Tàu mắc kẹt chắn ngang kênh đào Suez.
Giới chức kênh đào Suez cần dọn tới 20.000 mét khối cát trong kênh đào Suez đi để giải phóng tàu container khổng lồ mắc kẹt từ 23.3. Tàu Ever Given mắc cạn trong kênh đào ở Ai Cập sau khi hứng chịu những cơn gió tới 40 hải lý cùng cơn bão cát khiến tầm nhìn thấp và khả năng điều hướng kém.
Con tàu khổng lồ mắc kẹt đã chặn một trong những tuyến đường thủy bận rộn nhất thế giới. Nỗ lực cứu hộ đã được triển khai, trong đó có 2 tàu cuốc, 9 tàu kéo và 4 máy đào bên bờ kênh.
Các tàu nạo vét đang nỗ lực loại bỏ cát và bùn khỏi mũi con tàu khổng lồ đang mắc kẹt. Cần phải chuyển từ 15.000 đến 20.000 mét khối cát để đạt được độ sâu từ 12 đến 16 mét cho con tàu trở lại trạng thái bình thường, đơn vị quản lý kênh đào Suez SCA thông tin ngày 25.3. Lượng cát cần chuyển đi gần gấp tám lần một bể bơi Olympic.
Bernhard Schulte Shipmanagement, giám đốc kỹ thuật của tàu Ever Given cho biết: "Ngoài các tàu cuốc đã có mặt tại chỗ, một tàu hút bùn chuyên dụng hiện đang đi cùng tàu và sẽ sớm bắt đầu hoạt động. Tàu cuốc này có thể chuyển 2.000 mét khối vật liệu mỗi giờ".
SCA đang thảo luận về phương án di chuyển con tàu khổng lồ mắc kẹt ở kênh đào Suez bằng cách đào khu vực xung quanh tàu. Con tàu mắc kẹt dài 400 mét và rộng 59 mét.
Theo chuyên gia cấp cao của kênh đào SCA chia sẻ với CNN, việc tái nổi con tàu khổng lồ này "rất phức tạp về mặt kỹ thuật" và có thể mất nhiều ngày.
Một nhóm chuyên gia cứu hộ từ Smit Salvage của Hà Lan và Nippon Salvage của Nhật Bản nổi tiếng với nhiều hoạt động giải cứu tàu trước đây, sẽ tham gia hỗ trợ cơ quan quản lý kênh đào Suez tái nổi tàu Ever Given.
Khủng hoảng ở kênh đào Suez được đánh giá là sẽ gây thiệt hại lớn cho các công ty và các hoạt động thương mại quốc tế. Khoảng 12% khối lượng thương mại thế giới đi qua kênh đào Suez và kênh đào này thường xử lý khoảng 10 tỉ USD hàng hóa mỗi ngày.
Hơn 18.800 tàu với trọng tải thực 1,17 tỉ tấn đi qua kênh đào Suez trong năm 2020. Trung bình có 51,5 tàu mỗi ngày. Ít nhất 160 tàu chở nhiên liệu và hàng hóa quan trọng hiện đang chờ để đi qua kênh đào Suez, theo một nhân viên cấp cao ở SCA. Một số tàu thuyền đã chuyển hướng hành trình qua Mũi Sừng (Cape Horn) để tránh tắc nghẽn ở kênh đào Suez. Tuy nhiên, hành trình này đồng nghĩa với tuyến đường dài thêm 6.000km và 12 ngày trên biển, theo Văn phòng Vận tải biển quốc tế (ICS). Tổng thư ký ICS Guy Platten cho biết: "Thiệt hại đối với chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ rất đáng kể".
Các chuyên gia lo ngại nếu con tàu mắc kẹt không được giải phóng sớm, tắc nghẽn có thể tác động tới thị trường dầu mỏ, tỉ lệ vận chuyển và container gây tăng giá hàng hóa hàng ngày.
Đây không phải là lần đầu tiên kênh đào Suez (mở cửa năm 1869) phải ngừng hoạt động. Kênh đào ở Ai Cập đã phải đóng cửa từ năm 1956 đến năm 1957 do khủng hoảng Suez hay cuộc chiến tranh Arab-Israel lần thứ hai. Kênh đào này đóng cửa một lần nữa vào năm 1967 khi Israel chiếm bán đảo Sinai và không mở cửa trở lại cho đến năm 1975.
Tuy nhiên, CNN lưu ý, việc tê liệt kênh đào Suez lần này có thể tác động lớn hơn, gây rối loạn nhiều hơn so với 2 lần trước bởi thương mại giữa Châu Âu và Châu Á đã tăng đáng kể trong nhiều thập kỷ qua. Tàu mắc kẹt ở kênh đào Suez - tàu Ever Given - thuộc sở hữu của công ty vận tải Nhật Bản Shoei Kisen KK.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy nỗ lực giải cứu tàu Ever Given tại kênh đào Suez ngày 26.3 (theo giờ địa phương). Ảnh: AFP.
2 tàu cuốc, 9 tàu kéo và 4 máy đào bên bờ kênh đã được huy động để cứu hộ. Ảnh: AFP.
Trước đó, ngày 23.3, con tàu Ever Given bị mắc cạn trong kênh đào ở Ai Cập sau khi hứng chịu những cơn gió tới 40 hải lý cùng cơn bão cát khiến tầm nhìn thấp và khả năng điều hướng kém. Ảnh: AFP.
Tàu Ever Given dài khoảng 400 mét và rộng 59 mét, nằm nghiêng đã cản trở tất cả các phương tiện lưu thông qua kênh đào Suez của Ai Cập. Các chuyên gia lo ngại nếu con tàu mắc kẹt không được giải phóng sớm, điều này có thể gây tác động tới thị trường dầu mỏ, tỉ lệ vận chuyển và container, từ đó gây tăng giá hàng hóa hàng ngày. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, theo CNN, các chuyên gia cấp cao cho rằng việc giải cứu con tàu khổng lồ này "rất phức tạp về mặt kỹ thuật" và có thể mất nhiều thời gian. Ảnh: AFP.