Hàn Quốc tiếp tục đứng đầu ngành đóng tàu thế giới

17/02/2021

Năm 2020, các hãng đóng tàu Hàn Quốc đã giành được 36 trên 49 đơn hàng đóng tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng cỡ lớn (70%), 35 trên 41 đơn hàng đóng tàu dầu thô cỡ lớn (85%)


Hàn Quốc ba năm liền dẫn đầu thế giới về đơn hàng đóng tàu

Hàn Quốc tiếp tục đứng số một thế giới về số đơn hàng đóng tàu trúng thầu trong tháng 1, nối tiếp thành tích ấn tượng của năm ngoái. Triển vọng ngành công nghiệp đóng tàu được dự đoán là sẽ sáng sủa hơn trong năm nay. Theo dự báo của Viện nghiên cứu kinh tế nước ngoài thuộc Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), ngành công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc sẽ chứng kiến cả số lượng lẫn giá trị đơn hàng tăng trưởng 100% so với năm 2020, trong bối cảnh nhu cầu thay thế tàu cũ trên thế giới ngày càng tăng do các quy định về môi trường khắt khe hơn. Dư luận đang chú ý xem liệu ngành công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc có thoát khỏi đường hầm tăm tối và bùng nổ trở lại hay không. Chuyên gia kinh tế Chung Chul-jin, phân tích bối cảnh và triển vọng ngành công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc. 

Việc Seoul vẫn duy trì vị trí số một về số lượng đơn hàng đóng tàu càng mang nhiều ý nghĩa hơn trong bối cảnh thế giới đối mặt với dịch COVID-19 năm ngoái. Theo công ty nghiên cứu về đóng tàu và vận tải biển Clarkson Research Service có trụ sở tại Anh, các doanh nghiệp đóng tàu Hàn Quốc đã dẫn đầu thế giới, giành được hợp đồng đóng 187 tàu, tương đương 8,19 triệu tấn tổng hợp bù (CGT), chiếm 43% tổng số đơn hàng đóng tàu toàn cầu (19,24 triệu tấn tổng hợp bù). Đặc biệt, Hàn Quốc đã vượt qua các đối thủ cạnh tranh là Trung Quốc, Nhật Bản, trúng thầu nhiều đơn hàng đóng tàu chất lượng cao. 

Tăng khả năng cạnh tranh với các tàu có giá trị gia tăng cao

Dẫn: Năm 2020, Trung Quốc dẫn trước Hàn Quốc về số lượng đơn hàng đóng tàu lũy kế cho đến tháng 6, nhưng trong nửa cuối năm Seoul đã bứt phá vượt qua Bắc Kinh với số lượng đơn hàng gấp đôi, lên giữ vị trí số một thế giới. Hàn Quốc có lợi thế cạnh tranh về đơn hàng đóng tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và các tàu chở dầu thô cỡ lớn (VLCC), với đơn giá đóng mỗi loại tàu này lần lượt là 180 triệu USD và 80 triệu USD cho một chiếc. Đặc biệt, số lượng đơn hàng trúng thầu vào phút chót năm ngoái đều là những tàu giá trị gia tăng cao. Chuyên gia Chung Chul-jin phân tích.


Năm 2020, các hãng đóng tàu Hàn Quốc đã giành được 36 trên 49 đơn hàng đóng tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng cỡ lớn (70%), 35 trên 41 đơn hàng đóng tàu dầu thô cỡ lớn (85%). Điều này chứng tỏ những doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển tin tưởng tàu chất lượng cao của các nhà đóng tàu Hàn Quốc. Một yếu tố thuận lợi khác đối với Seoul là sự thay đổi quy chế môi trường đang trở thành chủ đề nóng trong thời Chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden. Dự kiến các đơn hàng đóng tàu chở khí LNG sẽ tăng lên trong khi Hàn Quốc đang chiếm ưu thế so với các đối thủ cạnh tranh trong mảng này. Các vấn đề môi trường càng được coi trọng thì ngành đóng tàu Hàn Quốc sẽ càng có tương lai tươi sáng. 

Đóng tàu thân thiện với môi trường, đầu tư cơ sở vật chất và quản lý ESG

Hãng Clarkson Research Service dự đoán số lượng đơn hàng đóng tàu năm nay sẽ tăng 23,7% so với năm ngoái, trong đó Hàn Quốc sẽ là bên được hưởng lợi lớn nhất. Trên thực tế, các doanh nghiệp đóng tàu Hàn Quốc đã nhận được hàng loạt đơn hàng đóng tàu ngay từ đầu năm nay. Kỳ vọng về sự hồi phục của ngành đóng tàu, ba hãng đóng tàu lớn nhất Hàn Quốc đặt mục tiêu giành được nhiều đơn hàng trong năm 2021 hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Khoảng 10 năm trước, Seoul đã để tụt mất vị trí số một trong ngành công nghiệp đóng tàu toàn cầu vào tay Bắc Kinh, song nhờ công nghệ ưu việt, ngành công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc đã hồi sinh. Tất nhiên, những đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Trung Quốc và Nhật Bản không khoanh tay đứng nhìn. Ba nước chắc chắn sẽ cạnh tranh khốc liệt trên thị trường đóng tàu toàn cầu. 

