Ảnh: Tàu Giang Hải trước khi bị cướp biển tấn công
Đây là khu vực rất nguy hiểm mà các cơ quan chức năng trong nước cũng như quốc tế thường xuyên cảnh báo đối với các công ty quản lý tàu và sỹ quan, thuyền viên làm việc trên tàu. Riêng đội tàu biển Việt Nam, trong thời gian ngắn từ tháng 11/2016 đến nay đã xảy ra hai vụ cướp biển tại khu vực nêu trên gây hậu quả rất nghiêm trọng (1 thuyền viên bị sát hại, 12 thuyền viên bị bắt cóc, một số thuyền viên bị đánh đập gây thương tích, nhiều tài sản bị cướp hoặc phá hủy).
Các công ty quản lý tàu và thuyền trưởng, sỹ quan, thuyền viên làm việc trên tàu biển hoạt động tuyến quốc tế chú trọng thực hiện khẩn cấp các biện pháp sau:
1. Người đứng đầu công ty quản lý tàu (giám đốc công ty), người phụ trách an ninh công ty (CSO), thuyền trưởng và sĩ quan an ninh tàu (SSO) phải nhận thức được khu vực nêu trên là khu vực đặc biệt nguy hiểm mà các cơ quan chức năng đã khuyến cáo, không điều động tàu đi vào mà cần lập kế hoạch hành trình đi tránh. Trường hợp bắt buộc phải đi qua, thì phải có đánh giá rủi ro kỹ lưỡng, đầu tư nguồn lực con người, tăng cường trang thiết bị và thực hiện đầy đủ các khuyến cáo dưới đây để phát hiện cướp biển thật sớm, cảnh báo từ xa và yêu cầu trợ giúp:
a) Cán bộ an ninh công ty phải liên tục cập nhật thông tin về cướp biển và các hướng dẫn/khuyến cáo phòng chống cướp biển trong thông báo của các cơ quan chức năng và các trang thông tin điện tử của:
- Thỏa thuận hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu ở châu Á (ReCAAP): http://www.recaap.org/
- Tổ chức ICC Commercial Crime Services (CCS): https://icc-ccs.org/
Để báo cáo đầy đủ, kịp thời cho giám đốc và thông báo cho thuyền trưởng, sĩ quan an ninh tàu; phải rà soát, đánh giá lại mối nguy cơ cướp biển đối với các tàu do công ty quản lý; nếu có kế hoạch đưa tàu hoạt động tại khu vực có rủi ro cướp biển cao, phải đề xuất sửa đổi, bổ sung Kế hoạch an ninh tàu nhằm mục đích tăng cường các biện pháp an ninh (bổ sung trang thiết bị, bố trí thêm thuyền viên, rà soát các quy trình cảnh giới và ứng phó; tăng cường huấn luyện, thực tập, tuần tra, cảnh giới; cập nhật danh mục liên lạc với các cơ quan liên quan theo hướng dẫn của khu vực,…) và gửi Cục ĐKVN thẩm định bổ sung trước khi điều động tàu vào khu vực nguy hiểm; phải tăng cường công tác đánh giá nội bộ, soát xét an ninh, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ an ninh của thuyền viên theo Kế hoạch an ninh đã được thẩm định đối với từng tàu.
b) Cán bộ an ninh công ty phải liên tục chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc thuyền trưởng và sĩ quan an ninh tàu phổ biến, quán triệt đội ngũ sĩ quan, thuyền viên về các mối nguy cơ cướp biển và biện pháp phòng, chống cướp biển nêu trong Kế hoạch an ninh tàu; tiến hành huấn luyện, thực tập chống cướp biển đúng, đủ theo quy định để nâng cao tinh thần cảnh giác và tính sẵn sàng ứng phó của thuyền viên; tăng cường huấn luyện cho các sĩ quan, thuyền viên về cách kích hoạt thiết bị báo động an ninh (SSAS), cách sử dụng các trang thiết bị tín hiệu báo động khác để có thể phản ứng nhanh khi sự cố cướp biển cận kề; thường xuyên thử kiểm tra hoạt động, kiểm tra kết nối để đảm bảo SSAS hoạt động tốt; duy trì liên lạc thường xuyên 24/7 thông suốt giữa công ty với tàu.
c) Thuyền trưởng và sĩ quan an ninh tàu phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ và biện pháp an ninh trên tàu, đặc biện là các biện pháp trực ca cảnh giới, hạn chế tiếp cận, đảm bảo an ninh và kiểm soát các lối lên xuống, ra vào khu vực sinh hoạt và buồng lái; phải thông báo sớm cho cán bộ an ninh công ty về hành trình dự kiến qua khu vực nguy hiểm.
