Quy định về tái sinh tàu của Liên minh châu Âu

15/09/2014

Ngày 22 tháng 10 năm 2013, Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua Quy định mới 1257/2013 của Liên minh châu Âu (EU) về tái sinh tàu (EU SRR). Sau đó, Quy định này đã được Hội đồng châu Âu thông qua và đã có hiệu lực từ ngày 30 tháng 12 năm 2013.

Quy định về tái sinh tàu của EU nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc phê chuẩn sớm Công ước quốc tế Hồng Kông về tái sinh tàu an toàn và thân thiện với môi trường năm 2009 (Công ước Hồng Kông) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), ở cả trong phạm vi các quốc gia thành viên và các quốc gia không là thành viên của Liên minh châu Âu, thông qua việc áp dụng các biện pháp kiểm soát đối với cả tàu và cơ sở tái sinh tàu. Cuối cùng là để đảm bảo rằng các con tàu được phá dỡ tại các cơ sở tái sinh được EU phê chuẩn trên phạm vi toàn cầu một cách an toàn, thân thiện với môi trường. Quy định về tái sinh tàu của EU hầu như tương đồng với Công ước Hồng Kông, tuy nhiên cũng có một số yêu cầu có nội dung khác.

Theo yêu cầu của Quy định về tái sinh tàu do EU mới ban hành, các tàu mang cờ quốc tịch EU có tổng dung tích từ 500 trở lên phải có Danh mục các vật liệu nguy hiểm (IHM). Khi đến các cảng thuộc EU, các tàu không mang cờ quốc tịch của quốc gia thành viên EU cũng phải có IHM để nhận biết tất cả các loại vật liệu nguy hiểm hiện hữu trên tàu.

Theo Quy định, EU phải thiết lập danh sách các cơ sở tái sinh tàu được phê chuẩn (EU List) đáp ứng các yêu cầu về thiết kế, xây dựng và vận hành của EU, nhưng cũng có thể ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Các cơ sở tái sinh tàu đặt tại EU phải được cơ quan có thẩm quyền quốc gia phê chuẩn, còn các cơ sở nằm ngoài Liên minh phải chịu sự phê chuẩn của các tổ chức thẩm tra độc lập. Hy vọng EU List sẽ được công bố không muộn hơn ngày 31 tháng 12 năm 2016. Các tàu mang cờ quốc tịch của quốc gia thành viên EU phải sử dụng cơ sở tái sinh tàu nằm trong EU List để chuẩn bị kế hoạch tái sinh tàu trước khi bắt đầu công việc phá dỡ. Yêu cầu này sẽ không phải áp dụng cho đến thời điểm 06 tháng sau ngày EU List được công bố bao gồm đủ năng lực tái sinh tàu.

Yêu cầu về Danh mục các vật liệu nguy hiểm (IHM) theo Quy định tái sinh tàu của EU như sau:

  • Các tàu mới mang cờ quốc tịch EU yêu cầu phải có IHM được thẩm tra xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền và bản công bố phù hợp về danh mục vật liệu nguy hiểm sớm nhất vào ngày 31 tháng 12 năm 2015 và muộn nhất vào ngày 31 tháng 12 năm 2018.
  • Các tàu hiện có mang cờ quốc tịch EU yêu cầu phải có IHM được thẩm tra xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền và bản công bố phù hợp về danh mục vật liệu nguy hiểm muộn nhất vào ngày 31 tháng 12 năm 2020. Các tàu chuẩn bị tái sinh phải có IHM khi EU List về các cơ sở tái sinh tàu được công bố - theo kế hoạch là ngày 31 năm 12 năm 2016.
  • Các tàu không mang cờ quốc tịch quốc gia thành viên EU khi đến các cảng của Liên minh châu Âu yêu cầu phải có IHM được thẩm tra xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền và bản công bố phù hợp về danh mục vật liệu nguy hiểm sớm nhất vào ngày 31 tháng 12 năm 2020.

Cộng đồng hàng hải và đóng tàu thế giới đang chờ đợi hướng dẫn về việc xây dựng và phê duyệt IHM của Ủy ban châu Âu (EC) để đáp ứng thỏa mãn yêu cầu của Quy định tái sinh tàu EU. Có thể hy vọng, về cơ bản các hướng dẫn của Quy định tái sinh tàu EU tương tự như Công ước Hồng Kông và các hướng dẫn liên quan của IMO. Một điểm khác biệt cần quan tâm giữa Quy định của EU và Công ước Hồng Kông là yêu cầu đối với Bản công bố vật liệu (MD) của Quy định EU bao gồm hai loại vật liệu nguy hiểm bổ sung khác không được nêu tại Công ước Hồng Kông là:

  • PFOS (Perfluorooctane sulfonic acid) bị cấm.
    PFOS là chất nguy hiểm, tác động tổn hại lên quá trình sinh sản, gây ung thư và độc hại đối với các loài sinh vật biển, có khả năng phát tán rộng rãi trong môi trường toàn cầu.
    Trong ngành công nghiệp hàng hải, PFOS có thể tìm thấy trong chất chữa cháy kiểu bọt tạo màng nước (AFFF) của các tàu chở chất lỏng dễ cháy, tàu có boong trực thăng, vật liệu cao su và nhựa (vỏ bọc dây điện, sàn bằng nhựa PVC, các loại đệm kín), các loại sơn, …
  • HBCDD (Brominated flame retardant) phải được liệt kê trong IHM.
    HBCDD là chất rất khó phân hủy, tích tụ sinh học và độc hại đối với các loài thủy sinh. Chất này có khả năng tạo ra tác động có hại kéo dài đối với môi trường biển. HBCDD được phân loại và dán nhãn là chất độc hại đối với môi trường.

Trên tàu biển, HBCDD thường có trong nhựa polystyrene giãn nở (EPS) sử dụng để bọc cách nhiệt cho các két hàng của tàu chở khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khoang chứa hàng đông lạnh, các tấm vật liệu cách nhiệt, vật liệu cao su và nhựa, sơn, …

Quy định về tái sinh tàu của EU cũng đưa ra giải thích về việc di chuyển tàu phục vụ cho công tác tái sinh, thông qua việc sửa đổi, bổ sung đối với Quy định về vận chuyển chất thải bằng tàu 1013/2006 của Liên minh châu Âu (Quy định EC 1013/2006), và nêu rõ Quy định EC 1013/2006 không áp dụng cho tàu.

Công ước Hồng Kông chưa có hiệu lực và Việt Nam chưa tham gia Công ước này; nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế, đặc biệt là các tàu đến châu Âu, Bộ Giao thông vận tải, theo Thông tư số 15/2013/TT-BGTVT ngày 26 tháng 7 năm 2013, đã giao cho Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện việc cấp bản công bố phù hợp về danh mục vật liệu nguy hiểm cho tàu theo quy định của Công ước Hồng Kông. Khi có hướng dẫn về việc xây dựng và phê duyệt IHM của Ủy ban châu Âu (EC), Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ nhanh chóng phổ biến đến tất cả các bên liên quan để triển khai thực hiện.

Tác giả: Nguyễn Vũ Hải - VR