Mặc dù ngành đóng tàu có triển vọng tích cực trong năm nay, nhưng cổ phiếu của các doanh nghiệp đóng tàu tăng thấp hơn so với tốc độ tăng của chỉ số thị trường chứng khoán Hàn Quốc (KOSPI). Kết quả này xuất phát từ những lo ngại của nhà đầu tư cho rằng các doanh nghiệp đóng tàu chạy theo lợi nhuận nhỏ hay lợi nhuận trước mắt. Trên thực tế, báo cáo kinh doanh của ngành đóng tàu Hàn Quốc trong quý IV năm ngoái không mấy khả quan, phần lớn số lượng tàu bán ra có tỷ suất lợi nhuận thấp. Cửa ải lớn nhất với các hãng đóng tàu là phục hồi lợi nhuận, song điều này phụ thuộc vào việc đầu tư cơ sở vật chất và đóng tàu giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Hiện nay, ba yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (gọi tắt là ESG), đang ngày càng được chú ý. Chuyên gia Chung Chul-jin giải thích.

ESG đã trở thành từ khóa cho các ngành công nghiệp nói chung trong đó có ngành đóng tàu. Ngay cả các nhà đầu tư lớn cũng cân nhắc đến ba yếu tố ESG trước khi quyết định đầu tư vào doanh nghiệp. Ngành đóng tàu Hàn Quốc hiện đang được xếp hạng B+ về ESG, thứ hạng không phải là cao. Do đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc cần đảm bảo năng lực cạnh tranh về công nghệ đóng tàu thân thiện, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu hồi phục. Hiện nay, việc cải thiện đánh giá ESG có tác động lớn đến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp đóng tàu Hàn Quốc.

 

Nhu cầu vận tải biển tăng mạnh, cơ hội tái sinh ngành đòng tàu

Một nhiệm vụ khác của ngành đóng tàu Hàn Quốc là vực dậy các công ty đóng tàu quy mô vừa, từng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành. Một số doanh nghiệp trong đó từng là top 10 doanh nghiệp đóng tàu thế giới vào những năm 2000, nhưng hiện đang vật lộn với cuộc chiến sinh tồn. Theo số liệu của Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc, 7 công ty đóng tàu cỡ trung của Hàn Quốc chỉ giành được đơn hàng đóng 14 chiếc tàu trong năm ngoái, trị giá khoảng 500 triệu USD, tức chỉ bằng một phần 8 so với con số 3,9 tỷ USD của năm 2010. Điều này phản ánh khoảng cách lớn giữa các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp đóng tàu. Sự sụp đổ của các doanh nghiệp đóng tàu tầm trung chắc chắn là một tổn thất nặng nề cho toàn ngành, bởi hệ sinh thái công nghiệp liên quan sẽ biến mất. Chuyên gia Chung Chul-jin nhận định.  

Năm nay, ngành công nghiệp đóng tàu cần tập trung nhiều hơn vào các tàu có giá trị gia tăng cao, tàu thân thiện với môi trường, dựa trên nguyên tắc ESG. Ngoài ra, ngành công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc chỉ có thể tăng trưởng mạnh mẽ khi song hành với ngành vận tải đường biển, như những năm 2000. Đáng tiếc là công ty vận tải biển Hanjin, vốn là doanh nghiệp vận tải biển lớn thứ 7 thế giới đã phá sản năm 2017, giáng một đòn chí mạng cho toàn ngành này của Hàn Quốc. Tình hình có phần nào cải thiện khi Chính phủ đã công bố kế hoạch 5 năm tái thiết ngành công nghiệp vận tải biển. Tôi hy vọng điều này sẽ ảnh hưởng tích cực đến ngành đóng tàu.  

Ngành công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc đã không may sa sút trong 10 năm qua, khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, để lại vết sẹo lớn cho nền kinh tế. Hiện cơ hội hồi sinh ngành này đang tới trong bối cảnh khối lượng hàng hóa vận chuyển đường biển có thể tăng mạnh sau khi dịch COVID-19 chấm dứt, thêm vào đó là nhu cầu thay thế, chuyển đổi sang các loại tàu mới, thân thiện với môi trường gia tăng. Ngành công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc được kỳ vọng có thể tận dụng cơ hội, hồi sinh trở lại thời kỳ hoàng kim.

Tác giả: KBS