Tàu container gặp nạn, bịt kín kênh đào Suez

25/03/2021

Tàu chở hàng Ever Given treo cờ Panama, dài tới 400 m, bị mắc kẹt và chắn ngang kênh đào Suez, khiến cả tuyến hàng hải trọng yếu tê liệt.

Tàu chở hàng Ever Given mắc kẹt ở kênh đào Suez hôm 24/3.

Tàu container cỡ lớn Ever Given, tổng trọng tải 219.079 tấn, sáng 24/3 di chuyển từ Biển Đỏ qua kênh đào Suez tới Địa Trung Hải thì bất ngờ gặp sự cố. Con tàu treo cờ Panama này đâm chéo vào bờ kênh đào và mắc cạn trên bờ cát. Con tàu gần như xoay ngang, bịt kín tuyến hàng hải qua kênh đào Suez, khiến mọi hoạt động di chuyển qua kênh đào phải tạm dừng.

Tàu Ever Given trước đó đã ghé qua Tanjung Pelepas, Malaysia, và đang trên đường đến Rotterdam, Hà Lan. Hải trình này dự kiến kết thúc trong khoảng một tuần, cho tới khi xảy ra sự cố mắc kẹt.

Evergreen Marine Corp, công ty vận tải điều hành Ever Given, cho biết con tàu đã gặp trục trặc do gió lớn khi tiến vào kênh đào Suez, song không có container nào bị chìm.

Một quan chức Ai Cập giấu tên cũng cho rằng tàu chở hàng Ever Given gặp nạn vì gió lớn. Các nhà dự báo thời tiết Ai Cập cho biết gió lớn và bão cát đã hoành hành khu vực kênh đào Suez hôm 23/3, với sức gió lên tới 50 km/h.

"Toàn bộ thủy thủ đoàn trên Ever Given vẫn an toàn. Không có báo cáo về thương tích hay gây ô nhiễm trên kênh đào", Bernhard Schulte Shipmanagemen, công ty quản lý Ever Given, cho biết.

Giới chức Ai Cập đang nỗ lực tìm mọi cách giúp tàu Ever Given di chuyển. Một máy xúc nhỏ đang đào bới bờ cát quanh mũi tàu, trong khi gần chục tàu kéo đang cố đẩy Ever Given vào vùng nước sâu hơn.

Vị trí kênh đào Suez (chấm đỏ) nối Biển Đỏ và Địa Trung Hải. Đồ họa: Google Maps.

Vị trí kênh đào Suez (chấm đỏ) nối Biển Đỏ và Địa Trung Hải.

Dữ liệu theo dõi tàu cho thấy sự cố tàu Ever Given mắc kẹt đã gây tình trạng ùn tắc ở cả hai đầu kênh đào Suez. Kênh đào dài hơn 193 km này là tuyến hàng hải duy nhất đi từ Địa Trung Hải vào Biển Đỏ và Ấn Độ Dương.

Nỗ lực giải cứu siêu tàu hàng chắn ngang kênh Suez

Việc siêu tàu hàng gần 220.000 tấn Ever Given chắn ngang kênh Suez hướng sự chú ý tới SMIT Salvage, công ty cứu hộ tàu nổi tiếng của Hà Lan. Theo cơ quan quản lý kênh Suez, tàu hàng khổng lồ Ever Given, do công ty Đài Loan Evergreen Marine vận hành và treo cờ Panama, sáng 23/3 gặp một cơn bão bụi khi đang trên hành trình chở hàng nghìn tấn hàng đến Rotterdam, Hà Lan, khiến tầm nhìn bị hạn chế giữa gió mạnh và sập nguồn điện trên tàu.

Hệ quả là Ever Given, một trong những con tàu lớn nhất thế giới với trọng tải gần 220.000 tấn, dài 400 m, đã chắn ngang kênh đào được coi là tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới, nối giữa Biển Đỏ và Địa Trung Hải.

Hơn 100 tàu đang ùn tắc phía sau Ever Given. Giá dầu hôm 24/3 cũng tăng trong bối cảnh xuất hiện lo ngại về khả năng tiếp cận kênh Suez, nơi lưu thông khoảng 12% giá trị thương mại toàn cầu.

Việc giải cứu Ever Given rõ ràng không phải nhiệm vụ dễ dàng. Các hình ảnh và bản đồ vệ tinh cho thấy mũi tàu nằm dọc theo ranh giới phía đông của kênh đào, còn phần đuôi gần như chạm vào mép phía tây.

Vị trí tàu Ever Given (chấm vàng) mắc kẹt giữa kênh Suez, xung quanh là các tàu hàng nhỏ hơn. Ảnh: Vessel Finder.

