Thuyền viên cứu nạn hàng hải đang là một trong những lực lượng tuyến đầu có nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 cao trong quá trình làm nhiệm vụ
Thường trực nguy cơ lây nhiễm sau mỗi vụ cứu nạn
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Việt Hùng, Phó TGĐ Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam (Vietnam MRRC) cho biết, đơn vị này đang đề xuất cơ quan chức năng kiến nghị Chính phủ đưa thuyền viên cứu nạn vào danh sách đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 những đợt đầu tiên.
“Theo thống kê, từ thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng ra các quốc gia trên toàn thế giới đến nay (tháng 2/2020 - 2/2021), Vietnam MRRC đã xử lý xử lý 14 vụ việc tìm kiếm cứu nạn liên quan đến tàu nước ngoài, cứu và hỗ trợ 25 thuyền viên nước ngoài.”
Theo ông Hùng, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát, song, hoạt động cứu nạn trên biển vẫn phải duy trì 24/24. Bất cứ thời điểm nào nhận được tin báo nạn và lệnh điều động, thuyền viên tàu cứu nạn đều lên đường làm nhiệm vụ.
“Trong bối cảnh đó, Vietnam MRRC đã chủ động xây dựng quy trình tiếp cận cứu nạn thuyền viên, đặc biệt là thuyền viên nước ngoài, yêu cầu lực lượng trên tàu cứu nạn chuyên dụng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ y tế.
Trước khi đưa thuyền viên về bờ, Vietnam MRRC cũng thông báo cho cơ quan y tế của địa phương, trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế đưa phương tiện chuyên dụng đón thuyền viên được cứu, triển khai khử trùng tàu, xét nghiệm nạn nhân, khoanh vùng cho thuyền viên không được ra ngoài để đảm bảo hiệu quả kiểm soát dịch”, ông Hùng thông tin.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, trong những thời điểm dịch diễn biến phức tạp, công tác bố trí lực lượng chốt trực TKCN vẫn gặp phải những khó khăn nhất định.
Đơn cử, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát đợt 2, Đà Nẵng thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố, thay vì cho tàu cứu nạn trực tại bờ, Vietnam MRRC phải bố trí lực lượng trực ở ngoài biển; Đồng thời, chia lực lượng thuyền viên làm hai nhóm thay phiên nhau làm việc, phòng sự cố nhóm trực này không may nhiễm dịch sẽ có nhóm khác thay thế.
“Lo lắng nhất vẫn là những vụ cứu nạn phương tiện có yếu tố nước ngoài. Nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực với thuyền viên cứu nạn hàng hải bởi họ không thể lường trước được, người mình đang ứng cứu và những người liên quan trên tàu đi từ đâu đến, mức độ lây nhiễm dịch bệnh ra sao.
Điển hình, là vụ tàu hàng Singapore tới vùng biển Việt Nam có 5 thuyền viên dương tính với Covid-19 mới đây (20/2). Giả sử, khi có thuyền viên gặp sự cố, họ yêu cầu sự trợ giúp, Vietnam MRRC vẫn phải tuân thủ theo các công ước quốc tế liên quan, điều động lực lượng hỗ trợ.
Đồng nghĩa, nguy cơ lây nhiễm đối với thuyền viên cứu nạn khi tiếp cận phương tiện này sẽ xuất hiện. Một bộ phận thuyền viên tàu cứu nạn sẽ phải cách ly theo dõi, lực lượng phục vụ cứu nạn sẽ bị giảm đi”, ông Hùng nói.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo Vietnam MRRC đề xuất Chính phủ, cơ quan chức năng quan tâm, đưa thuyền viên cứu nạn là đối tượng được ưu tiên tiêm phòng trong những lô vắc xin đầu tiên về Việt Nam để duy trì hiệu quả hoạt động TKCN, giữ vững sự hiện diện của lực lượng cứu nạn hàng hải trên vùng biển chủ quyền Việt Nam.
Các hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng, việc ưu tiên tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 cho thuyền viên sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc thay thế thuyền viên trong mùa dịch, duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa bằng đường biển, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển - Ảnh minh họa
Ưu tiên thuyền viên, duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa bằng đường biển
Không chỉ riêng thuyền viên cứu nạn, các doanh nghiệp, hiệp hội vận tải biển cũng đồng loạt kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cấp “hộ chiếu vắc xin” cho thuyền viên hoạt động trên những con tàu vận chuyển hàng hóa.
Trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cho biết, hiện tại, dù đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn thế giới, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế nhưng hàng vạn thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tàu treo cờ Việt Nam chạy các tuyến trong, ngoài nước cùng hàng nghìn thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tàu nước ngoài vẫn đang tiếp tục khắc phục khó khăn, vận hành tàu biển, duy trì sự lưu thông của hàng hóa.
Đối với hoạt động hàng hải, việc định kỳ thay đổi thuyền viên theo hợp đồng lao động được ký kết là một yêu cầu khách quan phải thực hiện thường xuyên, liên tục.
Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 làm hạn chế trong vận chuyển hàng không, đặc biệt là do các quy định nghiêm ngặt về kiểm dịch y tế của các quốc gia nên việc thay thế thuyền viên, nhất là ở nước ngoài bị gặp khó khăn. Nhiều thuyền viên không được thay thế đúng thời hạn hợp đồng. Thời gian làm việc trên tàu vốn đã vất vả lại bị kéo dài quá mức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần.
Trước những khó khăn đó, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam kiến nghị Thủ tướng xem xét và chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước đưa thuyền viên Việt Nam - một trong những đối tượng lao động đặc thù đã quy định trong Bộ luật Lao động vào danh sách ưu tiên tiêm chủng vắc xin phòng ngừa Covid-19 nhằm giúp hoạt động thay thế thuyền viên và kinh doanh vận tải biển diễn ra trôi chảy, góp phần vào khôi phục và ồn định nền kinh tế của đất nước.
Đồng quan điểm với các hiệp hội và doanh nghiệp, theo đại diện Cục Hàng hải VN, đặc thù của nghề thuyền viên là phải cập cảng biển tại nhiều quốc gia, tiếp xúc với nhiều đối tượng (hoa tiêu, công nhân tại cảng biển…), thường xuyên đi máy bay sang nước ngoài để thay thế nên nguy cơ lây nhiễm rất cao.
“Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 vừa được Chính phủ mới ban hành đã đề cập đến đối tượng người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài. Thuyền viên tàu biển dù không là đối tượng được nêu trực tiếp nhưng có thể được xếp vào nhóm trên vì cũng được cấp giấy xuất khẩu lao động nước ngoài.
Vì vậy, trong danh mục chi tiết các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine, cơ quan có thẩm quyền cần quy định cụ thể thuyền viên làm việc trên tàu biển/đi tàu biển nước ngoài là đối tượng được ưu tiên”, đại diện Cục Hàng hải VN nói.