Cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu năm 2019

27/02/2020

Cướp biển toàn cầu giảm trong năm 2019, nhưng việc tăng đột biến các vụ bắt cóc thuyền viên ở Vịnh Guinea và các vụ cướp có vũ trang nhằm vào tàu tại Eo biển Singapore đang làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng hàng hải quốc tế.


Ngành vận tải biển chưa thể yên tâm khi các vụ cướp biển có vũ trang vẫn còn diễn biến phức tạp.

Trung tâm Báo cáo cướp biển thuộc Bộ phận Hàng hải quốc tế của Văn phòng Thương mại quốc tế (IMB PRC) đã ghi nhận 162 vụ cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu năm 2019, giảm so với 201 vụ việc của năm 2018. Các vụ việc xảy ra trong năm 2019 bao gồm 4 vụ cướp biển bắt giữ tàu, 130 vụ cướp biển lên tàu, 11 vụ tàu bị cướp tấn công bằng súng và 17 vụ cướp bất thành.

Số liệu thống kê cướp biển năm 2019 thể hiện mức giảm gần 20% so với năm 2018, nhưng ngành vận tải biển chưa thể yên tâm. Cướp biển tại các điểm nóng ở Tây Phi và Đông Nam Á vẫn tiếp tục tồn tại dai dẳng; năm 2019 chứng kiến sự gia tăng đáng kể các vụ bắt cóc thuyền viên ở Vịnh Guinea và các vụ cướp có vũ trang ở Eo biển Singapore. Không có sự cố nào được ghi nhận ở Somalia năm 2019, nhưng rủi ro cướp biển vẫn còn tồn tại ở vùng biển ngoài khơi phía Nam Biển Đỏ và Vịnh Aden, bao gồm Yemen.

Tây Phi

Khu vực Vịnh Guinea đã giảm tổng số vụ cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu trong năm vừa qua. Theo IMB PRC, 64 vụ việc đã được báo cáo trong khu vực năm 2019, so với con số 82 của năm 2018. Tuy nhiên, những gì đã xảy ra tại Vịnh Guinea thể hiện mối đe dọa nghiêm trọng và ngay lập tức đối với an toàn, an ninh của thuyền viên và tàu thuyền hoạt động trong khu vực. Số liệu thống kê 5 năm gần đây tại khu vực, được thể hiện trong biểu đồ dưới đây, cho thấy so với năm 2015, trong năm 2019 số vụ việc cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu tăng gấp đôi và số thuyền viên bị cướp bắt cóc tăng gấp 6 lần. Trong năm qua, cả 4 vụ cướp biển bắt giữ tàu trên thế giới đều xảy ra tại khu vực này cùng với 10 vụ cướp biển tấn công tàu bằng súng trong tổng số 11 vụ ở quy mô toàn cầu.

270220.3.jpg

Thống kê cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu tại Vịnh Guinea 2015-2019

IMB PRC kêu gọi thuyền viên làm việc trên các tàu hoạt động tại vùng Vịnh Guinea "Hãy cảnh giác và báo cáo mọi hoạt động đáng ngờ cho các trung tâm phản ứng trong khu vực và IMB". Cần nhấn mạnh là việc phát hiện sớm tàu nghi ngờ đang đến gần tàu của bạn là chìa khóa để ngăn chặn việc cướp biển lên tàu, cho phép thuyền viên có đủ thời gian kích hoạt báo động và di chuyển đến khu vực trú ẩn an toàn trên tàu trong trường hợp cần thiết.

Người khai thác tàu và thuyền trưởng phải tăng cường cảnh giác, tiếp tục thận trọng trong quá trình tàu hoạt động ở Vịnh Guinea. Cần phải tiến hành các đánh giá các đe dọa và rủi ro cụ thể trong chuyến đi trước khi cho tàu vào khu vực này, xem xét kế hoạch an ninh của tàu và áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp.

Châu Á

Trong năm qua, Châu Á đã có sự gia tăng nhẹ về tổng số vụ cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu. Theo Trung tâm Chia sẻ thông tin của Thỏa thuận Hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tại Châu Á (ReCAAP ISC), 82 vụ việc đã được báo cáo ở châu lục này năm 2019, tăng 8% so với năm 2018 (xem biểu đồ dưới đây).

270220.4.jpg

Thống kê cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu tại Châu Á 2015-2019

Phần lớn các sự cố ở Châu Á năm 2019 được phân loại là cướp có vũ trang nhằm vào tàu, có mức độ nghiêm trọng từ trung bình đến thấp và không gây tổn hại về thể chất cho thuyền viên. Trong số 82 vụ việc được báo cáo, có 3 vụ ở Trung Quốc, 5 vụ ở Ấn Độ và 74 vụ còn lại ở các nước Đông Nam Á. ReCAAP ISC nhấn mạnh các khu vực cần quan tâm sau đây:

• Biển Sulu-Celebes và khu vực phía đông Sabah: 2 vụ bắt cóc thuyền viên để đòi tiền chuộc đã được báo cáo tại các vùng biển này năm 2019. Tổng cộng có 19 vụ việc thực tế đã xảy ra và 11 vụ bất thành liên quan đến bắt cóc thuyền viên xảy ra trong khu vực đã được báo cáo kể từ tháng 3/2016 đến hết năm 2019. Mặc dù số lượng sự cố giảm, nhưng rủi ro về bắt cóc thuyền viên để đòi tiền chuộc vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng trong khu vực này.

• Bandar Penawar, Johor, Malaysia: 5 sự cố đã được báo cáo năm 2019 xảy ra đối với các tàu thuyền neo đậu bên ngoài khu vực neo đậu được chỉ định, trong khi không có sự cố nào được báo cáo tại khu vực này năm 2018.

• Eo biển Singapore: Tổng cộng có 31 sự cố cướp biển đã được ghi nhận tại Eo biển Singapore năm 2019, so với 7 vụ năm 2018. Đáng lưu ý là 12 vụ việc đã xảy ra ở làn đi về phía đông của Eo biển Singapore trong khoảng thời gian ngắn từ ngày 23/11 đến ngày 30/12/2019. Nếu như các vụ việc xảy ra tại làn đi về phía tây của eo biển này chủ yếu liên quan đến việc mất cắp các dụng cụ và kim loại phế liệu trên các sà lan được kéo bởi tàu lai, không có xảy ra thương tích đối với thuyền viên; thì trong các sự cố tại làn đi về làn phía đông xảy ra với các tàu chở hàng rời và tàu chở dầu, thuyền viên đã phải đối mặt và bị đe dọa bởi những kẻ tấn công với ít nhất 1 thuyền viên được báo cáo bị thương.

ReCAAP ISC thúc giục thuyền trưởng và thuyền viên tăng cường cảnh giác khi đi qua các khu vực rủi ro, duy trì cảnh giác liên tục đối với các tàu thuyền nghi ngờ lân cận, báo cáo tất cả các sự cố ngay lập tức cho quốc gia ven biển gần nhất và thực hiện các biện pháp phòng ngừa tương ứng với cấp độ rủi ro.

Do rủi ro bắt cóc thuyền viên ở vùng biển Sulu-Celebes và vùng biển ngoài khơi Đông Sabah vẫn ở mức cao, ReCAAP ISC nhắc lại khuyến cáo  tất cả các tàu nên cân nhắc thay đổi hành trình qua các khu vực này, nếu có thể./.

Tác giả: Nguyễn Vũ