Ảnh: Minh họa
Tiêu chuẩn A2.5.2 - An ninh tài chính
Tiêu chuẩn này yêu cầu phải có hệ thống an ninh tài chính để trợ giúp thuyền viên trong trường hợp thuyền viên bị bỏ rơi. “Bỏ rơi” được định nghĩa là:
1. Khi chủ tàu không thanh toán chi phí hồi hương cho thuyền viên; hoặc
2. Khi chủ tàu để thuyền viên trong trong tình trạng không được chăm sóc hoặc hỗ trợ cần thiết; và
3. Khi chủ tàu, dưới những hình thức khác, đơn phương chấm dứt quan hệ với thuyền viên, bao gồm cả việc không trả lương cho thuyền viên trong khoảng thời gian ít nhất là 02 tháng.
Chủ tàu phải cung cấp cho tàu giấy chứng nhận hoặc bằng chứng được lập thành tài liệu khác về an ninh tài chính được cấp bởi nhà cung cấp an ninh tài chính. Phụ lục A2-1 mới liệt kê chi tiết các thông tin phải có trong giấy chứng nhận hoặc bằng chứng được lập thành tài liệu này.
Tiêu chuẩn A4.2.1 - Trách nhiệm của chủ tàu
Tiêu chuẩn này đưa ra các yêu cầu tối thiểu đối với hệ thống an ninh tài chính nhằm đảm bảo bồi thường trong các trường hợp yêu cầu bồi thường theo hợp đồng (xem định nghĩa trong Tiêu chuẩn A4.2.2 dưới đây). Trên tàu cũng yêu cầu phải có giấy chứng nhận hoặc bằng chứng được lập thành tài liệu khác về an ninh tài chính được cấp bởi nhà cung cấp an ninh tài chính.
Tiêu chuẩn A4.2.2 - Xử lý yêu cầu bồi thường theo hợp đồng
Tiêu chuẩn này định nghĩa “Yêu cầu bồi thường theo hợp đồng” là “Bất kỳ yêu cầu bồi thường nào liên quan đến tổn thất sinh mạng hoặc thương tật kéo dài đối với thuyền viên do bị tổn thương, ốm đau hoặc rủi ro nghề nghiệp được quy định trong pháp luật quốc gia, hợp đồng lao động thuyền viên hoặc thỏa ước lao động tập thể”.
Tiêu chuẩn này cũng yêu cầu phải có biện pháp hữu hiệu để xử lý và giải quyết các yêu cầu bồi thường theo hợp đồng.
Phụ lục A4-1 và B4-1
Phụ lục A4-1 liệt kê chi tiết bằng chứng về an ninh tài chính theo yêu cầu.
Phụ lục B4-1 đưa ra mẫu giấy biên nhận chi trả (Receipt and Release Form).
Trong trường hợp có nhiều hơn một nhà cung cấp an ninh tài chính cho việc hồi hương thuyền viên hoặc trách nhiệm của chủ tàu, trên tàu phải có bằng chứng được lập thành tài liệu được cấp bởi từng nhà cung cấp an ninh tài chính.
Thay đổi đối với Bản công bố phù hợp lao động hàng hải (DMLC)
An ninh tài chính cho việc hồi hương thuyền viên và an ninh tài chính đối với trách nhiệm của chủ tàu là hai nội dung được kiểm tra và phê chuẩn khi tàu được chứng nhận theo mục 1 của Tiêu chuẩn A5.1.3. Bản công bố phù hợp lao động hàng hải Phần I (DMLC Part I) được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia tàu mang cờ quốc tịch cấp lại và Bản công bố phù hợp lao động hàng hải Phần II (DMLC Part II) phải được chủ tàu cập nhật phù hợp với sửa đổi, bổ sung năm 2014 của MLC, 2006.
Quốc gia tàu mang cờ quốc tịch quy định hình thức an ninh tài chính để đáp ứng yêu cầu của sửa đổi, bổ sung năm 2014 đối với MLC, 2006. Rất nhiều khả năng là các quốc gia sẽ chấp nhận dịch vụ do các tổ chức bảo hiểm P&I quốc tế cung cấp.