Từ năm 2021, cơ quan đăng kiểm không giám sát, cấp chứng nhận kỹ thuật cho tàu đóng tại xưởng đóng tàu chưa được công nhận, xếp loại đạt chuẩn
Từ đầu năm 2021 đến nay, rất nhiều cơ sở đóng tàu không thể mời cơ quan đăng kiểm đến giám sát, kiểm tra phương tiện thủy đóng mới, sửa chữa do chưa được đánh giá, công nhận đủ năng lực đóng phương tiện...
Chưa có giấy chứng nhận năng lực sẽ không được đăng kiểm
Nhiều năm nay, dọc ven bờ sông Ninh Cơ (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) có gần chục xưởng đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy. Các xưởng này thường xuyên hoạt động hết công suất. Năm 2020, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng hầu hết các bãi mặt bằng của các xưởng đóng tàu tại đây đều kín phương tiện đóng mới.
Tuy vậy, hiện hoạt động đóng tàu tại đây lại trầm lắng bất thường, kể cả tàu vào sửa chữa lớn. Một số chủ xưởng cho biết, các tàu đang thi công đều là tàu đóng từ năm trước, còn từ đầu năm đến nay không có tàu nào đóng mới.
Nguyên nhân do giá vật liệu tăng nên đơn đặt hàng giảm. Nhưng cái chính là cơ quan đăng kiểm không đến kiểm định vì... cơ sở chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện năng lực đóng tàu.
“Trước khi đặt ky đóng mới phương tiện phải có hồ sơ thiết kế được cơ quan đăng kiểm phê duyệt và trong suốt quá trình đóng phải có sự kiểm tra, giám sát và chứng nhận kỹ thuật của đăng kiểm viên. Năm trước mọi việc diễn ra bình thường, nhưng sang năm 2021, cơ quan đăng kiểm không tổ chức kiểm định nữa nên chúng tôi không dám nhận đóng mới”, ông Vũ, đại diện một xưởng đóng tàu nói.
Ông Đặng Anh Tuấn, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 2 xác nhận, trên địa bàn phụ trách có hơn 20 cơ sở đóng phương tiện thủy chưa hoàn thành hồ sơ đề nghị đánh giá năng lực đạt chuẩn. Vì vậy, đơn vị không tổ chức đăng kiểm đối với phương tiện thủy bắt đầu được đóng mới, sửa chữa từ năm 2021 tại các cơ sở trên.
“Chúng tôi chỉ tiếp tục kiểm tra, giám sát kỹ thuật đối với các phương tiện đang thi công dở dang hoặc được đóng mới tại cơ sở đóng tàu đã được cơ quan nhà nước xếp loại”, ông Tuấn cho biết.
Tìm hiểu của PV tại các địa bàn khác như: Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên... các cơ sở đóng tàu chưa được xếp loại đạt chuẩn cũng bị dừng kiểm định đối với phương tiện đóng mới. Trên địa bàn Chi cục được giao phụ trách có khoảng hơn 20 cơ sở chưa được xếp loại”, ông Trần Minh Đức, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 15 thông tin.
Về nguyên nhân chưa có giấy chứng nhận cơ sở đóng tàu đạt chuẩn, theo đại diện một số xưởng và kiến nghị mà các đơn vị đăng kiểm nhận được, để đạt chuẩn cần nhiều điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực.
Trong đó, vướng mắc nhất là hồ sơ về đất (phải được giao quyền sử dụng đất, đất thuê lâu dài; chưa có trong quy hoạch...) nên chưa thể xin được giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường, mở bến thủy chuyên dùng.
Nhiều cơ sở đóng tàu chưa được đánh giá, công nhận đủ năng lực đóng phương tiện...
Địa phương cần vào cuộc gỡ khó
Đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, việc các đơn vị đăng kiểm không tổ chức giám sát, kiểm định phương tiện thủy đóng mới, sửa chữa tại các xưởng chưa được công nhận đủ điều kiện là thực hiện theo Nghị định 24/2015 và Nghị định 128/2018 (hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông ĐTNĐ).
“Đặc thù của lĩnh vực đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy là sử dụng đất ở ven sông, bờ sông, bãi sú và liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý khác nên nhiều trường hợp khó được thuê lâu dài hoặc cấp hẳn quyền sử dụng đất. Nếu vướng mắc này không được tháo gỡ, nhiều cơ sở đóng tàu sẽ không được xếp loại đạt chuẩn, phải dừng hoạt động đóng tàu.
Ông Trần Minh Đức, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 15”
Để đưa hoạt động đóng tàu vào nền nếp và bảo đảm kiểm soát được chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện thủy, nghị định quy định cơ sở đóng, sửa chữa tàu phải thành lập DN hoặc HTX, đồng thời đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN:892015/BGTVT).
Trên hồ sơ đề nghị của cơ sở đóng tàu, sẽ đánh giá, xếp loại từ 1 - 4, mỗi loại được đóng, sửa chữa phương tiện theo đúng năng lực được công nhận.
Đến nay, toàn quốc có hơn 150 cơ cở đóng phương tiện thủy được xếp loại đạt chuẩn, còn trường hợp không đề nghị xếp loại có thể không đạt chuẩn hoặc dừng hoạt động.
“Từ ngày 1/1/2021, cơ sở đóng tàu nếu tiếp tục thực hiện hoạt động phải đáp ứng các điều kiện quy định tại các nghị định trên. Cơ sở nào không đủ điều kiện, đăng kiểm không giám sát kiểm định phương tiện”, ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN cho biết.
Cũng theo ông Học, nghị định được ban hành từ năm 2015 và đề ra lộ trình 5 năm cho các cơ sở đóng tàu có thời gian chuẩn bị, hoàn thiện các điều kiện để đề nghị đánh giá, xếp loại cơ sở. Từ khi nghị định được ban hành, các đơn vị đăng kiểm thường xuyên tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định liên quan đến các cơ sở đóng tàu trên toàn quốc.
Tuy vậy, đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, nhiều trường hợp cơ sở đóng tàu hoạt động lâu năm, đáp ứng điều kiện về chuyên ngành đóng tàu song lại vướng về thủ tục đất đai, mở bến thủy. Việc này chính quyền địa phương cần vào cuộc tháo gỡ, tạo thuận lợi cho DN hoạt động.
“Cục Đăng kiểm VN sẽ rà soát và đề xuất các giải pháp tháo gỡ cho sản xuất. Chẳng hạn điều kiện về đất đai chỉ cần là hợp pháp, thay vì phải có quyền sử dụng hoặc thuê lâu dài. Dù vậy, chính quyền các địa phương cần quan tâm, có giải pháp để hỗ trợ DN, cơ sở đóng tàu đang gặp khó khăn, vướng mắc do khách quan khi hoàn thiện năng lực đạt chuẩn”, ông Học cho biết.