Đầu tuần này, General Motors cho biết hãng sẽ tạm dừng sản xuất tại các nhà máy lắp ráp xe bán tải ở TP Silao, bang Guanajuato, Mexico và TP Bowling Green, bang Kentucky, Mỹ do nguồn cung thiếu hụt.
Việc tạm dừng sản xuất của nhà máy ở Mexico sẽ kéo dài khoảng một tuần với lý do thiếu chip bán dẫn. Trong khi đó, nhà máy ở Mỹ, nơi mẫu Corvette đang được sản xuất đang bị tạm dừng cho đến ngày 6/9, nhưng nguyên nhân không tương tự nhà máy ở Mexico.
“Chúng tôi đang tích cực làm việc với các nhà cung cấp để giải quyết các vấn đề phát sinh nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chúng tôi hy vọng nhà máy tại TP Silao và TP Bowling Green sẽ tiếp tục sản xuất vào ngày 5/9 và 6/9 tới", David Barnas, người phát ngôn của General Motors cho biết.
Sự thiếu hụt nguồn cung đã ảnh hưởng đến hầu hết nhà sản xuất ôtô trong vài năm qua, đặc biệt là những nhà máy đặt tại Trung Quốc, nơi làn sóng của đại dịch Covid-19 và nắng nóng kéo dài đã khiến việc sản xuất ngừng hoạt động.
Ở châu Âu, vấn đề này đã khiến Stellantis phải đóng cửa nhà máy sản xuất ở Pháp và Tây Ban Nha, và thậm chí tại nhà máy ở tỉnh Ontario, Canada. Tuy nhiên theo David Barnas, General Motors đã hoạt động tương đối suôn sẻ cả năm qua.
“Sản lượng sản xuất của hãng ở Bắc Mỹ tương đối mạnh và ổn định kể từ quý III năm ngoái. Tuy nhiên, sự gián đoạn chuỗi cung ứng ngắn hạn liên tục xảy ra, khiến chúng tôi phải thực hiện những điều chỉnh trong việc sản xuất", ông cho biết thêm.
Mặc dù vậy, General Motors cho biết đang có tới 95.000 chiếc xe bán tải cao cấp đang sẵn có trong kho của hãng, chỉ cần lắp ráp xong chip bán dẫn là có thể bàn giao cho khách hàng. Paul Jacobson, giám đốc tài chính của hãng xe Mỹ cũng cho biết những bài học kinh nghiệm trong thời gian này sẽ giúp ích cho hãng về lâu dài, bao gồm việc quản lý chuỗi cung ứng tốt hơn.
Chất lượng xe Tesla bị nhiều người dùng tại Na Uy đánh giá thấp
Na Uy là quốc gia tiên phong trong việc thúc đẩy xe điện. Doanh số những mẫu xe điện bán ra tại đây đều chiếm 80-90% tổng doanh số hàng tháng và được xem là "miền đất hứa" cho những hãng đang phát triển xe điện.
Mặc dù là hãng xe điện giá trị nhất hiện nay, Tesla đang vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của người dùng tại đây. Nhiều người dùng cho rằng những chiếc Tesla của họ không khởi động được và không mở được cửa trong thời tiết lạnh, thậm chí là nếu thời tiết nắng nóng xe cũng không đề máy được.
Ngoài ra còn có các vấn đề khác như bọt khí trên ghế ngồi, nắp cốp đọng hơi nước, những vết ố vàng xung quanh màn hình hiển thị trung tâm, tuổi thọ của hệ thống pin thấp hơn thông số của nhà sản xuất và các trạm sạc mới không khả dụng với các mẫu xe cũ, mặc dù Tesla hứa sẽ miễn phí sạc trọn đời.
Các chủ sở hữu cũng phàn nàn về cách hãng xe Mỹ xử lý các vấn đề trên. Họ cho rằng một số vấn đề của khách hàng không được giải quyết triệt để tại các trung tâm dịch vụ của Tesla, thậm chí phải đợi phản hồi trong một khoảng thời gian dài.
Không chỉ dừng lại tại Na Uy, chất lượng xe Tesla cũng bị phàn nàn ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm việc kính xe bị vỡ không rõ lý do, những vết nứt trên các bộ phận chỉ được sơn che lại và cản xe có khả năng rơi xuống khi di chuyển dưới trời mưa.
“Tôi hy vọng Tesla sẽ lắng nghe những lời phàn nàn này. Điều này sẽ giúp hãng xe Mỹ đứng vững ở vị trí hiện tại, vốn được đánh giá hoàn hảo để thống trị thị trường xe điện. Nhưng nếu quá nhiều người gặp phải những rắc rối trên, các nhà sản xuất xe hơi khác sẽ sẵn sàng thế chỗ", Erlend Mørch, một người dùng cho biết.