IMO đã thông qua Công ước quốc tế về kiểm soát và quản lý nước dằn và cặn nước dằn

04/03/2004

Một công ước quốc tế mới về ngăn chặn ảnh hưởng nguy hiểm của các loài thủy sinh độc hại vận chuyển trong nước dằn của tàu biển mang tên “Công ước quốc tế về kiểm soát và quản lý nước dằn và cặn nước dằn”, đã được Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) thông qua tại Hội nghị quốc tế tổ chức tại London từ ngày 9 đến 13/02/2004.

Công ước nói trên yêu cầu tất cả các tàu biển hoạt động tuyến quốc tế phải xây dựng và thực hiện Kế hoạch quản lý nước dằn và cặn nước dằn; đồng thời phải có nhật ký nước dằn và thực hiện các qui trình quản lý nước dằn phù hợp với các tiêu chuẩn do IMO đưa ra.

Việc vận chuyển nước dằn là cần thiết đối với hoạt động an toàn của tàu biển; tuy nhiên điều này cũng tạo ra các đe dọa rất lớn đối với môi trường do hàng ngàn các loài vi khuẩn và sinh vật biển được vận chuyển từ nơi này đến nơi khác trên thế giới thông quan việc nhận và thải nước dằn của các con tàu biển. Khi được giải phóng ở môi trường mới cách xa nơi sinh sống quen thuộc của mình, các loài vi khuẩn và sinh vật nêu trên có thể trở thành những kẻ đi xâm lược, làm xáo trộn nghiêm trọng môi trường sinh thái sở tại và tác động nguy hiểm đến kinh tế cũng như sức khỏe con người trong khu vực. Tại Mỹ, loài trai có sọc Châu Âu Dreisse đã lan tràn trên 40% đường thủy nội địa và trong thời gian từ năm 1989 đến năm 2000, người ta đã phải tiêu tốn khoảng từ 750 triệu đến một tỷ Đô La để thực hiện các biện pháp kiểm soát loài sinh vật này. ở miền Nam Australia, loài tảo bẹ Châu á Undaria Pinnatifida đã phát triển trong môi trường mới hết sức mau lẹ và chiếm chỗ của các sinh vật đáy biển sở tại. Còn tại Biển Đen, loài sứa Châu Mỹ Mnemiopsis Leidyi đã phát triển với kích thước to lớn kỳ lạ. Các loài sinh vật phù du ở Biển Đen gia tăng đến mức độ là chúng đã góp phần làm suy sụp toàn bộ ngành thủy sản. Tại một số nước đã xuất hiện các cơn "thuỷ triều đỏ " do loài tảo độc gây ra. Theo số liệu thống kê, thiệt hại do sự di trú thông qua nước dằn của các loài vi khuẩn và sinh vật biển có thể lên tới 10 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

Công ước mới này là một giải pháp toàn diện, mang tính toàn cầu để loại trừ các tác động nguy hiểm do việc vận chuyển nước dằn trên các tàu biển gây ra. Công ước sẽ có hiệu lực sau 12 tháng khi được 30 quốc gia với tổng dung tích đội tàu buôn chiếm trên 35% tổng dung tích đối tàu buôn thế giới thông qua.

Tác giả: Phòng Đối ngoại, Vr