Tàu SB neo đậu tại khu vực cảng biển Quảng Ninh.
Toàn quốc hiện có hơn 508 tàu pha sông biển (SB) chở hàng đang hoạt động trên tuyến vận tải ven biển Bắc - Nam được chuyển đổi đăng kiểm, đăng ký từ tàu biển, tàu sông. Tuy nhiên với quy chuẩn hiện nay, nguy cơ mất an toàn đối với loại hình phương tiện này luôn tiềm ẩn.
Chuyển cấp nhiều hơn đóng mới
Tin từ Cục Hàng hải VN, 5 năm sau khi chính thức mở tuyến vận tải ven biển dành cho tàu pha sông biển (từ tháng 7/2014), tuyến vận tải này vận chuyển được hơn 144 triệu tấn hàng hóa, với chi phí rẻ hơn so với vận tải bằng tàu biển, đường bộ và góp phần đáng kể trong việc giảm tải cho đường bộ. Tuy nhiên, có tới 39 vụ tai nạn, sự cố (chìm đắm, mắc cạn, đâm va) liên quan đến tàu SB, gây chìm đắm 17 phương tiện.
Đáng lưu ý, số lượng tàu SB được chuyển cấp từ tàu sông và hạ cấp từ tàu biển chiếm hơn nửa đội tàu SB hiện có. Và do quy định điều kiện an toàn của tàu SB còn thấp hơn nhiều so với tàu biển nên nguy cơ rủi ro cao khi hoạt động trên biển, đặc biệt đối với các phương tiện có nguồn gốc từ tàu sông, tàu biển được chuyển đổi.
“Nhiều tàu SB được chuyển đổi, lên cấp từ tàu sông cấp S1, S2 khi hoạt động trên biển động lực bị giảm, khả năng điều động của phương tiện bị hạn chế. Khi gặp sóng gió lớn, thời tiết xấu thường bị chết máy. Còn tàu SB được chuyển đổi, hạ cấp từ tàu biển cấp hạn chế III xuống được giảm chiều cao mạn khô, chở trọng tải nhiều, nhưng lại không có quy định về tính kín nước của nắp hầm hàng, tính toán ổn định khi xếp hàng hóa như tàu biển cùng cấp, ảnh hưởng đến sự ổn định, rung lắc của phương tiện khi hành trình”, ông Võ Duy Thắng, Trưởng phòng An toàn, an ninh hàng hải, Cục Hàng hải VN phân tích.
Cũng theo ông Thắng, trang thiết bị cứu sinh của các tàu SB thường kém hơn nhiều so với tàu biển, phù hợp khi hoạt động trên sông hơn là trên biển. Chẳng hạn chỉ yêu cầu thiết bị cứu sinh, dụng cụ nổi được chằng buộc bằng dây, chứ không phải phao bè, phao tự bung.
Trường hợp phương tiện gặp nạn, thuyền viên bị trôi dạt dài ngày sẽ không thể bám mãi vào phao. Thiết bị thông tin liên lạc của tàu SB cũng đơn giản, được miễn trừ nhiều so với tàu biển, như không có thiết bị cảnh báo tránh va, chỉ yêu cầu 1 ra-da ở dạng đơn giản; quy định về đèn báo hiệu tránh va cũng chưa phù hợp với quy tắc tránh va cấp độ 2 của quốc tế.
“Số lượng thuyền viên tối thiểu trên tàu cũng được giảm tối đa, quy định theo ca làm việc 8 tiếng của phương tiện thủy nội địa, trong khi tàu hoạt động 24/7. Quy định này gây khó cho cơ quan quản lý, giám sát hoạt động, nhất là khi tàu neo đậu cần phải thuyền viên để trông coi tài sản”, ông Thắng cho biết thêm.
Ngành đăng kiểm đang tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung quy chuẩn tàu SB cho phù hợp thực tế.
Quản chặt tàu SB, không cho hoạt động quá phạm vi cho phép
“Ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN cho biết, không có quy định cấm nên cơ quan đăng kiểm không thể “cho” hay “không cho” tàu sông, tàu biển chuyển cấp thành tàu SB. Hiện tại, Cục Đăng kiểm VN đang tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung quy chuẩn tàu SB cho phù hợp thực tế.”
Tại một hội nghị về tàu SB mới đây, Cục Hàng hải VN cho rằng, khi cho phép tàu sông nâng cấp hay tàu biển hạ cấp thành tàu SB cần tính toán đến động lực của phương tiện để đảm bảo thắng được dòng chảy, chứ không chỉ tính theo khả năng chở hàng, cũng như bổ sung quy định về trang thiết bị an toàn hàng hải, thiết bị thu nhận bản tin hàng hải cho tàu SB.
“Cần xem xét không cấp phép đóng mới tàu SB có trọng tải trên 5.000 tấn để phù hợp với quy hoạch vận tải và không cho phép chuyển đổi, nâng cấp tàu sông cấp S1, S2 lên tàu SB để đảm bảo an toàn”, đại diện Cục Hàng hải VN đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Văn Trọng Dũng, Giám đốc cảng vụ đường thủy nội địa khu vực I cho rằng, nguyên nhân một số vụ tai nạn là do thuyền trưởng, thuyền viên không đủ năng lực, kinh nghiệm. Có những trường hợp tai nạn do thuyền trưởng neo đậu ở vùng nước nguy hiểm, đưa tàu vào tâm bão.
Lo lắng cho an toàn của tàu SB, ông Đỗ Văn Tuy, Chủ tịch HĐQT Công ty vận tải Hải Nam cho rằng, với quy chuẩn kỹ thuật hiện nay, nếu tàu SB chạy thẳng tuyến Bắc - Nam sẽ không đảm bảo an toàn. “Cần phân cấp tàu SB thành 2 hoặc 3 loại và phân rõ vùng hoạt động của phương tiện. Đối với tàu chạy cả tuyến Bắc - Nam phải có điều kiện kỹ thuật, trang bị an toàn tương ứng với tàu biển”, ông Tuy nói.
Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết: Hiện toàn quốc có 901 tàu SB, trong đó có 393 chiếc được đóng mới và 508 phương tiện được chuyển cấp từ tàu sông cấp VR-S1, S2 (229 chiếc ) và tàu biển ( 279 chiếc). Các tàu được cấp chứng nhận đăng kiểm chuyển đổi từ tàu sông, tàu biển sang tàu SB đều phải qua tính toán, kiểm định thỏa mãn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tàu SB.
Tàu SB được tính toán đảm bảo hoạt động an toàn trong điều kiện cách bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 12 hải lý, chiều cao sóng lớn nhất không quá 2,5m. Bên cạnh đó, phải hành trình theo đúng tuyến vận tải ven biển đã được Bộ GTVT công bố.
Tuy vậy, thực tế là nhiều tàu mang cấp VR-SB có trọng tải lớn hoạt động ngoài phạm vi 12 hải lý và không theo đúng tuyến được công bố. Vi phạm này dẫn đến rủi ro cao về mất an toàn đối với con người, phương tiện, hàng hóa và tài sản; tạo ra sự chồng chéo, cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa tàu cấp VR-SB với tàu biển. Các cơ quan, lực lượng chức năng cần quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu SB, không thể để tàu SB hoạt động ngoài vùng cho phép. Nếu cho rằng tai nạn tàu SB do nguyên nhân kỹ thuật phương tiện, nhất là tàu SB chuyển cấp, thì điều này cần được làm rõ qua điều tra tai nạn.