Tuyên bố chung WHO, IMO và ILO về giấy chứng nhận sức khỏe thuyền viên, vệ sinh tàu và chăm sóc y tế thuyền viên trong đại dịch COVID-19

27/04/2020

Tuyên bố chung kêu gọi các Chính phủ tạo điều thuận lợi cho giao thương đường biển và cho phép các thuyền viên được di chuyển trong đại dịch virus corona, đồng thời bảo vệ an toàn những người đi biển để đảm bảo họ có thể tiếp tục vận chuyển các hàng hàng hóa thiết yếu, bao gồm cả vật tư y tế và thực phẩm cho thế giới.


Đại dịch COVID-19 đang có những tác động hết sức nặng nề đối với ngành hàng hải toàn cầu, đặc biệt là đội ngũ thuyền viên làm việc trên các tàu biển. Ngày 22/4/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã ra tuyên bố chung về giấy chứng nhận sức khỏe thuyền viên, giấy chứng nhận vệ sinh tàu và chăm sóc y tế đối với thuyền viên trong bối cảnh đại dịch COVID-19 (truy cập nguyên bản tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt tại liên kết: http://www.vr.org.vn/Pages/thong-bao.aspx?ItemID=1165).

Tuyên bố chung kêu gọi các Chính phủ tạo điều thuận lợi cho giao thương đường biển và cho phép các thuyền viên được di chuyển trong đại dịch virus corona, đồng thời bảo vệ an toàn những người đi biển để đảm bảo họ có thể tiếp tục vận chuyển các hàng hàng hóa thiết yếu, bao gồm cả vật tư y tế và thực phẩm cho thế giới.

Hơn hai phần ba các quốc gia toàn cầu đang thực hiện các hạn chế đối với giao thông quốc tế, bao gồm cả việc đình chỉ các chuyến bay và đóng cửa cảng. Điều này có tác động đáng kể đến thương mại toàn cầu với 90% hàng hóa được vận chuyển bằng tàu biển. WHO đã khuyến cáo các quốc gia, việc đưa ra các hạn chế đối với giao thông quốc tế nên dựa trên bằng chứng và tương xứng với mức độ rủi ro của mỗi quốc gia. WHO đang hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia, chính phủ và các đối tác  toàn cầu để nhanh chóng mở rộng kiến thức khoa học về loại virus mới này, để theo dõi sự lây lan và độc lực của virus, đưa ra khuyến nghị cho các quốc gia và cộng đồng toàn cầu về các biện pháp bảo vệ sức khỏe, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh mà không tạo ra sự can thiệp không cần thiết với giao thông quốc tế.

"Trong bối cảnh này, chúng tôi khuyến khích các Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của tàu, bao gồm cả việc cho tàu vào cảng, thay đổi thuyền viên, kiểm tra tàu và cấp giấy chứng nhận vệ sinh cho tàu trong đại dịch COVID-19. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các Chính phủ đảm bảo rằng thông tin liên quan đến việc đình chỉ các dịch vụ cảng và các biện pháp khác được đưa ra để đối phó với COVID-19 được phổ biến nhanh chóng, hiệu quả đến ngành vận tải biển quốc tế và tất cả các bên liên quan", Tuyên bố chung  của WHO, IMO và ILO nhấn mạnh.

Chăm sóc y tế đối với thuyền viên

310320.3.jpg

Công ước Lao động hàng hải năm 2006 (MLC) quy định, mọi thuyền viên đều có quyền có nơi làm việc an toàn và an ninh trên tàu tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và bảo vệ sức khỏe, chăm sóc y tế, các biện pháp phúc lợi và các hình thức bảo vệ xã hội khác. Tất cả thuyền viên phải được bảo vệ bằng các biện pháp thích hợp để đảm bảo sức khỏe của họ, và họ phải được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế nhanh chóng, đầy đủ trong khi làm việc trên tàu. Các quốc gia có cảng phải đảm bảo, những người đi biển trên tàu trong lãnh thổ của họ khi cần được chăm sóc y tế, ngay lập tức được tiếp cận với các cơ sở y tế trên bờ.

ILO, sau khi tham khảo ý kiến với các Chính phủ, chủ tàu và thuyền viên, đang cung cấp thông tin để hỗ trợ các Chính phủ và các chủ thể có liên quan khác thực hiện các hành động nhất quán về chăm sóc y tế cho thuyền viên trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay.

Giấy chứng nhận sức khỏe thuyền viên

Chứng nhận sức khỏe thuyền viên được quy định bởi Công ước Quốc tế về tiêu chuẩn đào tạo, chứng nhận và trực ca của thuyền viên  năm 1978  (STCW) và Công ước MLC. Theo cả hai điều ước quốc tế này, giấy chứng nhận sức khỏe thuyền viên có giá trị tối đa là hai năm. Nếu giấy chứng nhận sức khỏe hết hạn trong hành trình của tàu, thì giấy này sẽ tiếp tục có hiệu lực cho đến khi tàu ghé vào cảng tiếp theo, nơi có bác sỹ khám sức khỏe được bên tham gia công ước công nhận, với điều kiện là thời gian bổ sung đó không được quá ba tháng.

Trong tình huống hiện tại, việc cấp mới giấy chứng nhận sức khỏe thuyền viên có thể không thực hiện được. Tuyên bố chung kêu gọi việc miễn trừ hạn chế quốc gia đối với sự di chuyển của các bác sĩ chịu trách nhiệm kiểm tra sức khỏe cho thuyền viên. Các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia có cảng được khuyến khích tiếp tục thực hiện cách tiếp cận thực tế và thực dụng liên quan đến việc chấp nhận các giấy chứng nhận sức khỏe hiện có của thuyền viên.

Giấy chứng nhận vệ sinh tàu

Tàu phải có giấy chứng nhận kiểm soát vệ sinh tàu hoặc giấy chứng nhận miễn kiểm soát vệ sinh tàu theo Quy định Sức khỏe quốc tế năm 2005 (IHR). Các giấy chứng nhận này có giá trị trong thời gian tối đa sáu tháng và có thể được kéo dài thêm một tháng nếu các biện pháp kiểm tra hoặc kiểm soát cần thiết không thể thực hiện được tại cảng.

Tuyên bố chung khuyến khích các quốc gia thực hiện việc gia hạn đặc biệt các giấy chứng nhận này; đồng thời miễn các hạn chế di chuyển quốc gia cho các thanh tra viên để họ có thể thực hiện kiểm tra tàu và các biện pháp kiểm soát sức khỏe cũng như các biện pháp bảo vệ thích hợp chống lại COVID-19 được thực hiện trên tàu./.


Tác giả: N.H