Thách thức “kép” của vận tải biển

06/03/2020

Sau hơn một thập kỷ đối mặt với khủng hoảng sâu rộng, vận tải biển thế giới nói chung và đội tàu biển Việt Nam nói riêng tiếp tục đối mặt với thách thức “kép” khác ngay từ những ngày đầu của năm 2020.

Vận tải biển 'khó chồng khó'

Đang chật vật với quy định “lưu huỳnh” của IMO

Từ ngày 1/1/2020, theo quy định của Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO), tất cả các tàu biển phải sử dụng nhiên liệu với hàm lượng lưu huỳnh tối đa 0,5% so với mức giới hạn hiện nay là 3,5%. Chỉ riêng với quy định này, doanh nghiệp vận tải biển phải bù lỗ hơn 220 triệu đồng cho một chuyến tàu biển quay vòng Hải Phòng- Sài Gòn, chưa kể hàng loạt các chi phí khác đi kèm.

Theo tính toán của Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco), một trong những công ty vận tải lớn nhất Việt Nam hiện nay, tuân thủ theo quy định của IMO, Vosco đã thực hiện chuyển đổi nhiên liệu mới và thực hiện phụ thu phí nhiên liệu kể từ ngày 01/01/2020. Tuy nhiên, mức phụ thu này chỉ là chia sẻ với hãng tàu chứ chưa thể bù đắp chi phí hoạt động. Mức phụ thu đối với các container có hàng và container vỏ rỗng được vận chuyển trên tất cả các tuyến nội địa hiện Vosco đang thu của chủ hàng là 300.000 đồng/container. Một chuyến đi của tàu container từ Hải Phòng vào Sài Gòn và ngược lại hết trung bình khoảng hơn 80 tấn dầu. Hiện nay, mức chênh lệch giá dầu cũ/mới khoảng 18.800 USD (tương đương hơn 433 triệu đồng). Với chi phí vận chuyển khoảng 800.000 đồng/teus, trừ đi mức phụ thu 300.000 đồng thu từ chủ hàng, doanh nghiệp vẫn phải bù lỗ 500.000 đồng/teus khi sử dụng nhiên liệu mới. Đó là chưa kể, các doanh nghiệp còn phải mất khá nhiều chi phí để thay một số phụ tùng, linh kiện máy móc như: Kim phun, xéc-măng… cho phù hợp với việc sử dụng nhiên liệu mới.

tau bien.jpg

“Thảm họa” Covid-19

Theo Sea-Intelligence, một công ty chuyên nghiên cứu ngành hàng hải, chỉ trong vòng 10 tuần lễ, kể cả dịp Tết Nguyên đán và thời điểm dịch bệnh bùng phát, vận tải biển thế giới đã phải đối mặt với sự sụt giảm hơn 1,7 triệu teus, tương đương với khoản doanh thu đến 1,7 tỷ đô la Mỹ. Trong nước, một doanh nghiệp vận tải biển hàng đầu là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã bắt đầu thấy rõ tác động của dịch bệnh này khi thống kê cho thấy so với cùng kỳ 2019, sản lượng vận tải biển 02 tháng đầu năm của Tổng công ty giảm gần 40%, doanh thu Công ty mẹ giảm gần 20%.

Ngoài việc ảnh hưởng đến các tuyến khai thác đi và đến Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc – các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, thì dịch bệnh còn ảnh hưởng chung đến toàn bộ thị trường vận tải biển khu vực cũng như trên toàn thế giới. Theo ước tính của Văn phòng Vận tải biển Quốc tế (ICS), giá cước vận tải đường biển trung bình tiếp tục sụt giảm tới 80% kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Tác động tiêu cực của dịch Covid-19 lên các doanh nghiệp vận tải biển thể hiện ở: sự khan hiếm nguồn hàng; sự sụt giảm mức T/C và tiền cước; sự gia tăng ngày tàu chờ /chạy rỗng dẫn tới sự tăng vọt về chi phí. Ngoài ra, việc cung cấp phụ tùng vật tư cho các tàu phục vụ sửa chữa cũng như việc thay thế và cung ứng thuyền viên đang gặp rất nhiều khó khăn,…

Theo tính toán, đội tàu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, chủ yếu đang hoạt động trên các tuyến Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Trung Quốc, sẽ giảm doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng tương ứng lợi nhuận sẽ giảm khoảng 500 tỷ đồng, nếu diễn biến dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 3 hoặc sang Quý 2/2020 mới trở lại bình thường. Đặc biệt, đối với nhóm tàu đóng mới bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) của Tổng công ty vốn đã gặp nhiều khó khăn về tài chính và khai thác, trước các tác động nặng nề của Dịch Covid-19 lại càng kém hơn. Việc trả nợ gốc và lãi vay đối với các khoản nợ VDB và các ngân hàng thương mại cũng sẽ rất khó khăn.


Cần sự hỗ trợ của nhà nước

Bên cạnh các nỗ lực của bản thân doanh nghiệp vận tải biển như cơ cấu lại các nguồn lực, tiết giảm chi phí, đẩy mạnh công tác thị trường,… rất cần có những chính sách hỗ trợ của nhà nước, của các ngân hàng thương mại về thuế, nguồn hàng và lãi suất. Các chính sách về giãn thời gian nộp thuế và giảm lãi suất cho vay là các chính sách dù rất cần thiết và mang lại hiệu quả ngay nhưng đều có tính ngắn hạn như một biện pháp “cấp cứu sơ bộ”. Đối với doanh nghiệp vận tải, chính sách hỗ trợ dài hạn về nguồn hàng mới là vấn đề quan trọng nhất. Những giải pháp cụ thể vừa khuyến khích tạo điều kiện vừa yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước thay đổi tập quán mua CIF, bán FOB, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải biển trong nước được tham gia vào vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu quốc gia chính là những điều mà các doanh nghiệp vận tải biển trong nước đã chờ đợi từ lâu.

Clarksons, một công ty chuyên nghiên cứu vận chuyển, cũng dự báo bức tranh thị trường vận tải biển năm 2020 rất ảm đạm khi tiếp tục cắt giảm dự báo tăng trưởng thương mại hàng hải của thế giới xuống còn 2,2% so với ước tính 2,5% trước đó.

Indonesia, một quốc gia trong khối ASEAN, là nước đi đầu trong chính sách bảo hộ cho đội tàu biển của họ khi ban hành điều luật có hiệu lực vào tháng 5 tới đây khi chỉ cho phép các tàu trong nước được chuyên chở than, dầu cọ thô và gạo. Liệu chúng ta đã đến lúc cụ thể hóa bằng những quy định không chỉ dừng ở mức “khuyến khích”?


Tác giả: Đ.T