Tàu vận chuyển hydro lỏng đầu tiên trên thế giới và bài toán năng lượng

18/12/2019

Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki, Nhật Bản, mới đây đã ra mắt tàu chở hàng đầu tiên trên thế giới vận chuyển hydro lỏng nhằm mở rộng đáng kể khả năng vận chuyển nguồn năng lượng xanh này. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là việc tạo ra nguồn khí hydro để sử dụng sạch cho nước nhập khẩu sẽ lại gây ô nhiễm cho những nước xuất khẩu chúng.

Tàu vận chuyển hydro lỏng đầu tiên trên thế giới và bài toán năng lượng

Lễ ra mắt tàu vận chuyển hydro lỏng đầu tiên trên thế giới thu hút sự chú ý của nhiều người.

Nhật Bản và Hàn Quốc đang thúc đẩy các nỗ lực của họ để xây dựng một nền kinh tế năng lượng mới có thể tạo ra hydro lỏng phổ biến để thay thế dầu mỏ hoặc khí đốt tự nhiên. Điều này sẽ cho phép việc lái xe không khí thải nhờ vào xe và có thể cả máy bay chạy bằng pin nhiên liệu.

Một phần của kế hoạch nhập khẩu năng lượng lớn từ các quốc gia khác như Úc, nơi sẵn sàng đảm nhận công việc sản xuất hydro lỏng từ nhiên liệu hóa thạch như than nâu và khí tự nhiên.

Một chương trình thí điểm đang khởi động nhờ sự hợp tác giữa Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki, Tập đoàn Iwatani, Shell Nhật Bản và J-Power. Và tuần trước, Kawasaki đã thực hiện một phần của thỏa thuận bằng cách ra mắt một con tàu hoàn toàn mới được thiết kế để vận chuyển hydro lỏng giữa bờ biển phía nam Australia đến cảng dỡ hàng đang được xây dựng tại Kobe, Nhật Bản. Đây là con tàu đầu tiên vận chuyển hydro lỏng trên thế giới chạy bằng động cơ diesel.

Tầm quan trọng của chuyến tàu này đã thu hút đám đông hơn 4.000 người đến bến cảng của Kawasaki tại Kobe để tham gia lễ ra mắt và đặt tên cho tàu là Suiso Frontier có nghĩa là Hydro theo tiếng Nhật.

Tàu Suiso Frontier dài 116 m, chạy bằng động cơ diesel.

Tàu Suiso Frontier dài 116 mét, được trang bị với một bồn chứa hydro lỏng hai lớp vỏ cách nhiệt chân không, có khả năng trữ 1.250 mét khối hydro lỏng. Hydro sẽ được nén đến 1/800 thể tích khí thông thường của nó và được làm lạnh đến -253°C để ngăn không thấm qua thành bể do kích thước nhỏ bé của các phân tử khí hydro. Trên thực tế, hydro có thể thấm qua các khoảng trống trong cấu trúc nguyên tử của vật chứa kim loại nếu ở nhiệt độ cao hơn.

Con đường di chuyển ô nhiễm ra nước ngoài gây tranh cãi

Khí hydro cho chương trình thí điểm này sẽ được sản xuất tại Thung lũng Latcoat, ở Victoria, Úc, thông qua quy trình khí hóa than nâu. Khoảng 160 tấn than sẽ được vận hành trong quá trình này để tạo ra ba tấn hydro. Sau đó lượng hydro sẽ được vận chuyển 150 km đến cảng Hastings, nơi Suiso Frontier sẽ nhận nó và vận chuyển đến Kobe bằng tàu động cơ diesel-điện.

Theo Bộ Môi trường bang Victoria, Úc, để sản xuất ba tấn hydro, ước tính 100 tấn CO2 sẽ được giải phóng, và chưa tính đến lượng khí thải do vận chuyển bằng dầu diesel trên đất liền và trên biển. Vì vậy, với một vài phán đoán, kế hoạch này có thể được xem là một cách để Nhật Bản di chuyển một loạt ô nhiễm ra nước ngoài.

Ông Simon Holmes à Court, Cố vấn năng lượng cao cấp của Trung tâm chuyển đổi năng lượng của Đại học Melbourne, Úc nhận xét rằng, trừ khi và cho đến khi dự án này thu giữ và lưu trữ được khí thải, thì dự án sẽ sản xuất ra những nhiên liệu bẩn nhất có thể.

Tàu vận chuyển hydro lỏng đầu tiên trên thế giới.

Khí hydro có thể được sản xuất theo một số cách khác nhau, bao gồm sử dụng năng lượng sạch, tái tạo. Lấy thí dụ, năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió có thể được sử dụng để tạo ra điện dung để tách hydro khỏi nước trong quá trình điện phân. Liệu một quốc gia bị hạn hán như Úc có muốn gửi nước ngọt ra nước ngoài dưới dạng hydro hay không? Một vấn đề khác là tài chính, khi việc xuất khẩu năng lượng hydro của Úc sẽ có chi phí phát thải đắt đỏ trong ngắn hạn và trung hạn.

Như thế, về mặt lý thuyết, sản xuất hydro dựa trên than nâu có thể giúp thu giữ và cô lập các sản phẩm phụ carbon dioxide của quá trình sản xuất hàng loạt. Nhưng điều này dường như không phải là một ưu tiên trong dự án thí điểm này.

Dù thế nào đi nữa, Nhật Bản dường như có động lực cao để làm cho nền kinh tế hydro lỏng này hoạt động. Hàn Quốc cũng đang đặt mục tiêu rất cao, hy vọng sẽ làm sạch không khí thành phố khói bụi của mình nhờ vào 1.200 trạm hydro, 40.000 xe buýt hydro, 80.000 xe taxi hydro, 30.000 xe tải hydro và sáu triệu xe chạy bằng pin nhiên liệu vào năm 2040.

Một số nước đang dường như quyết tâm “chơi lớn” để thực hiện điều này, vì vậy rất nhiều người quan tâm dự án này sẽ phát triển như thế nào khi chi phí phát thải bắt đầu trở nên rõ ràng đối với các nước xuất khẩu năng lượng.


Tác giả: Hoàng Dương