Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2015, quy định chi tiết một số điều của Công ước Lao động hàng hải năm 2006 về điều kiện lao động, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của thuyền viên, chủ tàu, các tổ chức, cá nhân có liên quan; hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế và tàu biển nước ngoài hoạt động tại cảng biển Việt Nam.
Các chế độ lao động của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam được quy định tại Nghị định số 121/2014/NĐ-CP phù hợp với Công ước Lao động hàng hải năm 2006 (MLC) bao gồm:
• Hợp đồng lao động của thuyền viên.
• Tiền lương, phụ cấp và các khoản thu nhập khác.
• Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
• Nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, tết.
• Hồi hương.
• Thực phẩm và nước uống.
• Chăm sóc sức khỏe cho thuyền viên trên tàu và trên bờ.
• Trách nhiệm của chủ tàu đối với thuyền viên bị tai nạn lao động hàng hải, bệnh nghề nghiệp
• Khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động hàng hải và bệnh nghề nghiệp.
• Phòng ngừa tai nạn lao động hàng hải và bệnh nghề nghiệp.
Các tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế và tàu biển nước ngoài hoạt động tại cảng biển Việt Nam phải được kiểm tra, thanh tra về điều kiện lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước MLC. Tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế có tổng dung tích từ 500 trở lên phải được cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải phù hợp Công ước MLC.
Công ước MLC được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thông qua tại Geneva, Thụy Sỹ, ngày 23 tháng 2 năm 2006 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 20 tháng 8 năm 2013. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ra nhập và triển khai thực hiện Công ước MLC đối với đội tàu biển Việt Nam, từ năm 2006 đến nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã rất tích cực và khẩn trương trong việc nghiên cứu đề xuất ra nhập và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc áp dụng Công ước tại Việt Nam, đặc biệt trong việc xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các hướng dẫn xây dựng hệ thống quản lý lao động hàng hải, hướng dẫn kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận lao động hàng hải và đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện các công việc liên quan.
Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, ngày 22 tháng 3 năm 2013, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 547/2013/QĐ-CTN về việc gia nhập Công ước Lao động Hàng hải. Theo đó, Công ước MLC chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 08 tháng 5 năm 2014. Tiếp theo, ngày 25 tháng 7 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1221/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước Lao động hàng hải năm 2006, và ngày 12 tháng 8 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ký Quyết định số 2382/QĐ-BGTVT phê duyệt Kế hoạc triển khai thực hiện Quyết định số 1221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện Thông tư số 45/2013/TT-BGTVT ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Bộ Giao thông vận tảu quy định thủ tục cấp, phê duyệt, thu hồi Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải và Giấy chứng nhận Lao động hàng hải, trong hơn một năm qua Cục Đăng kiểm Việt Nam đã khẩn trương triển khai thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá, phê duyệt và cấp Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải Phần II (DMLCII) và Giấy chứng nhận Lao động hàng hải (MLC) cho đội tàu biển Việt Nam. Đến nay, gần 400 tàu biển Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá và cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải thể hiện sự tuân thủ đầy đủ các quy định của Công ước MLC về lao động hàng hải.
Việc ban hành Nghị định số 121/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Công ước Lao động hàng hải năm 2006 và chế độ lao động của thuyền viên làm việc trên tàu biển là một phần trong việc thực hiện Quyết định số 1221/QĐ-TTg, và là một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định của Công ước MLC tại Việt Nam, là một trong những yếu tố cốt lõi để tạo nên môi trường sống và làm việc an toàn, an ninh, tiến bộ và nhân văn cho mỗi thuyền viên đang ngày đêm gắn bó với những con tàu ngược xuôi khắp thế giới, từ đó làm tăng khả năng hoạt động an toàn, bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế của cả ngành vận tải biển Việt Nam.