Tăng cường công tác đăng kiểm nhằm giảm thiểu tàu biển bị lưu giữ PSC

29/07/2016

Ngày 14/7/2016 tại Hà Nội và ngày 22/7/2016 tại TP Hồ Chí Minh, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) Trần Kỳ Hình đã chủ trì Hội nghị quán triệt chỉ thị tăng cường công tác đăng kiểm nhằm giảm thiểu tàu biển bị lưu giữ PSC.

Tham dự Hội nghị có Phó Cục trưởng Nguyễn Vũ Hải, lãnh đạo và nghiên cứu viên Phòng Tàu biển, Phòng Quy phạm, Phòng Công nghiệp, Trung tâm VRQC và lãnh đạo, đăng kiểm viên/ đánh giá viên của các Chi cục đăng kiểm tàu biển hoạt động tuyến quốc tế trong cả nước.

Sau khi nghe các phòng, đơn vị chức năng báo cáo tình hình tàu biển bị lưu giữ PSC 6 tháng đầu năm, tập trung vào các tồn tại, yếu kém cần phải khắc phục, ý kiến thảo luận của các đại biểu dự họp, Cục trưởng kết luận và chỉ đạo một số nội dung chính:


Ảnh: Đăng kiểm viên kiểm tra tàu biển

So với năm 2014 và 2015, tình hình khó khăn của công nghiệp đóng tàu, vận tải biển và chất lượng thuyền viên trong 6 tháng đầu năm 2016 chưa được cải thiện nhiều; thậm chí còn có mặt chiều hướng chuyển biến tích cực. Nhưng tỷ lệ tàu biển Việt Nam bị lưu giữ trong 6 tháng đầu năm 2016 có chiều hướng gia tăng. Thực tế đó chứng tỏ nguyên nhân khách quan đối với việc tàu bị lưu giữ PSC là không thay đổi.

Trong thời gian tới, hoạt động đăng kiểm tàu biển của Cục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là thách thức trong việc triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do, Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 và Đề án tách bạch chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm của Cục ĐKVN. Cục ĐKVN phải xác định quyết tâm của toàn hệ thống như từ đầu năm 2014 để giảm thiểu tỷ lệ tàu biển bị lưu giữ PSC và duy trì đội tàu biển Việt Nam trong Danh sách trắng của Tokyo-MOU, tạo tiền đề cho việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về đăng kiểm tàu biển.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Cục trưởng yêu cầu:

Thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Chỉ thị số 3001/ĐKVN-TB ngày 30/6/2016 về việc tăng cường công tác đăng kiểm nhằm giảm thiểu tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC ở cả trong nước và nước ngoài.

Nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo, đăng kiểm viên, đánh giá viên, nhân viên nghiệp vụ trong tất cả các khâu: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật, thẩm định thiết kế, chứng nhận sản phẩm công nghiệp, giám sát đóng mới, kiểm tra tàu trong khai thác, đánh giá hệ thống quản lý an toàn, an ninh, lao động tàu biển, cấp giấy chứng nhận cho tàu. Xác định nhiệm vụ giảm tỷ lệ tàu biển bị lưu giữ PSC là nhiệm vụ rất quan trọng, tối cao của toàn bộ lĩnh vực đăng kiểm tàu biển. Đến cuối năm 2016, nếu tỷ lệ tàu bị lưu giữ PSC vẫn gia tăng, sẽ đề nghị xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm cá nhân và tập thể liên quan đến các tàu biển bị lưu giữ.

Xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra tất cả các tàu biển chạy tuyến quốc tế. Thực hiện phân loại tàu, chủ tàu để tổ chức tổng kiểm tra. Các giám đốc Chi cục đăng kiểm tàu biển phải chủ động phối hợp với các Cảng vụ hàng hải để thực hiện việc kiểm tra tàu. Công tác kiểm tra chéo, hậu kiểm của Cục ĐKVN nhằm đảm bảo tàu không có khiếm khuyết có thể dẫn đến lưu giữ PSC khi tàu rời cảng, rời nhà máy nhưng không được ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác của chủ tàu, hoạt động của nhà máy.

Trung tâm Đào tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành chương trình đào tạo cập nhật cho tất cả các đăng kiểm viên/đánh giá viên tàu biển, bao gồm cả nội dung đánh giá và chứng nhận theo ISM/ISPS/MLC.

Từng đơn vị phải thực hiện nghiêm túc công tác luân chuyển cán bộ, chuyển đổi vị trí việc làm theo quy định của Bộ GTVT, của Cục ĐKVN. Lãnh đạo đơn vị phải đánh giá nguồn nhân lực, bố trí công việc phù hợp, luân chuyển, chuyển đổi vị trí việc làm một cách cụ thể, thiết thực.

Tuyền truyền hiệu quả về công tác đăng kiểm tàu biển, đặc biệt là công tác đăng kiểm tàu biển hoạt động tuyến quốc tế, việc ủy quyền cho tổ chức đăng kiểm nước ngoài, việc kiểm soát công việc của các tổ chức đăng kiểm nước ngoài…

Nghiên cứu tính khả thi để đề xuất thiết lập bộ phận đăng kiểm tàu biển hoạt động tuyến quốc tế riêng, với một đội ngũ đăng kiểm viên/đánh giá viên chuyên nghiệp có trình độ cao.

Vì sự phát triển bền vững của ngành Đăng kiểm, yêu cầu các cán bộ, nhân viên, nhất là thủ trưởng đơn vị thực sự sự nêu gương, đấu tranh với bản thân mình, mẫn cán đối với công việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ được giao, để Cục ĐKVN là môi trường tốt cho sự phấn đấu vươn lên của mọi thành viên.

Tác giả: VP, VR