Hội thảo kỹ thuật DNV GL - VR

30/07/2018

Ngày 26/7/2018, tại TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp với Đăng kiểm DNV GL tổ chức Hội thảo kỹ thuật với chủ để “Cập nhật các quy định mới của IMO và Việt Nam liên quan đến tàu biển”.

3007.2.jpg

Ông Nguyễn Vũ Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện các công ty quản lý, khai thác tàu biển, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực vận tải biển, đóng tàu; các hiệp hội vận tải biển và đóng tàu Việt Nam; các doanh nghiệp thiết kế, đóng mới, sửa chữa, tàu biển, v.v. 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam nhấn mạnh, tàu biển hoạt động tuyến quốc tế trong thời gian ngắn tới đây sẽ phải đối mặt thêm nhiều thách thức mới để thỏa mãn các qui định mới của Tổ chức hàng hải Quốc tế, như: Thu thập dữ liệu tiêu thụ nhiên liệu của tàu, dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp, nguy cơ rủi ro vì mất an ninh mạng, v.v… Hội thảo kỹ thuật do 2 cơ quan đăng kiểm đồng tổ chức lần này với mục đích cung cấp đến chủ tàu, công ty và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải các thông tin về các qui định mới nhất và sắp tới của IMO, cùng trao đổi lắng nghe ý kiến nhằm đề xuất các giải pháp tối ưu giúp đỡ chủ tàu, công ty và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải nhanh chóng thỏa mãn các yêu cầu và qui định mới.

3007.4.jpg

Đại diện Đăng kiểm DNV-GL phát biểu

Tại hội thảo, DNV-GL và VR đã có những bài trình bày liên quan đến: Giới hạn hàm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu tàu biển, 2020 (Global Sulphur Cap 2020);  Kế hoạch quản lý sử dụng hiệu quả năng lượng tàu biển (SEEMP);  Bảng kê vật liệu nguy hiểm trên tàu biển (IHM); Thu thập dữ liệu tiêu thụ nhiên liệu tàu biển và An ninh mạng tàu biển.

Cụ thể, sửa đổi qui định 22A Phụ lục VI của MARPOL có hiệu lực từ ngày 1/3/2018, theo đó từ ngày 1/1/2019 các tàu tự hành bằng động cơ có tổng dung tích từ 5000 hoạt động tuyến quốc tế cần phải cập nhật SEEMP được soát xét xác nhận phù hợp với nghị quyết 282(70) của MEPC và Thông tư số 40/2018/TT-BGTVT của Bộ GTVT, và được cấp Bản công bố phù hợp cho tàu.

Các thách thức để thỏa mãn qui định về dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh áp dụng cho tàu biển hoạt động quốc tế từ 1/1/2020, các lựa chọn để thỏa mãn qui định như: thiết bị lọc khí xả, sử dụng nhiên liệu thay thế LNG, hoặc dầu có hàm lượng S 0.5%, hoặc dầu MDO.

3007.3.jpg

Toàn cảnh Hội thảo

Vấn đề an ninh mạng cũng đang là chủ đề nóng, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải, hiện nay các tàu và các công ty quản lý tàu trên toàn thế giới ngày càng sử dụng nhiều hơn các hệ thống dựa trên số hóa, tích hợp và tự động hóa, dẫn tới có nhiều rủi ro về truy cập trái phép các cuộc tấn công nguy hiểm cho hệ thống và mạng của tàu, gây tổn thất về tài chính cũng như ảnh hưởng đến an toàn và an ninh của tàu.  

Tại hội thảo, các tham luận, ý kiến của đại biểu tập trung chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn gặp phải khi áp dụng qui định mới, một trong các chủ đề được quan tâm nhất đó là làm thế nào để thỏa mãn qui định về dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp đối với đội tàu Việt Nam có tuổi đời trung bình cao, trong khi chi phí cho thiết bị, chi phí hoán cải, lắp đặt rất lớn.

Đây là hội thảo kỹ thuật rất có ý nghĩa đối với cá nhân, đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, 2 đơn vị đồng tổ chức là DNV-GL và VR đã nhận được phải hồi đánh giá tích cực từ khách mời tham gia hội thảo. Trong thời gian tới DNV-GL và VR sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo tương tự để kịp thời cung cấp các qui định mới và các giải pháp hiệu quả cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hàng hải./.


Tác giả: V. Hương