hạt nhiều hơn từ sự hao mòn phanh, lốp và mặt đường.
Một phân tích mới của Đại học Birmingham (Anh), gợi ý rằng phanh tái sinh, dùng động cơ điện làm giảm tốc độ của ôtô, sẽ khiến xe điện ít gây ô nhiễm hơn ở các khu vực thành thị. Nghiên cứu ở Los Angeles cho thấy thời gian phanh trên ôtô điện được sử dụng chỉ bằng 1/8 lần so với phanh trên xe chạy nhiên liệu hoá thạch. Tuy nhiên, trọng lượng trội hơn của xe điện đồng nghĩa với việc chúng có xu hướng thải ra nhiều ô nhiễm dạng hạt hơn trên đường cao tốc.
Dù vâỵ, không riêng xe điện có vấn đề về trọng lượng. Mặc dù các vật liệu mới đã bước đầu được đưa vào sử dụng, nhu cầu marketing định hướng thị trường cho nhiều loại linh phụ kiện hơn và gia tăng doanh số xe SUV khiến "đội quân" xe chạy xăng và dầu diesel tương lai sẽ càng nặng hơn và đồng thời cũng gây ra nhiều ô nhiễm từ sự hao mòn phanh, lốp và mặt đường hơn. Vì các nguyên nhân này, ôtô của chúng ta cần có chế độ giảm cân đặc biệt.