Trước tình hình đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động của ngành hàng hải và vận tải biển, đặc biệt là các thuyền viên do đặc thù công việc mang tính chất quốc tế - những người có khả năng nhiễm Covid-19 cao nhất và lây lan dịch bệnh lớn nhất khi bị nhiễm Covid-19, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Phó Tổng Thư ký Ban Thư ký IMO Việt Nam đã có Thư gửi IMO về sáng kiến tạo điều kiện thuận lợi và an toàn tuyệt đối cho thuyền viên trước tình hình đại dịch Covid-19.
Trong thư, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam nêu rõ trước diễn biến phức tạp của đại dịch như hiện nay, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thuyền viên, người lao động hàng hải, công nhân chủ chốt quốc gia, duy trì tính liên tục của chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đề nghị Tổng Thư ký IMO một số các đề xuất. Cụ thể, Chính phủ các nước thành viên nên có chính sách đưa thuyền viên và nhân sự hàng hải của quốc gia mình vào danh sách ưu tiên được tiêm vắc-xin Covid 19 đầy đủ. Chính phủ các nước thành viên nên có chính sách dành cho tất cả các thuyền viên và nhân sự hàng hải nước ngoài trên bất kỳ tàu thuyền nào cập cảng khu vực quản lý của các quốc gia đó, mà chưa được tiêm vắc xin Covid 19 đầy đủ, được ưu tiên tiêm vắc xin Covid 19 đầy đủ tại thời điểm tàu thuyền cập cảng.
“Chúng tôi hy vọng rằng Tổng thư ký sẽ thông qua các đề xuất của chúng tôi và xây dựng quy định dựa trên các đề xuất nói trên, và thông báo tới các quốc gia thành viên để thực hiện”, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang đề nghị.
Đồng thuận với đề xuất nêu trên, Tổng Thư ký IMO Kitack Lim đã có Thư trả lời, đề nghị ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Phó Tổng Thư ký thường trực Ban Thư ký IMO Việt Nam đưa đề xuất trên ra thảo luận chi tiết tại phiên họp thứ 103 của Ủy ban An toàn hàng hải thuộc IMO sắp tới, dự kiến vào ngày 05/5/2021.
Tổng thư ký Kitack Lim cho biết “Tôi nhận thấy rằng việc tiêm phòng cho thuyền viên, cũng như việc chỉ định thuyền viên là nhân lực chủ chốt, là hai hành động cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thay đổi thuyền viên và do đó, tôi đề cao sự cấp thiết của các Chính phủ và các tổ chức Liên hợp quốc phải có phản ứng cấp thiết đối với những vấn đề này. Tất nhiên tôi cũng nhận thức được những thách thức liên quan đến việc tiêm phòng cho thuyền viên, do khả năng tiếp cận vắc xin COVID-19 của nhiều quốc gia còn hạn chế và vấn đề hậu cần trong việc tiêm vắc xin cho những thuyền viên xa quê hương thời gian dài”
Do đó, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đang phối hợp với các cơ quan liên quan của Liên hợp quốc, như ILO, ICAO và WHO, kêu gọi các Chính phủ ưu tiên các thuyền viên của quốc gia mình trong chương trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển an toàn qua biên giới, đồng thời xác định và chuẩn bị cho những thách thức của việc tiêm phòng cho những thuyền viên xa quê hương trong thời gian dài. Một tuyên bố chung đang được xây dựng bởi các cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc và dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian sắp tới.
Bên cạnh đó, IMO cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thảo luận với các Quốc gia thành viên, đại diện của ngành hàng hải, các cơ quan của Liên hợp quốc và các bên liên quan khác để thảo luận về chiến lược phối hợp tiêm chủng.