Vị trí tàu Ever Given (chấm vàng) mắc kẹt giữa kênh Suez, xung quanh là các tàu hàng nhỏ hơn.

"Nhìn từ bên ngoài, con tàu đang vô cùng mắc kẹt. Một loạt tàu kéo được triển khai, nhưng chẳng ích gì", Julianne Cona, kỹ sư của tàu Maersk Denver bị kẹt đằng sau Ever Given, viết trên Instagram.

SMIT Salvage, đơn vị thuộc tập đoàn Royal Boskalis Westminster NV của Hà Lan, là một trong những công ty được chủ sở hữu của Ever Given chọn lựa để giải cứu con tàu mắc cạn. Công ty này từng tiến hành một số hoạt động cứu hộ hàng hải táo bạo nhất, bao gồm kéo một tàu ngầm hạt nhân bị chìm của Nga hồi năm 2001, hay rút nhiên liệu bên trong du thuyền Costa Concordia bị mắc cạn ở Italy năm 2012.

Martijn Schuttevaer, phát ngôn viên của Boskalis, cho biết bước đầu tiên là xác định chính xác mức độ lấn vào bờ của tàu. "Điều quan trọng là phải kiểm tra con tàu và xác định độ lấn vào bờ. Câu hỏi được đặt ra là việc dịch chuyển tàu khó đến mức nào", người phát ngôn nói.

Đáp án cho câu hỏi này được cho là sẽ quyết định diễn biến tiếp theo. Những người cứu hộ có thể phải tìm cách làm cho tàu nhẹ hơn, nhằm tạo điều kiện kéo nó đến một vị trí bớt gây cản trở hơn, mở đường cho các tàu khác lưu thông.

Quá trình giảm trọng lượng tàu đồng nghĩa với việc loại bỏ một số thứ, như nước dằn giúp tàu hoạt động ổn định khi ở trên biển. Schuttavaer cho biết có khả năng cũng phải rút nhiên liệu khỏi tàu.

Mũi tàu Ever Given mắc kẹt vào bờ kênh đào Suez hôm 24/3. Ảnh: AFP.

Mũi tàu Ever Given mắc kẹt vào bờ kênh đào Suez hôm 24/3.

Trong trường hợp xấu nhất, một số container trên Ever Given, thường chứa đủ mọi loại hàng hóa, có thể phải được dỡ xuống. Quá trình này kéo dài bao lâu phụ thuộc vào số lượng thiết bị được triển khai xung quanh, thường là sử dụng trực thăng để chuyển từng thùng.

Kế hoạch của SMIT là điều một nhóm gồm 8 người tới vị trí của Ever Given vào sáng 25/3 (giờ địa phương) để kiểm tra con tàu. Joseph Farrell III, giám đốc phát triển kinh doanh tại Resolve Marine, một công ty cung cấp dịch vụ cứu hộ khác, cho biết những nhóm như vậy thường do một chuyên gia cứu hộ dẫn dắt, thường là cựu thuyền trưởng hoặc ai đó am hiểu về ngành này, nhưng cũng có thể bao gồm thợ lặn, thợ hàn và người điều khiển cần trục.

Hiện nay, nhiệm vụ trọng tâm là nạo vét khu vực xung quanh tàu. Ban quản lý kênh Suez đã triển khai hai tàu nạo vét của họ, nhằm loại bỏ lớp cát dưới nước trước khi lực lượng cứu hộ cố gắng kéo tàu.

Trên bờ, các máy xúc cũng đang hoạt động xung quanh Ever Given. Các chuyên gia vận tải phương Tây đã phân tích hình ảnh của con tàu và ước tính phần mũi quả lê đang nằm sâu tới 5 m bên trong bờ kênh đào.

Tàu chở hàng Ever Given mắc kẹt ở kênh đào Suez hôm 24/3.

Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố tích cực có thể giúp quá trình giải cứu Ever Given dễ dàng hơn, như việc con tàu bị kẹt trong cát, không phải đá. Một số tàu kéo đã được bố trí xung quanh Ever Given, nhưng nhiệm vụ dịch chuyển một tàu hàng lớn đến vậy thường cần tới những chiếc lớn hơn, sức kéo khỏe hơn.

Thủy thủ đoàn đang hy vọng những đợt thủy triều cao hơn trong vài ngày tới sẽ có lợi cho việc giải phóng con tàu. Nhưng cho đến lúc đó, thị trường hàng hóa và hàng hải của thế giới được cho là sẽ bị đình trệ.

"Chỉ có vài công ty trên thế giới thực hiện nhiệm vụ mà chúng tôi đang làm. Đây là một thử thách. Các tàu container luôn mang tới những khó khăn lớn nhất", Farrell, giám đốc công ty cứu hộ tàu Resolve Marine, cho hay.

Tác giả: Ánh Ngọc