Tham dự Lễ ký có Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế và Vụ An toàn giao thông, lãnh đạo và chuyên viên các phòng tham mưu Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Mục đích của Quy chế nhằm tăng cường khả năng đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với đội tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế; thực hiện mục tiêu giảm số lượng các tàu biển Việt Nam bị lưu giữ qua kiểm tra PSC ở nước ngoài và trước mắt là thực hiện tốt Chỉ thị số 09/CT-BGTVT ngày 24/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và mục tiêu của Đề án “Đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi Danh sách đen của Tokyo MOU vào cuối năm 2014”, đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 1133/QĐ-BGTVT ngày 02 tháng 5 năm 2013.
Việc phối hợp giữa các bên phải kịp thời, chặt chẽ và thống nhất theo phương thức thực hiện nêu cụ thể trong Quy chế, trên cơ sở tuân thủ các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi Cục. Hoạt động phối hợp, đặc biệt là hoạt động kiểm tra, giám sát phải không được gây gián đoạn cho hoạt động bình thường của tàu biển và phải tạo điều kiện tối ưu nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ tàu, doanh nghiệp vận tải biển.
Các nội dung phối hợp giữa hai Cục bao gồm: trao đổi thông tin; xử lý tàu biển Việt Nam bị lưu giữ PSC ở nước ngoài; kiểm tra tàu biển Việt Nam trước khi chạy quốc tế; hỗ trợ hợp tác quốc tế; và phối hợp đào tạo nguồn nhân lực.
Định kỳ 6 tháng một lần hoặc khi có yêu cầu, Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiến hành họp kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện Quy chế, và bổ sung, điều chỉnh các nội dung phối hợp nếu cần thiết.