2. Thực hiện các khuyến cáo:
a) Khi tàu đi qua khu vực nguy hiểm: Hành trình theo “đoàn” (nếu có thể) hoặc theo hướng dẫn của cơ quan chức năng trong khu vực; cố gắng hành trình ban ngày và tránh xa các đảo (có thể là nơi trú ẩn của cướp biển; do sử dụng tàu, thuyền cao tốc nhỏ, nên cướp biển không thể đi cách xa nơi trú ẩn); cảnh giác, quan sát kỹ biểu hiện bất thường và tránh các tàu cá, tàu nhỏ đơn lẻ; cho tàu hành trình với tốc độ tối đa có thể; thực hiện các biện pháp an ninh tăng cường từ cấp độ 2 trở lên; bố trí tối đa thuyền viên cảnh giới quan sát để phát hiện nguy cơ từ xa càng sớm càng tốt; sẵn sàng sử dụng các trang thiết bị quan sát (ống nhòm, ra đa,...), trang thiết bị báo động; triển khai tối đa các biện pháp chống tiếp cận, chống xâm nhập (khóa cửa, chăng dây thép gai quanh tàu và các lối lên boong thượng tầng, tăng cường chiếu sáng bong và quanh tàu khi tối trời,… (tham khảo Thông tư MSC.1/Circ.1334 của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) về Hướng dẫn đối với chủ tàu, người khai thác, thuyền trưởng và thuyền viên trong việc phòng ngừa và ngăn chặn các hành động cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu, Hướng dẫn về tác nghiệp quản lý tốt nhất chống cướp biển BMP4 của Văn phòng Hàng hải quốc tế (ICS) và Hướng dẫn chống cướp biển đối với tàu lai dắt, sà lan biển của ReCAAP tại trang thông tin điện tử nêu trên); tích cực, chủ động, kịp thời báo cáo, trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng theo quy định trong danh mục liên lạc; cất giấu thiết bị liên lạc cá nhân (điện thoại di động) nếu có thể để sử dụng khi cần thiết.
b) Khi nhận diện được khả năng bị tấn công rõ ràng: Phải kích hoạt SSAS, kích hoạt báo động vô tuyến khẩn cấp và thông báo cho các Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải (MRCC) hoặc địa chỉ liên lạc khẩn cấp gần nhất; kích hoạt báo động trên tàu, bật hệ thống nhận dạng tự động (AIS), liên lạc với cán bộ an ninh công ty; phát mọi tín hiệu có thể để cảnh báo cho cướp biển biết chúng đã bị phát hiện; kiểm tra bảo đảm các cửa đi lại được khóa chặt và thuyền viên đã ẩn nấp thích hợp hoặc tập trung tại nơi trú ẩn an toàn như quy định trong Kế hoạch an ninh tàu; Tăng tốc độ chạy thẳng của tàu (nếu có thể) để tăng khoảng cách và tránh xa tàu, thuyền cướp biển, hoặc điều động tàu để tàu, thuyền của cướp biển chịu tác động của sóng/gió nhiều nhất (nếu điều kiện và khả năng cho phép); bật đèn mất chủ động (NUC); thuyền trưởng phải là người rời buồng lái cuối cùng đến nơi trú ẩn khi không thể làm gì hơn.
c) Khi cướp đã lên tàu và tiếp cận được thuyền viên, phải thực hiện mọi biện pháp thích hợp có thể để bảo đảm an toàn thân thể và tính mạng cho thuyền viên, không thể hiện kháng cự, tuân thủ mệnh lệnh của cướp biển, tránh gây kích động. Người trốn được phải liên lạc với bên ngoài yêu cầu ứng cứu bằng thiết bị cất giấu được (nếu có thể).
d) Sau khi cướp biển đã rời tàu, phải tiến hành kiểm tra thuyền bộ, tìm kiếm người bị thương để sơ cứu kịp thời, bảo vệ hiện trường một cách tối đa có thể; điều động tàu đến khu vực an toàn; duy trì liên lạc và báo cáo vị trí để lực lượng chức năng tiếp cận; hợp tác tối đa với các lực lượng chức năng; báo cáo về công ty, cho chính quyền và cơ quan hữu quan (sử dụng mẫu theo quy định trong Kế hoạch an ninh tàu); thực hiện các biện pháp trấn an tâm lý cho thuyền viên; sử dụng mọi nỗ lực để duy trì an toàn cho tàu.